Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế tỉnh Lai Châu dùng bằng cấp 3 giả để tiến thân thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Với tấm bằng THPT giả, ông Thái Đình Hoài được tuyển dụng vào Công an tỉnh Lai Châu và thăng tiến nhanh chóng trên con đường sự nghiệp: Được bổ nhiệm Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế.

Liên quan đến vụ thượng tá Thái Đình Hoài (43 tuổi, ở huyện Yên Thành, Nghệ An - Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Phòng PC03, Công an tỉnh Lai Châu) bị tố dùng bằng tốt nghiệp THPT giả, ngày 9/11, Công an tỉnh Lai Châu đã có kết quả xác minh.
Theo đó, bằng tốt nghiệp THPT của thượng tá Hoài là giả. Lãnh đạo Công an tỉnh Lai Châu khẳng định, ông Hoài mua bằng xong về tẩy xóa rồi điền tên của mình vào. Công an tỉnh Lai Châu đã tạm đình chỉ công tác đối với Trưởng phòng PC03.
Quá trình thăng tiến của ông Hoài cho đến nay, năm 1996, ông Thái Đình Hoài, được tuyển vào ngành Công an thông qua việc đi nghĩa vụ quân sự, công tác tại Phòng Phòng cháy, Chữa cháy - Công an tỉnh Lai Châu (cũ).
Năm 2004 khi chia tách 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên, ông Hoài được điều động lên công tác tại Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra (PC01) Công an tỉnh Lai Châu.
Truong phong Canh sat Kinh te tinh Lai Chau dung bang cap 3 gia de tien than the nao?
Trường THCS Thịnh Thành nơi ông Thái Đình Hoài từng học.
Năm 2004 - 2009, ông Hoài đi học lớp Đại học Cảnh sát, hệ tại chức. Năm 2008, ông Hoài được điều động sang công tác tại Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) - Công an tỉnh Lai Châu. Tại đây, ông Hoài được bổ nhiệm các chức danh: Đội phó, đội trưởng, được quy hoạch Phó trưởng phòng; sau đó được bổ nhiệm Phó trưởng Phòng PC03.
Năm 2012, Hoài được tổ chức cử đi học lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ tại chức. Năm 2015, sau khi học xong Cao cấp lý luận chính trị, ông Hoài được bổ nhiệm Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Phòng PC03) cho đến nay.
Theo đó, dư luận cũng đặt ra câu hỏi, vậy ông Thái Đình Hoài dùng bằng cấp 3 giả để thăng tiến sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, những cán bộ, lãnh đạo trong lực lượng vũ trang, đặc biệt là Công an nhân dân có vị trí, vai trò quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, quyết định đến số phận pháp lý của cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Bởi vậy, việc sử dụng bằng cấp giả trong bất cứ lĩnh vực nào cũng sẽ làm ảnh hưởng đến nhà nước và xã hội, việc sử dụng bằng cấp giả trong lực lượng Công an nhân dân thì còn có thể gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.
Truong phong Canh sat Kinh te tinh Lai Chau dung bang cap 3 gia de tien than the nao?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Theo quy định của pháp luật thì hành vi sử dụng bằng cấp không đúng quy định, giấy tờ giả để được tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng chức thì trước tiên cần phải kỷ luật theo quy định của luật cán bộ, công chức hoặc luật viên chức tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể.
Trong vụ việc này, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế là công chức nên việc kỷ luật sẽ theo quy định của luật công chức và nghị định hướng dẫn thi hành. Cụ thể, Theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức 2008 và Nghị định 34/2011/NĐ-CP thì công chức có hành vi sử dụng bằng cấp giả, chứng chỉ giả có thể bị xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức kỷ luật tương ứng sau đây:
Kỷ luật cảnh cáo đối với công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi nâng ngạch công chức;
Kỷ luật cách chức đối với công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;
Kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
Như vậy, trong trường hợp kết luận của cơ quan chức năng xác định ông Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế nêu trên đã sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị thì sẽ phải căn cứ vào quy định Pháp luật nêu trên để kỷ luật buộc thôi việc, tước danh hiệu công an nhân dân đối với vị cán bộ này. Đồng thời với đó là kỷ luật đảng theo hình thức xóa tên.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc, công tác nếu người này còn sử dụng bằng cấp giả để được học tập, bổ nhiệm mà còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý hình sự về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Pháp luật cũng quy định trường hợp công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp nhưng chưa đủ dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Theo đó, Tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 5 Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP có quy định:
"Điều 16. Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ
...
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
5. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này."
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi mua bằng cấp 3 rồi tẩy sửa điền tên mình vào đó để sử dụng rõ ràng là hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức và hành vi sử dụng tài liệu con dấu giả. Tuy nhiên, nếu sự việc đã diễn ra cách đây quá 5 năm thì đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài hành vi vi phạm nêu trên nếu trong quá trình học tập, bổ nhiệm, thăng tiến của vị cán bộ này mà còn có hành vi tương tự, thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội làm giả, sử dụng tài liệu giả theo quy định tại điều 341 Bộ luật hình sự và còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cán bộ này.
>>> Xem thêm video: Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế "tiến thân" từ bằng giả

Nguồn: VTC NOW.

Trung Vương

>> xem thêm

Bình luận(0)