Thông tin mới nhất liên quan các văn bằng của ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang), mới đây, trao đổi với báo chí, đại diện Trường Đại học Hà Nội cho biết, ông Vương Tấn Việt đã học chương trình đại học ngành ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), hệ đào tạo từ xa (thời gian học từ năm 1994 đến năm 2001). Tuy nhiên, hiện, hiện nhà trường không còn lưu hồ sơ tuyển sinh của ông Vương Tấn Việt (trong đó có bằng cấp 3) vì theo quy định, thời hạn lưu giữ hồ sơ tuyển sinh là đến khi kết thúc khóa học.
|
Ông Vương Tấn Việt (người đứng ở giữa) nhận bằng tiến sĩ năm 2022 |
Theo đại diện Trường Đại học Hà Nội, nhà trường hiện chỉ lưu giữ các thông tin của sinh viên theo quy định, gồm kết quả học tập, các quyết định công nhận trúng tuyển và công nhận tốt nghiệp của sinh viên. Thời gian qua, nhà trường đã phối hợp với Vụ Giáo dục đại học rà soát, báo cáo thông tin về hồ sơ học tập của ông Vương Tấn Việt. Nếu xác minh cho thấy, ông Việt không có bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa, nhà trường sẽ xử lý theo quy định.
Ông Vương Tấn Việt có thời gian học đại học ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ (Trường Đại học Hà Nội) từ tháng 8/1994 đến tháng 12/2000, hệ đào tạo từ xa. Ông Việt được cấp bằng tốt nghiệp đại học vào đầu năm 2001.
Trước đó, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đơn vị đã có văn bản báo cáo Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ về xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt.
Theo đó, ngày 30/7, Sở có buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ về việc xác minh quá trình học tập của ông Vương Tấn Việt. Qua buổi làm việc, Sở GD&ĐT TPHCM đã phối hợp với đoàn kiểm tra rà soát toàn bộ hồ sơ gồm danh sách thí sinh tốt nghiệp bổ túc THPT và danh sách ghi tên ghi điểm của tất cả thí sinh dự thi khóa ngày 6/6/1989.
Kết thúc quá trình kiểm tra, Sở GD&ĐT TPHCM xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp THPT của ông Vương Tấn Việt (sinh năm 1959), như sau: Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở GD&ĐT TPHCM. Ông Vương Tấn Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT TPHCM.
Trong thông báo mới đây, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã bước đầu xác minh được việc nghi vấn về giá trị của tấm bằng này là có căn cứ. Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thành lập Hội đồng thẩm định luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt theo đúng quy định.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông cho rằng, trường hợp ông Vương Tấn Việt không có bằng tốt nghiệp cấp ba, đương nhiên, các văn bằng tiến sĩ, thạc sĩ và đại học đã cấp sẽ bị thu hồi.
Theo luật sư Huế, cần xem xét trách nhiệm Trường Đại học Hà Nội bởi đây là cơ sở đầu tiên tiếp nhận, họ có thẩm tra, xác minh bằng tốt nghiệp cấp ba của ông Vương Văn Việt hay không? Đối với Trường Đại học Luật Hà Nội cần xem xét quy trình đào tạo người học và người dạy có khuất tất hay không. Bộ GD&ĐT cần thanh tra toàn diện quá trình dạy và học tại các cơ sở đào tạo đã cấp bằng cho ông Vương Văn Việt.
Còn theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, trường hợp cơ quan chức năng kết luận, bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc của ông Vương Tấn Việt là giả, trường Đại học Hà Nội và trường Đại học Luật Hà Nội có trách nhiệm thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp đại học và bằng tiến sĩ của ông này. Theo quy định của pháp luật, khi đăng ký học đại học, thí sinh phải nộp bản chính bằng tốt nghiệp phổ thông trung học. Tuy nhiên, chỉ bằng mắt thường rất khó xác định bằng tốt nghiệp đó là thật hay giả, kèm theo bằng tốt nghiệp còn có học bạ có chữ ký con dấu của cơ sở giáo dục. Vì vậy, nếu hồ sơ nhập học đã đầy đủ, nhìn bằng mắt thường không thể phát hiện ra là giấy tờ giả, các Trường Đại học Hà Nội và Đại học Luật Hà Nội được xác định không vi phạm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bộ GD&ĐT vào cuộc vụ ông Thích Chân Quang không có bằng cấp 3 bổ túc văn hóa: