Tướng Nam: Vinh danh người dân trong cuộc chiến chống dịch ở TP.HCM

Google News

"Xuống trao gói an sinh, tôi thấy phòng trọ chỉ 9-12 m2 mà 4 người ở, 3 tháng trời không nhúc nhích. Đó là sự chịu đựng cực kỳ ghê gớm".

23h ngày 22/8/2021, toàn bộ lực lượng vũ trang TP.HCM và lực lượng chi viện của Quân khu 7, Bộ Quốc phòng có mặt tại TP.HCM, đồng loạt ra quân cho chiến dịch khống chế đại dịch COVID-19. Thời điểm đó được trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM, nhắc lại nhiều lần trong cuộc trò chuyện với Zing. Một dấu mốc quan trọng trong trận chiến chống dịch kéo dài 5 tháng ròng rã.
Cuộc chiến với kẻ địch vô hình, nhưng để lại nhiều hy sinh hữu hình. Quân đội phải tiếp nhận nhiều sứ mệnh chưa có tiền lệ.
Hàng trăm bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 được thiết lập, hàng triệu túi an sinh đã được trao, hàng nghìn người không may qua đời trong đại dịch được đưa về với gia đình… Đằng sau những kết quả ấy là quá trình ra quyết định với nhiều trăn trở.
Đêm 23/8
- Khi nhìn lại 5 tháng chống dịch tại TP.HCM, nhiều người miêu tả đây như một cuộc chiến, đặc biệt khi hình ảnh lực lượng vũ trang xuất hiện trên mọi mặt trận. Là người tham gia từ ngày đầu tiên, ông nhớ nhất giai đoạn nào của cuộc chiến?
Từ 27/4 đến 30/9, TP.HCM có 4 giai đoạn phòng chống dịch COVID-19.
Giai đoạn 1 (27/4-9/7): Dịch bùng phát, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 toàn thành phố và Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12).
Giai đoạn 2 (10/7-23/8): Dịch chưa được khống chế, áp dụng Chỉ thị 16 toàn thành phố. Bộ Tư lệnh TP tham mưu cho Thành ủy, UBND TP.HCM 13 nhóm giải pháp thực hiện tình trạng khẩn cấp về phòng chống dịch Covid-19.
Giai đoạn 3 (23/8-15/9): Tình hình dịch chưa khả quan; bệnh viện, nơi hỏa táng quá tải. Chính phủ ban hành Nghị quyết 86 chỉ đạo khống chế dịch trước 15/9. Trung ương chi viện cho TP.HCM, thực hiện mặt trận quyết chiến chiến lược để chống dịch.
Giai đoạn 4 (15-30/9): Dịch chưa giảm, TP.HCM xin giãn cách thêm 15 ngày và xét nghiệm Covid-19 thần tốc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Ngày 30/9, TP.HCM cơ bản khống chế được dịch, ban hành Chỉ thị 18 về số thích ứng, linh hoạt, an toàn với Covid-19.
- Cuối tháng 6, đầu tháng 7, thành phố tập trung truy vết quyết liệt, càng truy vết càng phát hiện nhiều F0. Đó là giai đoạn thành phố cầm cự để phòng, chống dịch. Cả hệ thống nhiều lúc quá tải cho đến đầu tháng 8, Bộ Quốc phòng bắt đầu tăng cường lực lượng nhưng chưa nhiều.
Giai đoạn quyết định là Thủ tướng ban hành Nghị quyết 86 yêu cầu các địa phương kiểm soát dịch trước 15/9, Bộ Quốc phòng tập trung tăng cường lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để tổng tiến công kiểm soát dịch bệnh.
18h ngày 22/8, tất cả lực lượng chủ lực của Bộ Quốc phòng có mặt để cùng thành phố khống chế dịch bệnh. Lúc đó, mọi lực lượng, phương tiện, máy móc hiện đại nhất được tập trung để mở chiến dịch chưa từng có kể từ ngày thống nhất đất nước. Cả chiến dịch này, Trung ương chi viện cho thành phố trên 400.000 lượt người; 25.000 cán bộ, đội ngũ chuyên môn được huy động cho TP.HCM.
Một trong những thay đổi quan trọng là chiến dịch lần này lấy phường, xã, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy là pháo đài; người dân là chiến sĩ, là chủ thể để tập trung phòng, chống dịch. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từ dưới lên, góp phần đi đến thành quả hôm nay.
Tuong Nam: Vinh danh nguoi dan trong cuoc chien chong dich o TP.HCM
Trung tướng Nguyễn Văn Nam phân tích phương án thiết lập bệnh viện dã chiến tại các cửa ngõ thành phố. Ảnh: Chí Hùng. 
- Việc tham mưu cho lãnh đạo thành phố “bày binh bố trận” để chiến đấu với dịch Covid-19 đã diễn ra thế nào, thưa trung tướng?
- Cái hay trong sự chỉ đạo của thành phố là thiết lập khu cách ly trên các hướng cửa ngõ và giao Bộ Tư lệnh TP.HCM quản lý, điều hành. Quyết định này căn cứ trên tham mưu của Bộ Tư lệnh thành phố. Sở Chỉ huy thống nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 được thành lập để điều hành chung, đặt trụ sở tại UBND TP.HCM.
Riêng Bộ Tư lệnh TP.HCM thiết lập 3 sở chỉ huy phía trước để điều hành chỉ huy các hướng. Nhiệm vụ là điều động lực lượng tham gia tuần tra, canh gác, bảo vệ khu cách ly và bệnh viện dã chiến; đảm bảo điều hành thống nhất, hội ý, giao ban hàng ngày và báo cáo tình hình về Sở Chỉ huy thống nhất.
Trong quá trình đó, giai đoạn căng thẳng nhất với lực lượng vũ trang là khi tập trung lực lượng của bộ, ngành vào thiết lập khu cách ly, bệnh viện dã chiến, khu điều trị, khu phong tỏa.
TP.HCM có hơn 70 bệnh viện điều trị, chủ yếu ở trung tâm thành phố. Khi dịch bệnh lan ra thì ở đâu cũng có F0, cứ tập trung dồn về trung tâm thì không đủ. Nếu bố trí bệnh viện ở các hướng thì địa bàn nào có thể cấp cứu tại địa bàn đó, hạn chế di chuyển, kịp thời cứu chữa cho nhân dân.
Ngoài ra, ý định của lực lượng vũ trang thành phố không phải chỉ lo cho mình mà khi khống chế được, nếu các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, bùng phát thì lập tức chi viện hỗ trợ.
Thực tế, khi Bình Dương bùng phát dịch, các khu cách ly tại Đại học Quốc gia TP.HCM, Bệnh viện dã chiến số 1 (2 cơ sở); Bệnh viện dã chiến 5D của Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ rất nhiều.
Trăn trở xử lý thi hài, đưa tro cốt về với thân nhân
- Một trong những điều khó quên trong chiến dịch này là hình ảnh các chiến sĩ xử lý thi hài, đưa tro cốt về với gia đình. Khi đó, dù không có nhiều kinh nghiệm, tại sao Bộ Tư lệnh TP.HCM lại đứng ra nhận nhiệm vụ này?
- Trước khi quân đội vào cuộc, quy trình xử lý tro cốt của người bệnh do nhà đòn làm việc với bệnh viện, rồi đưa tới công ty môi trường thành phố xử lý, không có sự quản lý của Nhà nước. Sau khi hỏa táng xong, nhà đòn thuê shipper đem tro cốt đến nhà.
Một số khu vực cách ly nên shipper không được vào, báo chí chụp lại bức hình một hũ tro cốt để dưới đất, ở ngay khu cách ly. Anh em phát hiện, xót xa lắm, báo cáo lên Bộ Tư lệnh TP. Ngay khi thấy hình ảnh đó, chúng tôi lập tức triển khai xây dựng kế hoạch.
Khi vừa họp bàn kế hoạch xong, anh Bảy (Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên - PV) nghe thông tin và hỏi tôi: “Bộ Tư lệnh TP nắm được gì chưa? Tui nghe nói tro cốt bà con là shipper bỏ giỏ, chở về rồi để bên lề đường”. Tôi lập tức báo cáo về kế hoạch vừa xây dựng.
Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ đạo thêm “phải lo bằng trái tim, cử chỉ của người con thành phố lo cho gia đình” và dặn dò rất kỹ từng chi tiết, từ xử lý thi hài đến tro cốt, cách dùng câu chữ, đặt bàn thờ, tổ chức thế nào… Ngay tối đó, chúng tôi tổ chức các phòng để lưu giữ tro cốt, làm các nghi thức cần thiết.
Nghiên cứu từng khu vực, chúng tôi nhận thấy Nhà tang lễ TP.HCM (phường An Lạc, quận Bình Tân) rộng rãi, đúng nghi lễ và rất trọng thị. Đây là nơi thường tổ chức nghi lễ cấp Nhà nước, cấp thành phố. Quân đội quyết định chọn nơi đây, thiết lập khu vực lưu giữ tro cốt, cúng theo phong tục truyền thống.
Chuyến xe lặng lẽ đưa tro cốt bệnh nhân tử vong do Covid-19 về nhà
Tro cốt của bệnh nhân tử vong do Covid-19 được Bộ Tư lệnh TP.HCM tập hợp tại Nhà tang lễ TP. Ban chỉ huy quân sự các quận, huyện tiếp nhận và đưa trực tiếp đến người nhà.
Bình thường hàng ngày, thống kê trung bình TP.HCM có 150-200 người chết do các bệnh khác. Khi dịch bùng phát, số người mất tăng thêm 200-300 dẫn đến công suất các lò thiêu quá tải.
Lúc này, thành phố vào cuộc và bố trí Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Nhà tang lễ TP.HCM, Bệnh viện dã chiến số 14 và nghĩa trang chính sách thành phố là những khu vực lưu giữ thi hài người mất vì Covid-19, từng bước đưa đi hỏa táng. Bình Hưng Hòa được phân công tập trung hỏa táng ca tử vong do Covid-19; ba nơi còn lại xử lý người mất do các bệnh khác.
Từ khi Bộ Tư lệnh thành phố vào cuộc, trong giai đoạn ngày 10 đến 24/8, các trung tâm hỏa táng quá tải, có thời điểm phải lưu giữ trên 3.000 thi hài. Với quyết tâm của lực lượng vũ trang thành phố và sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, quân đội sản xuất gấp 10 lò hỏa táng để tăng cường cho thành phố; đồng thời, liên hệ tỉnh Đồng Nai hỗ trợ thêm 4 lò.
Tuong Nam: Vinh danh nguoi dan trong cuoc chien chong dich o TP.HCM-Hinh-2
Các chiến sĩ cẩn thận sắp xếp tro cốt của người mất vì Covid-19 để trao cho gia đình. Ảnh chụp tháng 8/2021: Chí Hùng. 
Từ đầu tháng 9 đến ngày 24/9, Bộ Tư lệnh thành phố từng bước ổn định tình hình, đưa đi hỏa táng và giao tro cốt cho gia đình. Trước đây, nhiều bệnh viện có vài chục ca tử vong nhưng không chuyển đi đâu được, lực lượng vũ trang vào cuộc kịp thời đã giải quyết.
Đây là việc rất khó, lực lượng vũ trang chưa từng làm. Sau khi được Quân Y viện 175 của Bộ Quốc phòng tập huấn, bộ đội vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, như lo cho người thân của mình, từng cử chỉ đều rất chu toàn, từ khâu khâm liệm đầu tiên tới lúc đưa tro cốt về tận tay gia đình.
Tới giờ, 50/63 tỉnh, thành có người dân mất trên địa bàn thành phố. Bộ Tư lệnh đã phối hợp cùng các quân khu để tổ chức các đoàn đưa tro cốt những người dân về với quê hương đất mẹ.
- Một trong những quyết định cho thấy tính khốc liệt của cuộc chiến là thành phố buộc phải chấp nhận sử dụng container làm nơi lưu giữ thi hài bệnh nhân tử vong vì Covid-19 trong lúc chờ hỏa táng. Ông có thể chia sẻ thêm về quyết định này?
- Việc này, Bộ Tư lệnh thành phố đã nghiên cứu và dự tính trước. Lực lượng vũ trang chủ động xây dựng kế hoạch từ năm 2020, nhưng kế hoạch đó chỉ xuất hiện suy nghĩ của người lính thôi.
Đến tháng 7, dịch có chiều hướng phức tạp, Bộ Tư lệnh TP phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP xây dựng kịch bản, dù vậy, anh em chưa hình dung ra. Container lạnh lấy ở đâu? Đặt ở đâu? Lực lượng nào có chuyên môn để bảo quản, xử lý? Anh em nghiên cứu nhưng mà chưa ra. Đến khi dịch bùng phát, tình thế cấp bách, chúng tôi quyết định báo cáo cấp trên và tổ chức lực lượng thực hiện.
Khi quyết định thành lập đội xử lý tử thi thì hai đơn vị tinh nhuệ của thành phố được cử ra là Đại đội Trinh sát đặc nhiệm và Đại đội Công binh. Đây là lực lượng có sức, có năng lực trình độ. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh TP giao đồng chí Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng xuống động viên các đồng chí này tham gia với tinh thần xung phong.
Khi ấy, Tham mưu trưởng xuống làm việc chưa đầy 10 phút thì điện lên báo cáo tôi rằng “bộ đội xung phong 100%”. Là người chỉ huy, tôi rất xúc động.
Chúng tôi lập tức tập huấn đội này và phân công về các bệnh viện. Khi đó, số ca tử vong ở bệnh viện rất nhiều. Y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 trong cảnh người qua đời nằm lẫn lộn với người bệnh. Cả y bác sĩ và bệnh nhân đều hoang mang.
Khi bộ đội vào, lúc đầu cũng bối rối, nhưng sau đó, anh em mạnh dạn xử lý, coi như người thân của mình, làm bằng cả tấm lòng nên tình thế đó được giải quyết.
Khi số ca tử vong tăng cao, xuất hiện tình huống nhà đòn ép giá, không chấp nhận mức 17 triệu đồng mà Nhà nước đưa ra. Từ đó, bộ đội vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, làm không so đo, tính toán tiền bạc, thiệt hơn. Áo quan được người dân hỗ trợ không tốn tiền; túi tử thi được Bộ Quốc phòng hỗ trợ; một số lò hỏa táng do Bộ Quốc phòng hỗ trợ cũng chỉ tính tiền điện, tiền nước, tiền gas.
Nhờ đó, tính toán tất cả chi phí, bộ đội tham gia xử lý với chi phí thực tế chỉ bằng 1/3 bình thường, góp phần làm lợi cho ngân sách Nhà nước.
Đến nay, tình hình đã ổn, tất cả lò hỏa táng, container giữ lạnh sẽ từng bước bàn giao cho công ty môi trường để bảo quản, xử lý. Việc nào của xã hội để xã hội làm; khi đất nước, thành phố lâm nguy thì bộ đội sẵn sàng giúp dân, giúp nước, bảo vệ an ninh chính trị, sự ổn định của thành phố.
"Rơi nước mắt khi nghĩ tới tình cảnh của người dân"
- Là người chỉ huy, ông làm thế nào để giữ tinh thần cho các chiến sĩ trong suốt 5 tháng khi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chưa có tiền lệ?
- Suốt từ đầu chiến dịch, người lính các cấp đều tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ huy của cấp trên, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chưa có chiến sĩ nào xin nghỉ phép. Nhiều người có thân nhân qua đời, thậm chí nơi làm nhiệm vụ chỉ cách nhà vài chục km nhưng vẫn ở lại chiến đấu tiếp vì sợ về nhà sẽ ảnh hưởng đến gia đình, địa phương. Khi đó, đồng đội chia sẻ bằng cách lập bàn thờ, mâm cơm và thắp hương vọng người thân, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Trong 36.200 chiến sĩ tham gia chống dịch, có 1.400 người bị lây nhiễm. Đến nay, còn khoảng 20 người đang điều trị, duy nhất một chiến sĩ không may hy sinh, còn lại đều đã khỏi bệnh. Nhiều người dù nhiễm bệnh vẫn xung phong làm nhiệm vụ ngay trong bệnh viện, giúp đỡ những F0 khác.
Tuong Nam: Vinh danh nguoi dan trong cuoc chien chong dich o TP.HCM-Hinh-3
Hình ảnh bộ đội đi chợ giúp dân quen thuộc với người TP.HCM những ngày cuối tháng 8. Ảnh: Phương Lâm. 
Đến giờ này, tất cả lực lượng tăng cường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều buổi chia tay, các bà mẹ, cô chú ở địa phương rất lưu luyến, gửi tặng những món quà đơn sơ như chiếc khăn rằn, quà bánh để tặng bộ đội, rồi bộ đội mang lương khô tặng lại... Cực kỳ xúc động!
Ròng rã hơn 150 ngày, tôi cho rằng chính lòng tin của người lính đã đem lại cho người chỉ huy lòng tin sắt đá. Tin vào sự lãnh đạo của Đảng và tin rằng chiến sĩ đủ năng lực chiến đấu, nếu có tình huống cao hơn cũng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Nhìn lại 5 tháng vừa qua, bài học quan trọng nhất mà quân đội rút ra là gì?
- Đó là bài học về sử dụng lực lượng. Sử dụng lực lượng nào, bao nhiêu người, làm nhiệm vụ gì… đều phải có nghệ thuật. Trong đó, lựa chọn thời điểm là quan trọng nhất.
Nếu phải chọn, tôi cho rằng thời điểm quan trọng nhất cuộc chiến vừa qua là 0h ngày 23/8, đó là giờ G, đòi hỏi tất cả lực lượng phải có mặt đúng thời điểm, thực hiện đúng nhiệm vụ được giao như tuần tra canh gác; mang gói an sinh; xét nghiệm, vận chuyển bệnh nhân, cấp cứu… Nếu chúng ta giao nhiệm vụ không cụ thể, không rõ ràng, không có sự phối hợp chặt chẽ thì rất khó để đạt được thành công.
Ví dụ, bộ đội đi phát gói an sinh thì phải có cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn thể hiệp đồng chặt chẽ, hướng dẫn đường đi ngõ tắt, nhà nào khó khăn để hỗ trợ đúng địa chỉ. 
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh điều quan trọng nhất: Thắng lợi này là thắng lợi của lòng dân, của người dân.
Dù lãnh đạo từ Trung ương đến thành phố có chỉ đạo sáng suốt, bài bản đến đâu; bộ, ngành tăng cường tới đâu mà lòng dân không yên, không hỗ trợ, không đồng tình, đồng lòng, thấu hiểu thì không thể có chiến thắng.
Người dân đã chịu đựng được những tình cảnh bức bách mà nghĩ tới rơi nước mắt. Có lần xuống trao gói an sinh cho dân, tôi thấy phòng trọ chỉ 9-12 m2 mà 4 người ở, 3 tháng trời không nhúc nhích. Đó là sự chịu đựng cực kỳ ghê gớm. Ở yên tại chỗ cũng là cả một quá trình chiến đấu cam go.
Nếu vinh danh thì phải vinh danh chính những người dân đã đồng lòng, đồng tâm cùng cấp ủy, chính quyền khống chế đại dịch COVID-19 như hôm nay.
Theo Thu Hằng/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)