Đào tạo đại học gắn với nhu cầu việc làm luôn là bài toán được quan tâm, bởi đây sẽ là nơi cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho thị trường. Tuy nhiên, ngoài trang bị kỹ năng nghề nghiệp, đại học có nhiều chức năng khác, đặc thù nếu chỉ hiểu các cơ sở đại học là dạy nghề chưa phản ánh hết nhiệm vụ của bậc đại học.
Sinh viên cần sự thích ứng với thay đổi của thị trường
Là người nhiều năm tham gia vào hoạt động giáo dục đại học, bà Đàm Bích Thuỷ - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập của Tập giáo dục EQuest đánh giá: “Nói về đào tạo lại nhiều người hay hiểu doanh nghiệp phải đào tạo lại từ đầu, trang bị lại những kiến thức cho người lao động. Nhưng, bất kỳ công ty nào cũng phải có một khoảng thời gian hướng dẫn, cho nhân viên mới làm quen với văn hoá, cách làm việc của công ty đó. Nếu muốn không bỏ ra 1 xu nào để đào tạo thì chắc chắn là không có”.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại chuyên gia cũng nhận thấy có một thời gian dài cách dạy khiến doanh nghiệp phải “đào tạo lại” đến 60-70%, nhiều sinh viên không biết soạn văn bản, các kỹ năng cần thiết,.. Đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật có những sinh viên đào tạo trong trường những kiến thức chưa được cập nhật so với khi ra làm thì phải đào tạo lại.
Theo chuyên gia, đối với mô hình giáo dục khai phóng sẽ không dạy sinh viên làm một công việc cụ thể. Thay vào đó, sau khi tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động, các em có thể bắt tay vào công việc nhanh chóng ngay sau khi trải qua chương trình đào tạo ngắn hạn của doanh nghiệp.
“Tôi vẫn ủng hộ phương pháp đào tạo giúp sinh viên ra trường cho dù vào bất cứ môi trường nào cũng bắt nhịp hoạt động với ngành đó một cách nhanh nhất và đấy cũng là điều doanh nghiệp cần ở người lao động. Các em có thể thích nghi với sự biến đổi môi trường, quan trọng nhất là khả năng tự học của mỗi học sinh”, chuyên gia bày tỏ.
Bậc đại học trang bị tư duy, không đào tạo nghề cụ thể
Đồng quan điểm, TS.Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng bày tỏ trường đại học không phải nơi đào tạo nghề. Ở bậc đại học sẽ đào tạo các em biết cách tư duy, phản biện tư duy, kiến thức chuyên môn, đổi mới sáng tạo, ngoại ngữ - tất cả các yếu tố trên sẽ tạo một hệ thống tổng thể.
“Đào tạo nghề gắn với công việc cụ thể mang tính tác nghiệp đó không phải là mục tiêu đào tạo của các trường đại học. Cơ sở giáo dục đại học sẽ đạo tạo kiến thức nền tảng để sau khi tốt nghiệp ra trường sinh viên có thể làm việc ở nhiều môi trường, vị trí khác nhau”, ông Trần Mạnh Hà đánh giá.
Ngoài ra, ông Hà cũng cho rằng để sinh viên làm quen với một ví trí, công việc cụ thể tại một doanh nghiệp cụ thể thì việc phải bỏ ra 3 tháng đào tạo sinh viên là chuyện rất bình thường. Bởi mỗi công ty sẽ có đặc thù, quy trình làm việc riêng và cần phải đào tạo để các em làm quen việc.
Ở đây, ông Hà cũng đặt câu hỏi, nếu sinh viên không được đào tạo bài bản ở trong trường đại học thì liệu sau 3 tháng sinh viên có làm được việc không?
“3 tháng đó được gọi là 3 tháng để các em điều chỉnh, thay đổi, thích ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp, phù hợp với vị trí việc làm. Riêng đối với hệ thống các ngân hàng hiện nay đều có trung tâm đào tạo riêng. Coi trường đại học là nơi đào tạo nghề là quan điểm sai cơ bản. Đại học không phải cơ sở đào tạo mang tính nghề nghiệp, tính trung cấp”, ông Hà cho biết.
|
TS.Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng. |
Tại Học viện Ngân hàng, các doanh nghiệp được tham gia trong quá trình thiết kế chương trình đào tạo. Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS.Trần Mạnh Hà thông tin: “Khi thiết kế chương trình đào tạo đảm bảo các nội dung: Kiến thức, kỹ, năng, nghiệp vụ và những năng lực sinh viên cần đạt được khi ra trường đảm bảo mục tiêu và chuẩn đầu ra. Những nội dung phải dựa trên các ý kiến doanh nghiệp, các đơn vị tuyển dụng, chuyên gia, cựu sinh viên, dự liệu dự báo nghề nghiệp trong 4-5 năm tiếp theo”.
Theo ông Hà, có hai điều mà sinh viên cần phải có sau khi tốt nghiệp đó là năng lực tư duy học tập suốt đời và khả năng thích ứng trong môi trường làm việc luôn thay đổi. Đấy cũng là điều mà các trường đại học hướng tới.
“Chỉ khi như vậy người học có đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng, năng lực làm việc, năng lực ngoại ngữ, năng lực số trước bối cảnh biến động như hiện nay”, ông Hà bày tỏ.
Theo Luật Giáo dục đại học, mục tiêu cụ thể đào tạo trình độ cao đẳng, đại học được quy định cụ thể:
Theo đó, đào tạo trình độ cao đẳng để sinh viên có kiến thức chuyên môn cơ bản, kỹ năng thực hành thành thạo, hiểu biết được tác động của các nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội trong thực tiễn và có khả năng giải quyết những vấn đề thông thường thuộc ngành được đào tạo;
Đào tạo trình độ đại học để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo.