Đăng hoàn cảnh giả lấy tiền thật
Theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, nhóm của "bác sĩ Khoa" có nick Phong Lam thường dựng lên những câu chuyện lấy nước mắt cư dân mạng, từ đó kêu gọi quyên góp từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh mà nhóm này tự vẽ ra. Hình ảnh đại diện trên Facebook của “bác sĩ Khoa” được tài khoản trên lấy từ hình ảnh của một tiến sỹ chuyên về nha khoa ở Singapore. Các thành viên “bác sĩ Khoa” sau khi đăng bài, tag các Facebook như: PhongLam, Thy Nguyễn… đã “biến mất” sau khi sự việc được phanh phui.
Ngoài câu chuyện của “bác sĩ Khoa”, nhóm đối tượng Phong Lam còn bịa đặt câu chuyện nuôi một bà cụ bán vé số không nơi nương tựa, sau khi chồng và con mắc bệnh ung thư qua đời, bà cụ sau đó cũng bị đột tử. Một facebook trong nhóm đăng đàn kêu gọi ủng hộ, quyên góp tiền làm đám tang cho cụ. Dưới lời kêu gọi kèm theo số tài khoản của một người tên Nguyễn Thị Minh Thy. Rất nhiều người đã chuyển tiền ủng hộ sau lời kêu gọi đẫm nước mắt này.
|
Các đối tượng lừa đảo thường lấy ảnh của những nhà khoa học, nổi tiếng và dựng câu chuyện cảm động hòng lấy tiền thiện nguyện của nhà hảo tâm. |
Thậm chí, cả câu chuyện chính bản thân Lam bị ung thư máu từ nhỏ, câu chuyện về người anh trai bị bệnh mất từ lúc mới sinh ra, ước mơ làm bác sĩ và được ba hiến tuỷ để cứu sống mình và sau đó Lam sang Singapore theo đuổi giấc mơ bác sĩ như thế nào… đều được Lam tổng hợp cả mấy trang như một tấm gương vượt lên số phận gửi cho tất cả những người mà cô ta quen được.
“Trong bản tóm tắt cuộc đời dài cả chục trang giấy, mà Lam gửi cho tôi, Lam kể bố đã quyết tâm bán nhà đưa con gái sang Singapore chữa bệnh, làm đủ mọi nghề từ phụ hồ đến bán gà rán, hiến tuỷ cứu con gái nên bị liệt chân. Tất cả, nhằm mục đích kêu gọi từ thiện dưới cái danh nghĩa quỹ ung thư 82”- Chị T, một doanh nhân chia sẻ trên Báo Tiền Phong và cho biết chị đã ủng hộ vào quỹ này 5 triệu đồng và kêu gọi bạn bè ủng hộ nữa.
Theo tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, hiện cơ quan chức năng vẫn chưa xác minh được cái tên Phong Lam hay Trần Khoa có ngoài đời thật hay không, hay chỉ có trong những mảnh đời được hư cấu nhằm mục đích lợi dụng lòng người của một nhóm lừa đảo. Duy chỉ có cái tên facebook Thy Nguyễn là có thật, vì cái tên này có số tài khoản mang tên Nguyễn Thị Minh Thy, được công khai để “gom” tiền của các mạnh thương quân, người chơi mạng xã hội giàu lòng trắc ẩn.
Điều hành cả chục fanpage "kêu gọi từ thiện"
Mới đây, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an cũng đã liên tiếp phát hiện một số đối tượng có hành vi tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm. Số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng.
Theo đó, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là tạo lập các trang mạng xã hội (chủ yếu trên Facebook), sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ; hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được nhà nước cho phép, rồi đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn sử dụng các bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để dẫn nguồn trên Fanpage Facebook, rồi xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập quản lý, để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ.
Các bài viết được các đối tượng đăng tải trên các trang mạng xã hội đã thu hút hàng chục nghìn người quan tâm theo dõi, gửi tiền ủng hộ từ 50.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận số tiền được các nhà hảo tâm chuyển đến, các đối tượng không bàn giao tiền từ thiện cho các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn mà sử dụng hết vào mục đích cá nhân; hoặc chỉ chuyển một phần rất nhỏ để làm hình ảnh nhằm tiếp tục “kêu gọi từ thiện”...
Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng Công an trong cả nước đã liên tiếp phát hiện, xử lý các đối tượng quản trị các trang Fanpage Facebook hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự như trên. Điển hình như Fanpage “Chia sẻ vì người nghèo”, “Hỗ trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”, “Quan thế âm bồ tát”... Lực lượng Công an đang tăng cường rà soát, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhất là các vụ lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đảo tiền từ thiện qua mạng xã hội.
Người dân cần cao cảnh giác
Luật sư Đặng Văn Cường, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, rất nhiều bác sĩ đang tham gia phòng chống dịch bệnh vất vả, hy sinh cuộc sống cá nhân, thậm chí hy sinh cả tính mạng, thì lại xuất hiện những thông tin giả mạo, gian dối để chiếm đoạt tài sản, gây tổn thương đến tình cảm và niềm tin của con người vào lòng trắc ẩn. Với sức lan tỏa nhanh chóng của câu chuyện này, chắc chắn sẽ có nhiều người đã mắc lừa và chuyển tiền cho nhóm đối tượng này.
Theo luật sư Cường, cơ quan điều tra cần sớm khởi tố vụ án hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 Bộ Luật hình sự (BLHS) năm 2015 để điều tra làm rõ; đồng thời, đăng thông tin công khai để những nạn nhân cung cấp thông tin, trình báo sự việc làm căn cứ giải quyết vụ án.
Theo quy định của pháp luật, hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi lừa đảo. Với số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 174 BLHS năm 2015. Số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên, đối tượng lừa đảo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.
Được biết, cơ quan Công an đã nhiều thông báo phát đi về việc cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện để lừa đảo trên mạng xã hội. Cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội; yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để kiểm chứng thông tin.
Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin để trục lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc kêu gọi từ thiện, các nhà hảo tâm nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan Công an để kịp thời xử lý.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Bắt giữ ổ nhóm giả danh ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản