Về “tam giang” xem ngư dân bắt cá Anh Vũ, cá Lăng khủng

Google News

Cách đây chừng 20 năm, ngư dân phường Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ) thường xuyên đánh bắt được sản vật “tiến vua” cá anh vũ.

4 loài cá nổi danh huyền tích “ngũ quý hà thủy”
TP Việt Trì (Phú Thọ) là thành phố có ba con sông lớn giao nhau: sông Hồng, sông Lô và sông Đà. Nơi gặp nhau của ba con sông được gọi là Bạch Hạc, hay còn gọi là Tam Giang. Đặc biệt, ngã ba Bạch Hạc phường Bạch Hạc (Việt Trì) nổi tiếng là có bốn loài cá trong “ngũ quý hà thủy” (5 loài cá quý) của sông ngòi miền Bắc: cá Anh Vũ, cá Dầm Xanh, cá Lăng và cá Chiên.
Cá Anh Vũ – loại cá đứng đầu trong “ngũ quý” giành để tiến vua. Cách đây khoảng 20 năm, người dân vẫn thường xuyên đánh bắt được. Chúng tôi đã ngược đường lên mảnh đất “rừng cọ, đồi chè” để tìm gặp ông Phan Tiến Lập (1959) – người dân vạn chài xóm Đoàn Kết, được người dân gọi cái tên đầy trìu mến Lập “cá” để tìm hiểu về “cá tiến vua”.
 Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng bắt được con cá hơn 20kg ở ngã ba tam giang.
Nước da bánh mật, bàn tay thô kệch, ông Lập tếu táo bảo “sắp được nghỉ hưu”. Mà cái nghề của ông lắm gian truân, biết bao giờ mà được nghỉ ngơi, chỉ đến khi nào sức khỏe không còn mà đua theo dòng nước thì mới chịu. Mấy chục năm, ông ròng rã lặn lội hết khúc sông này đến khúc sông khác, có chỗ nào là ông không thuộc như trên lòng bàn tay.
Ông bảo ông nhớ từng chỗ nước nông nước sâu, nơi nào có đá lổm ngổm, chỗ sâu nước lạnh toát. Cơ thể lúc nào cũng đằm đẵm dưới sông. Đến giờ ông mới ngẫm, cái nghề nó vậy rồi. Ở cái tuổi này, những người như ông đều có thể mắc bệnh phong hàn như chơi. Tiết trời ẩm ương, bàn tay bàn chân của ông tê dại. Lắm hôm đầu đau như búa bổ.
Nhớ lại những kí ức của mình lênh đênh trên sông nước cùng bố mẹ, ông Lập kể, từ lúc lên 9 – 10 tuổi, sau khi đi học về là ông lại theo bố mẹ đi bắt cá ở dưới sông.
Nhà ông nghèo, bố mẹ sinh nhiều con, lắm khi nhà không có gì để ăn là chuyện thường. Nhỏ xíu nhưng ông đã biết bơi. Nhiều hôm, ông theo bố mẹ đi từ tờ mờ sáng ngược theo dòng nước sông Lô lên đến Đoan Hùng (Phú Thọ).
Cuộc sống lênh đênh theo con nước. Có hôm đi từ lúc gà chưa gáy, trời vẫn chập choạng tối, may mắn thì bắt được nhiều cá. Mẹ mang lên chợ bán. Khi thì đổi lấy gạo ăn, mua lèo tèo vài vật dụng sinh hoạt thường ngày. Nhà đánh được cá, cứ thế nấu chứ không bao giờ phải mua thức ăn. Cuộc đời ông cứ chênh vênh như vậy.
Kể về lần cuối cùng ông bắt được cá Anh Vũ đó là năm 1981. Ông Lập bảo, hôm ấy ông bắt được hai con Anh Vũ trong một ngày. Khi mang về, nghe tin ông bắt được cá Anh Vũ. Cả làng kéo đến nhà chiêm ngưỡng.
Mắt ông hấp háy “với dân chài lưới chúng tôi, chẳng mấy ai được ăn cả. Cá Anh Vũ để tiến vua. Kể cả bắt được cũng chẳng dám ăn, xót ruột. Loài này có hình dáng vô cùng đẹp mắt. Đặt trong chậu, khi chúng giương vây lên, giống như một cánh buồm dơi xanh, đỏ, lơ lơ…nhiều màu trong những bức tranh Đồng Hồ”.
Cá Anh Vũ là loài ăn rong, rêu khe đá, vì tập tính rũi mồm vào đá ăn rêu, lúc ngủ cũng dùng môi để bám trụ nên loài đặc biệt quý. Cái môi đặc trưng bè bè như mõm lợn. “Thế nhưng, khoảng hai chục năm nay, người dân trong thôn không một ai bắt được Anh Vũ nữa. Đến giờ, chỉ có cá Lăng, “tay” nào số đỏ thì bắt được thường xuyên”, ông Lập thở dài.
Bắn điếu thuốc lào, ông cười khà khà bảo: “Cá Dầm Xanh, tôi chưa ăn bao giờ. Nhưng cá Anh Vũ thì tôi đã ăn nên biết, loài này thịt ngọt và thơm “đệ nhất”, đặc biệt ngon ở cái sụn “mõm lợn” kia”.
Nhắc đến cá Dầm Xanh, ông Lập cho biết, lần duy nhất ông bắt được một con nặng hơn 4kg. Loài này trước đây cũng rất ít, “ngư dân trong xóm chưa ai ăn loài cá này bao giờ. Và từ thuở xưa, các cụ truyền tai nhau: “Dầm Xanh là anh cá Vũ”. Thực chất, cá Anh Vũ là loại quý hơn và đắt đầu bảng.
Ngày trước, giá cá Anh Vũ khoảng hơn 70 nghìn một kg, trong khi đó cá Lăng chỉ chưa đến 5 nghìn đồng. Hiện nay, giá cá Lăng ngấp nghé khoảng 800 nghìn một cân, còn Anh Vũ hay Dầm Xanh thì có lẽ đã tuyệt chủng trên sông Lô rồi.
Ngã ba Bạch Hạc – “thủ phủ” cá Lăng miền Bắc
Trong bốn loài cá quý của sông Lô, cá Lăng là loài được thiên nhiên ban tặng hào phóng nhất cho dân chài lưới nơi đây, và đây cũng là loài duy nhất hiện tại còn khá nhiều ở khu vực ngã ba sông. Cá Chiên, người dân Đoàn Kết cũng vẫn còn bị bắt trượt ở sông Lô, nhưng Anh Vũ và Dầm Xanh thì nhiều năm nay không còn dấu tích.
Với người dân sông nước, ngày trước làm cá cứ 4 ngày bắt được 6 con Lăng là điều rất bình thường. Những con trung bình từ 7 đến 15 kg là phổ biến, cũng có những con đến 25 kg. Gọi là cá Lăng khi loài này phải khoảng 4kg trở lên, Lăng là phải to, những con bé hơn thì được gọi là Quất. Những con Quất bằng ống điếu hay 1 đến 2 kg thì dân ở đây đã bắt được rất nhiều.
Theo kinh nghiệm của những người cả đời trên sông nước thì khi trời nổi cơn giông, gió càng to thì càng dễ bắt cá. Những khi nước trên thượng nguồn đổ về, sông Lô một màu đục ngầu, cuồn cuộn chính là thời điểm đắc lợi nhất của thuyền chài.
Cứ nhìn con nước đục ngầu, cá Lăng hay đi ăn ở đó. Người dân khéo léo thả lưới xuôi theo dòng nước, hoặc lái lưỡi câu đã dính sẵn mồi xuống. Nghe thì có vẻ đơn giản, những để bắt được những con Lăng “khủng” sông Lô kể cả khi cá đã dính lưới hay mắc câu đều phải có kinh nghiệm, và đặc biệt ông thợ thuyền phải thật khỏe mạnh và khéo léo mới có thể đưa loài “thủy quái” này lên bờ.
Dân vạn chài nơi đây đã từng có người suýt phải bỏ mạng dưới dòng sông vì một con cá Lăng khủng. Lòai cá này tinh ranh và vô cùng khỏe, khi bắt được cá, dân chài thường lấy sợi dây chắc chắn để buộc vào mạn thuyền, chỉ khi có người đến cân hoặc mang lên bờ mới lựa tháo dây ra khỏi mồm con cá.
Có ngư dân của làng một dạo bắt được một con Lăng lớn, buộc dây neo bên thuyền cho đến khi bắt mang lên bờ. Do chủ quan, một tay ôm con Lăng, tay tháo dây buộc. Khi vừa tháo được sợi dây, con cá lôi theo cả người dân xuống dòng sông cuồn cuộn.
Con Lăng vùng vẫy. Cá bơi dưới nước rất khỏe. Ông thuyền chài bất ngờ bị cuốn theo đà chìm nghỉm dưới lòng sông. Nước sông dữ, vực đá và những nguy hiểm ở khu vực ngã ba Bạch Hạc tạo thành một địa thế vô cùng hiểm trở, biết không thể giữ được con Lăng, ông đành buông tay để trượt con Lăng gần 20 kg rồi bơi lên khỏi mặt nước để giữ lấy mạng sống của mình.
Cá Lăng mang lại một nguồn lợi nhuận vô cùng lớn cho dân chài lưới Đoàn Kết. Cách đây 20 năm ai đi làm cá cũng đều bắt được cá Lăng, thế nhưng hiện nay thời hoàng kim từ cá Lăng đã qua, nhưng không phải không còn những thợ thuyền “trúng quả”.
Vào tháng 12/2015, ông Nguyễn Văn Hùng là người “đỏ” nhất làng, bất ngờ bắt được con Lăng 20 kg. Chưa từng bắt được con Lăng nào nặng như vậy, cá to không thể bê được về mà phải hò người luồn dây vào đòn gánh để khiêng.
Từ đó đến nay, tháng nào anh cũng bắt được ít nhất 1 con Lăng, trung bình là hơn 10kg một con. Số lượng cá Lăng từ sông Lô mà dân làng chài bắt được đều rất ít, những con cá bắt tự nhiên thường được dân nơi đây mua lại ngay chứ không có nhiều thực khách nơi khác có cơ hội.
Tuy loài cá này chưa đến nguy cơ bị tận diệt, nhưng nước sông Lô ngày một ô nhiễm đe dọa nghiêm trọng đến nguồn cá Lăng nơi đây. Hiện nay đã có một số hộ ở Việt Trì chuyển sang nuôi cá Lăng để cung cấp cho thị trường thay vì trông đợi vào nguồn cá tự nhiên. Chỉ biết rằng, “cá Lăng Việt Trì” vẫn là một thương hiệu được giới sành ăn khắp nơi, đặc biệt là Hà Nội ưa chuộng, giá của nó vẫn cao “chót vót” và luôn có sẵn tại các nhà hàng.
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)