6 năm đằng đẵng chờ chồng
Thành và Hiền là đôi bạn thân từ nhỏ, hai nhà là hàng xóm thân thiết của nhau cùng sống trong xóm nghèo ở vùng quê Thanh Hóa. Cả hai cùng nhau lớn lên, sau này yêu nhau và kết hôn dưới sự chúc phúc của nhiều người. Thế nhưng, cuộc sống khó khăn ngày càng tăng lên khi Hiền sinh đứa con gái đầu lòng. Mong muốn có cuộc sống đủ đầy hơn thoát khỏi cái nghèo, Thành đã chia tay vợ con vào Quảng Nam theo nhóm thợ đào vàng.
Thời gian đầu, Thành vẫn thường xuyên gọi điện, liên lạc với vợ và hàng tháng gửi tiền về phụ giúp gia đình. Nhờ có thu nhập của Thành mà cuộc sống ở nhà đỡ khó khăn hơn, con gái đầu lòng cũng dần lớn trong vòng tay yêu thương của mẹ.
Bẵng đi một thời gian, những cuộc gọi thưa dần và chuyển thành bặt vô âm tín. Không ai có thể liên lạc được với Thành. Cứ như thế, 6 năm trôi qua, không một cuộc gọi, mọi người nhao nhác đi tìm. Mặc dù khó khăn nhưng cả nhà vẫn cố gắng đi tìm, thông báo tìm kiếm trên ti vi, báo đài nhưng đều bất lực. 6 năm sau, chị Hiền có đơn yêu cầu tòa án tuyên bố chồng đã chết và được chấp thuận.
Nguôi ngoai nỗi đau chờ chồng, chị kết hôn với người đàn ông khác cùng làng tên Hiển và được sự đồng thuận của mẹ chồng. Bản thân Hiển cũng chuyển hẳn về nhà bà để sinh sống, từ lúc về đây, Hiển cũng luôn coi bà như mẹ ruột, chăm sóc phụng dưỡng hết lòng.
Tưởng rằng hạnh phúc đã êm ấm nhưng chỉ vỏn vẹn sau 5 tháng kết hôn, người chồng cũ ngỡ đã chết đột ngột quay trở về khiến ai nấy không khỏi bàng hoàng.
|
Minh họa. |
Luật sư tư vấn
Cùng một lúc hiện tại, Hiền đang là vợ và có con chung với 2 người đàn ông được xem là chồng. Vì thời gian biệt tích quá lâu, người chồng cũ là Thành đã bị tuyên bố đã chết quay trở về, chẳng ai ngờ, hoàn cảnh trớ trêu đã tạo ra một thảm cảnh gia đình với người phụ nữ trẻ. Việc xác định người chồng của hiện tại cũng như các vấn đề pháp lý khác cần phải được làm rõ trong trường hợp này.
Để tìm hiểu chi tiết về mặt pháp lý trong trường hợp này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Huy Tuấn, đoàn luật sư TP HCM.
Luật sư Tuấn cho biết: “Trước hết trong trường hợp này, có các vấn đề cần phải được làm rõ, trước hết là quy trình tuyên bố một người đã chết có tuân theo đúng quy định của pháp luật hay không. Việc này ảnh hưởng trực tiếp tới các quan hệ pháp luật tiếp theo.
Theo quy định tại Điều 78 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì tuyên bố một người là đã chết được quy định như sau:
“1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu toà án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong các trường hợp sau đây:
a) Sau ba năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của toà án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
b) Biệt tích trong chiến tranh sau năm năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau một năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
d) Biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11”.
Khi quyết định của toà án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết. Quan hệ tài sản của người bị toà án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Việc tòa án tuyên bố một cá nhân là đã chết, đây chỉ là tuyên bố về mặt pháp lý, tuy nhiên, cũng còn khá nhiều trường hợp bị tòa án tuyên bố là đã chết nhưng lại trở về sau đó. Trong tìn huống này, phải giải quyết như thế nào về quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng cũ, chồng mới?
Theo quy định của pháp luật, trường hợp người bị tòa tuyên là đã chết mà trở về thì quan hệ hôn nhân của họ có thể được khôi phục nếu người còn lại chưa kết hôn với ai và quan hệ tài sản cũng được khôi phục kể từ thời điểm tòa án tuyên bố hủy bỏ quyết định chồng, vợ đã chết. Tài sản do vợ, chồng có được kể từ thời điểm quyết định của tòa án về việc tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực đến khi quyết định hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ đã chết có hiệu lực là tài sản riêng của người đó.
Nếu người kia đã kết hôn thì quan hệ hôn nhân sau được thừa nhận và chấm dứt quan hệ hôn nhân trước đó. Điều đó đồng nghĩa với việc quan hệ hôn nhân giữa người bị tòa tuyên là đã chết nay trở về sẽ không được khôi phục. Và tài sản có được trước khi quyết định của tòa án về việc tuyên bố vợ, chồng là đã chết có hiệu lực mà chưa chia được giải quyết như chia tài sản khi ly hôn.
Như vậy đối với trường hợp của chị Hiền, theo pháp luật quy định thì quan hệ hôn nhân giữa chị và người chồng cũ không được khôi phục. Hiện tại, Hiển mới chính là người chồng hợp pháp của chị Hiền theo pháp luật.
Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn VTC):