LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Ngô Gia Võ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn Miền núi - Đại học Thái Nguyên, nguyên Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học - Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên.
Đây là bài tham luận của ông tại một hội thảo về Đổi mới giáo dục phổ thông do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tháng 9/2017.
Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Chưa có mã ngành đào tạo giáo viên dạy trung học cơ sở tại các đại học sư phạm
Một thực tế đáng buồn và đáng báo động ở nước ta hiện nay là mã ngành đào tạo cử nhân đại học sư phạm dạy trung học cơ sở hệ chính quy chưa hề được mở trong hệ thống các trường đại học sư phạm.
Giáo viên dạy trung học phổ thông (trước đây gọi là giáo viên cấp III) đã được chú ý và tập trung đào tạo ngay từ sau hòa bình lập lại ở Miền Bắc (1954) ở các trường đại học sư phạm đầu tiên như:
|
(Ảnh minh họa, nguồn: haugiang.edu.vn) |
Việc đào tạo giáo viên dạy tiểu học và trung học cơ sở được giao cho các trường Sư phạm địa phương như Trung cấp Sư phạm, Sư phạm 10+2, rồi lên Sư phạm 10+3, Cao đẳng Sư phạm…
Sau 1975, hàng loạt trường đại học sư phạm mới được thành lập ở miền Trung và miền Nam như Đại học sư phạm Huế, Đại học sư phạm Quy Nhơn, Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh… tiếp tục được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên trung học phổ thông.
Như vậy, chỉ có giáo viên trung học phổ thông là được chú ý đào tạo một cách chính quy, bài bản ở các trường đại học sư phạm từ trước đến nay.
Hai bậc giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học có trình độ đại học sư phạm đến những năm 80 của thế kỷ trước đã được ngành giáo dục quan tâm.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I đi tiên phong trong việc mở mã ngành cử nhân Giáo dục Tiểu học năm 1983, hai năm sau, 1985 mở tiếp mã ngành cử nhân ngành Giáo dục Mầm non.
Tất cả đều là hệ chính quy tập trung và đều học 4 năm.
Sau đó, hàng loạt trường đại học sư phạm khác tiếp tục mở các mã ngành này, tạo thành một hệ thống đào tạo giáo viên có trình độ đại học chính quy ở ba cấp: Mầm non, Tiểu học và Trung học phổ thông.
Trong khi đó, mã ngành đào tạo giáo viên trung học cơ sở có trình độ Đại học vẫn chưa được mở.
Trước đây, cuối những năm 1970, đầu những 1980, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I và một số trường đại học sư phạm khác cũng từng mở các khóa đào tạo giáo viên trung học cơ sở có trình độ Đại học tập trung nhưng thuộc hệ chuyên tu 2 năm, dành cho đối tượng đang là giáo viên cấp II có trình độ 10+3 đi học.
Tuy nhiên, hệ chuyên tu trung học cơ sở 2 năm này cũng nhanh chóng bị dừng lại.
Năm 2005, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên bắt đầu mở mã ngành đào tạo giáo viên trung học cơ sở có trình độ đại học hệ chính quy 4 năm (còn gọi là đại học hai môn).
Nhưng không hiểu vì sao, đến năm 2011, hệ đào tạo này đã dừng tuyển sinh và đến năm 2014, Khoa Giáo dục trung học cơ sở của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên chính thức giải thể.
Đây là một điều cực kỳ khó hiểu bởi vì 3 cấp học: Mầm non, Tiểu học, Trung học phổ thông đều có giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm hệ chính quy được đào tạo bài bản, có chất lượng tốt đảm nhận mà giáo viên trung học cơ sở thì không.
Rõ ràng, hệ đào tạo này chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đúng mức, để lại một khoảng trống đáng ngạc nhiên trong hệ thống đào tạo giáo viên ở các trường đại học sư phạm Việt Nam.
Giáo viên trung học cơ sở trước nay được đào tạo ở đâu?
Điều đó dẫn đến một thực trạng là độ ngũ giáo viên trung học cơ sở hiện nay hầu hết đều được đào tạo từ các trường 10+3 và Cao đẳng Sư phạm.
Vì thế, để chuẩn hoá đội ngũ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các trường đại học sư phạm đào tạo hệ tại chức (nay gọi là hệ vừa làm vừa học).
Đa phần giáo viên trung học cơ sở có bằng Đại học đều tốt nghiệp từ hệ đào tạo này.
Tình hình đào tạo Đại học Tại chức cho giáo viên Trung học cơ sở, Tiểu học và Mầm non đã diễn ta vô cùng sôi động từ khoảng những năm 90 của thế kỷ trước đến tận bây giờ, có lúc còn lấn át cả đào tạo chính quy, trở thành “Cái nồi cơm” của các trường đại học sư phạm như nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã nói.
Tất nhiên, cũng có một số ít giáo viên trung học cơ sở có bằng tốt nghiệp Đại học chính quy, số này chủ yếu từ nguồn giáo viên Trung học phổ thông chuyển xuống dạy Trung học cơ sở.
Đây là những nguyên nhân khiến chất lượng và năng lực giáo dục của đội ngũ giáo viên trung học cơ sở yếu kém hơn hẳn đội ngũ giáo viên trung học phổ thông.
Chất lượng đào tạo giáo viên ở các trường Cao đẳng Sư phạm hiện nay đã xuống cấp trầm trọng.
Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ quá ít (chỉ có 115 người trong tổng số 3388 giảng viên, chiếm tỷ lệ 3,4%) (1), thiếu những chuyên gia giáo dục có trình độ và kinh nghiệm nghiên cứu chuyên sâu về trung học cơ sở.
Hệ thống các chương trình đào tạo, đề cương bài giảng, đề cương môn học ở các trường Cao đẳng Sư phạm đều rất cũ, chủ yếu xây dựng theo các chương trình truyền thống dựa vào chương trình đào tạo của các trường Đại học Sư phạm, ít cải cách và đổi mới.
Chất lượng đào tạo tại chức (hệ vừa làm vừa học) hiện nay nhìn chung rất thấp, xảy ra rất nhiều vấn đề nhức nhối mà dư luận và báo chí đã nói đến quá nhiều.
Hầu như đã được đi học tại chức là đều tốt nghiệp. Thời lượng đào tạo tại chức cũng chỉ giúp cho học viên “cưỡi ngựa xem hoa” không đảm bảo đầy đủ yêu cầu chất lượng của các học phần.
Chương trình đào tạo tại chức của các trường đại học sư phạm cơ bản dựa trên chương trình chính quy - tức là chương trình dành cho đào tạo giáo viên trung học phổ thông, không phù hợp với trung học cơ sở.
Điều đó dẫn tới rất nhiều chuyện tiêu cực như chuyện xin điểm, mua bằng; chuyện học hộ, thi hộ; chuyện học trái ngành, không học vẫn có bằng… diễn ra thường xuyên mà báo chí đã nhiều lần đề cập đến.
Một số ít giáo viên trung học phổ thông được điều chuyển hoặc xin được dạy ở trung học cơ sở cũng còn nhiều hạn chế, bất cập.
Trong thời gian học ở đại học sư phạm, họ chỉ được học chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông với hệ thống các học phần gắn liền với sách giáo khoa trung học phổ thông.
Đi kiến tập, thực tập, họ cũng đến các trường trung học phổ thông.
Vì thế, khi dạy trung học cơ sở, họ vừa thiếu hụt những tri thức cơ bản của cấp học này, vừa bỡ ngỡ trong công việc, cần có nhiều thời gian làm quen, thay đổi để thích nghi với môi trường làm việc chưa hề được đào tạo ở đại học.
Như vậy, vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên trung học cơ sở hiện nay (kể cả người đã có bằng đại học sư phạm hệ chính quy) vẫn còn nhiều ngổn ngang, bất cập, cần phải giải quyết triệt để, đến tận gốc rễ của vấn đề.
Giáo dục trung học cơ sở có nhiều đặc thù
Trong khi đó, đối tượng học sinh trung học cơ sở (từ lớp 6 đến hết lớp 9) có độ tuổi từ 11 đến 15 tuổi.
Đây là độ tuổi đặc biệt, chuẩn bị và bắt đầu bước vào thời kỳ dậy thì; từ thể chất đến tâm lý, tính cách có nhiều biến đổi quan trọng.
Ở độ tuổi này, nếu không được quan tâm giáo dục cẩn thận, rất dễ nảy sinh những hệ luỵ khó lường.
Hiện nay, vấn đề tâm sinh lý con người, đặc biệt những vấn đề giới tính như tình yêu, tình dục có xu hướng phát triển sớm hơn trước.
Rồi những vấn đề như bạo lực học đường, quan hệ nhiều xung đột hơn giữa học sinh và giáo viên… cũng đang diễn biến khá phức tạp.
Báo chí đã nói đến nhiều vụ án học đường do lứa tuổi này gây ra; hoặc những trường hợp các bé gái 12, 13 tuổi đã mang thai và sinh con không còn là chuyện hiếm.
Vì vậy, người giáo viên trung học cơ sở cần phải được đào tạo toàn diện và bài bản; phải có đầy đủ kiến thức, phẩm chất và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục của mình.
Cấp thiết phải đào tạo giáo viên trung học cơ sở tại Đại học Sư phạm
Hiện nay, công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà” đang đi vào giai đoạn nước rút.
Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2018, sách giáo khoa mới sẽ bắt đầu được triển khai và thực hiện.
Chương trình sách giáo khoa phổ thông tổng thể đã được công bố cho thấy ở trung học cơ sở có nhiều môn học mới, nhiều thay đổi lớn về phương pháp và mục tiêu giáo dục.
Với tính chất tích hợp ở cấp học dưới và phân hoá ở cấp học trên theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, người giáo viên trung học cơ sở cần phải được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng hơn nữa mới đáp ứng được mục tiêu giáo dục mới.
Bởi thế, tiếp tục để cho các trường Cao đẳng Sư phạm đào tạo giáo viên trung học cơ sở là điều không thể chấp nhận được.
Sau ba năm học Cao đẳng Sư phạm, người giáo viên trung học cơ sở chưa thể đảm bảo được năng lực giáo dục theo yêu cầu đổi mới, lại phải đi học tại chức.
Cứ thế, cái vòng luẩn quẩn ấy không bao giờ giải quyết dứt điểm được.
Mặt khác, giáo dục Việt Nam trong thời đại hội nhập và mở cửa hiện nay cũng phải đảm bảo theo mặt bằng chung của khu vực và trên thế giới, cần phải có một quyết định dứt khoát và rõ ràng rằng:
Muốn trở thành người giáo viên phổ thông bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hệ chính quy.
Ở một số nước phát triển, ví dụ như Cộng hoà Liên bang Đức, nuốn làm thầy cô giáo còn phải có bằng tương đương thạc sĩ trở lên.
Họ được đào tạo nghiêm túc và kỹ lưỡng, có một thời gian dài tập sự, trợ giảng hoặc học nghề ở các trường phổ thông mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Một số kiến nghị và giải pháp
Trên cơ sở những vấn đề trên, chúng tôi xin kiến nghị và đưa ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần phải đổi mới hệ thống quản lý giáo dục phổ thông từ Bộ đến Sở đến Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Từ xưa đến nay, cấp quản lý giáo dục không có cơ quan chuyên biệt quản lý giáo dục trung học cơ sở.
Ở Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có Vụ Giáo dục Trung học; ở Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ có Phòng giáo dục Trung học, ghép cả trung học cơ sở và trung học phổ thông vào trong một đầu mối quản lý; trong khi đó lại có đầy đủ Vụ và Phòng Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học.
Đây là điều hết sức vô lý, khiến cho giáo dục Trung học cơ sở gần như phải “ăn theo” giáo dục Trung học phổ thông, chứng tỏ các cơ quan quản lý chưa thực sự quan tâm tới cấp học này.
Chính vì vậy, dường như còn thiếu vắng những trung tâm, cơ sở nghiên cứu chuyên sâu về Giáo dục Trung học cơ sở.
Đây là cấp học có chương trình sách giáo khoa riêng, có phương pháp và cách thức giáo dục riêng, rất cần đầu tư nghiên cứu để tạo thành một hệ thống quản lý và điều hành hiệu quả hoạt động giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước.
Thứ hai, trong năm 2018, cần phải cắt dừng ngay chỉ tiêu đào tạo giáo viên ở các trường cao đẳng sư phạm.
Cần có kế hoạch chuyển đổi hệ thống các trường này thành các cơ sở bồi dưỡng và đào tạo lại giáo viên theo định hướng đổi mới giáo dục.
Các trường Đại học sư phạm truyền thống có nhiệm vụ phụ trách và giúp đỡ các trường Cao đẳng sư phạm trong công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn đầu ra mới.
Hiện nay, số lượng giáo viên dư thừa, sinh viên trường Sư phạm tốt nghiệp không có việc làm đã đến mức báo động.
Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017, số giáo viên công lập đã thừa 26.750 người (2).
Trong khi đó, chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm cả nước năm 2014 là 84.000, 2015 là 61.000, năm 2016 là 68.000, năm 2017 là 54.000 (3).
Tính đến năm 2017, sinh viên Cao đẳng Sư phạm vào trường năm 2014 sẽ tốt nghiệp;
Đến 2018, sinh viên đại học sư phạm vào trường năm 2014 và sinh viên Cao đẳng sư phạm vào trường năm 2015 sẽ tốt nghiệp;
Đến 2019, sinh viên đại học sư phạm vào trường năm 2015 và sinh viên Cao đẳng sư phạm vào trường năm 2016 sẽ tốt nghiệp;
Đến năm 2020, sinh viên đại học sư phạm vào trường năm 2016 và sinh viên Cao đẳng sư phạm vào trường năm 2017 sẽ tốt nghiệp.
Với số lượng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm lớn như vậy, thì trong một hai năm tới số lượng giáo viên dư thừa và sinh viên tốt nghiệp không có việc làm sẽ còn tăng gấp bội.
Nếu năm 2018, chúng ta vẫn để cho các trường Cao đẳng sư phạm tiếp tục tuyển sinh thì sự lãng phí tiền bạc và nguồn nhân lực sẽ trở thành thảm hoạ.
Thứ ba, cần phải mở ngay mã ngành đào tạo giáo viên trung học cơ sở ở các trường đại học sư phạm.
Đây là một điều đặc biệt quan trọng mà ngành giáo dục nước ta đã “bỏ quên” từ trước đến nay.
Để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông đáp ứng được nội dung chương trình sách giáo khoa mới sắp ban hành, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đồng bộ hệ thống giáo viên ở cả ba cấp: Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông.
Vì vậy đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường đại học sư phạm phải xây dựng ngay các Khoa Giáo dục trung học cơ sở, xây dựng và hoàn thiện khung chương trình, chuẩn đầu ra, hệ thống các học phần và kế hoạch đào tạo giáo viên trung học cơ sở có trình độ đại học theo định hướng đổi mới giáo dục, bám sát chương trình sách giáo khoa mới.
Không mở ngay mã ngành cử nhân đại học sư phạm hệ chính quy dạy trung học cơ sở sẽ để cho những hệ luỵ đã nêu trên tiếp tục kéo dài, không kịp chuẩn bị một lớp giáo viên trung học cơ sở mới đủ trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đổi mới giáo dục.
Các trường đại học sư phạm cũng cần phải dành một phần kinh phí đáng kể cho các nhóm chuyên gia giáo dục, các nhà nghiên cứu, các giảng viên có năng lực và tâm huyết nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu về giáo dục trung học cơ sở.
Lời kết
Ngành giáo dục nước ta đã “bỏ rơi” cấp trung học cơ sở từ quá lâu rồi!
Chúng tôi mong muốn Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực cùng Uỷ ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng đưa ra những quyết sách phù hợp để giải quyết thực trạng này thì việc “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà” mới đạt được kết quả mong muốn.