Sáng nay, Ban Bí thư TƯ Đảng tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết TƯ 7 khóa 12 của Đảng theo hình thức trực tuyến tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, TP cả nước.
|
Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN |
Giới thiệu Nghị quyết 26 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính cho biết, sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 3 khóa 8 về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên.
Hơn 2,7 triệu cán bộ, công chức, viên chức
Trưởng Ban Tổ chức TƯ lưu ý, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Ông Phạm Minh Chính so sánh, năm 1997 cả nước có hơn 1,3 triệu cán bộ, công chức, viên chức trong khi dân số khoảng 77 triệu người. Năm 2017, có trên 2,7 triệu cán bộ, công chức, viên chức (tăng 100%) trong khi dân số khoảng 92 triệu người (chỉ tăng 20%).
Theo ông, tỷ lệ công chức và người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước trên 1.000 dân (kể cả lực lượng vũ trang, quân đội và công an) là 43, cao hơn nhiều nước.
|
Ảnh: TTXVN |
Độ tuổi bình quân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở một số ban, ngành, địa phương và trong lực lượng vũ trang còn cao. Ông dẫn chứng, tỷ lệ cán bộ cấp chiến lược dưới 45 tuổi chỉ chiếm 7,18%; cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh diện ban thường vụ quản lý dưới 40 tuổi chỉ 1,81%, diện ban chấp hành quản lý 7,85%.
Cán bộ diện TƯ quản lý ở ban, bộ, ngành từ 56 tuổi trở lên chiếm 56,86%; diện ban thường vụ cấp tỉnh quản lý từ 51-55 tuổi chiếm 44,54%, từ 56 tuổi trở lên 23,22%...
Nạn ô dù, bao che diễn ra ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên
Theo Trưởng Ban Tổ chức TƯ, đội ngũ đông như thế nhưng lại thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên một số lĩnh vực, tỉ lệ cán bộ nghiên cứu khoa học trên tổng dân số còn thấp.
Trong khi đó, tình trạng chạy theo bằng cấp, học hàm, học vị còn nhiều; các công trình khoa học, dự án đóng góp và sự phát triển đất nước chưa tướng xứng với học hàm, học vị được phong.
"Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, không ít cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng và bị xử lý theo pháp luật", Trưởng Ban Tổ chức TƯ nêu.
Ông cũng nêu tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thoái hóa, biến chất, không làm tròn bổn phận trước Đảng, nhân dân. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm trước những khó khăn của người dân, cục bộ địa phương...
Bên cạnh đó, không ít cán bộ quản lý DNNN tính đảng yếu, suy thoái, lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, làm thất thoát vốn, tài sản của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ năm 2007 - 2017, trong các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc đã phát hiện 7.190 vụ vi phạm, trong đó 289 vụ phải xử lý hình sự, 1.715 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật Đảng, 181 người phải xử lý bằng pháp luật.
Trưởng Ban Tổ chức TƯ cũng chỉ rõ, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy tội còn xảy ra khá phổ biến ở các cấp, các ngành nhưng chậm được ngăn chặn và đẩy lùi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
"Nạn ô dù, bao che, sự phân hóa giàu - nghèo diễn ra ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ở không ít nơi, lợi ích cá nhân lấn át lợi ích tập thể, lợi ích cục bộ lấn át lợi ích toàn cục; tham nhũng, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu vén cá nhân, trục lợi", ông Phạm Minh Chính nêu thực tế.