Tin tưởng "con nuôi"... mất nhà!
Suốt nhiều tháng qua, ông Lê Công Đát (SN 1949, trú tại phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) gửi đơn đi khắp nơi để kêu cứu về việc bị một nhóm người chiếm giữ ngôi nhà mà ông và vợ đang sinh sống.
Video: Ông lão 72 tuổi kêu cứu vì bị nhóm người chiếm giữ nhà
Theo đơn phản ánh, ông Đát trình bày: Từ trước năm 1990, ông sống cùng với chị gái là bà Lê Thị Tần trên thửa đất tại hồ Đầm Khê (phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội). Thửa đất này do nhà nước cấp cho bà Tần. Vì bà Tần là thương binh và sống 1 mình nên ông Đát về ở cùng chị để tiện chăm sóc.
Phía sau mảnh đất của gia đình là khu đất hoang, người dân đổ rác thải quay ra mặt hồ Đầm Khê. Trong quá trình sinh sống, ông Đát đã khai hoang khu đất để trồng rau, chăn nuôi… ông sử dụng mảnh đất này (khoảng 200m2) ổn định, không tranh chấp trong thời gian dài.
Đến năm 2009, ông quen anh N.V.Th (SN 1977, khi đó Th. công tác tại công an quận Hà Đông (hiện đã chuyển công tác). Do Th. thường xuyên qua lại với gia đình nên ông Đát quý Th. Ngược lại, Th. cũng gọi ông Đát là bố, ông coi Th. như con cái trong nhà.
Khi biết ông Đát có nhu cầu làm sổ đỏ (giấy CNQSDĐ) cho phần đất mà ông đã khai hoang, Th. đặt vấn đề có thể lo được việc xin sổ đỏ cho ông Đát. Đổi lại, nếu Th. làm được sổ đỏ thì ông Đát sẽ chia cho Th. một mảnh.
“Năm 2010, do nhu cầu cần cần nhà ở nên tôi xây dựng căn nhà cấp 4 trên mảnh đất khai hoang. Vì thương hoàn cảnh anh Th. không có nơi sinh hoạt nên tôi xây bức tường ngăn đôi ngôi nhà, có để 1 lối đi thông nhau trong nhà nhưng làm 2 cửa đi lại cho tiện. Nhìn từ ngoài vào thì nhà tôi thành 2 nhà cấp 4, nhưng thực chất là 1 nhà chia đôi, 1 bên gia đình tôi ở, còn bên kia cho con nuôi là anh Th. ở nhờ" – ông Đát nói.
|
Ghi nhận của PV tại hiện trường vào đầu tháng 6/2021, căn nhà vẫn trong tình trạng bị khóa kín cửa. |
Ông kể tiếp: "Thấy nhiều năm trôi qua nhưng việc anh Th. hứa làm sổ đỏ cho gia đình vẫn chưa hoàn thành, tôi có nhiều lần hỏi thì anh biện rất nhiều lý do. Thậm chí, anh Th. còn nói phải chạy tiền chỗ này chỗ khác, đưa cho người này người kia để làm sổ đỏ. Tin lời Th, vợ tôi là Đặng Thị Dung đi vay tiền (02 lần) để đưa cho Th. Việc này vợ tôi có lập giấy vay nợ và Th. có ký nhận, 1 lần là 350 triệu và lần 2 là hơn 85 triệu.”
|
Giấy vay nợ mà bà Dung cho Th. mượn tiền. |
Đến năm 2019, anh Th. vẫn chưa làm được sổ đỏ cho gia đình ông Đát như lời hứa nên ông có lập văn bản với nội dung: “Nếu anh Th. không làm được sổ đỏ như cam kết tôi sẽ thu hồi lại nhà và đất”. Văn bản thỏa thuận này Th. cũng ký nhận.
|
Ông Lê Công Đát chỉ lối đi thông trong nhà bị các đối tượng lạ mặt tự ý xây chặn bít lại. |
Ông Đát kể: “Từ tháng 2/2020, Th. bỏ đi nơi khác sinh sống, nhiều người đến tận nhà tìm Th. đòi tiền, lúc này Th. vẫn chưa làm được sổ đỏ cho gia đình như cam kết. Vì khi xây nhà, tôi chỉ xây 1 bức tường chia đôi 2 nhà và có 1 lối đi thông nhau. Khi Th. bỏ đi, không ở ngôi nhà bên cạnh nữa gia đình tôi đã thu hồi lại, chuyển sang đó sinh sống vì Th. không thực hiện được cam kết làm sổ đỏ. Việc thu hồi lại nhà và đất, Th. và gia đình tôi đã lập thành văn bản trước đó.”
|
Văn bản thể hiện việc nếu anh Th. không làm được sổ đỏ thì ông Đát sẽ thu hồi lại nhà và đất. |
Tuy nhiên, đến 25/5/2020, có 1 nhóm côn đồ tự ý phá cửa, xông vào nhà trái phép, chiếm đoạt tài sản của ông Đát, ông báo công an và lực lượng chức năng đã đuổi nhóm này đi.
Tháng 12/2020, 1 nhóm côn đồ xăm trổ trong đó có cả thương binh lại tiếp tục đến xông vào nhà. Gia đình tiếp tục báo công an đến giải quyết.
Ngày 5/01/2021, nhóm người tiếp tục đến, dùng vũ lực ép gia đình ông Đát ra khỏi nhà và chiếm giữ ngôi nhà từ đó đến nay.
Bà Dung tâm sự, suốt nhiều tháng qua gia đình luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi những người lạ mặt chiếm giữ ngôi nhà. Gia đình mong mỏi cơ quan chức năng làm rõ sự việc, đảm bảo quyền lợi của gia đình.
"Dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp là phạm tội"
Bày tỏ quan điểm về vụ việc, luật sư Lâm Thị Trâm Anh (Chánh Văn phòng Công ty luật Đại Nam - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Qua thông tin mà ông đát trình bày và những thông tin khác, ngôi nhà đó ông Đát đang quản lý và sử dụng. Nếu có tranh chấp phải được giải quyết theo pháp luật, cụ thể là bản án của tòa án.
Việc liên tiếp nhiều lần có các nhóm đối tượng côn đồ tự ý phá cửa, xông vào nhà trái phép, chiếm đoạt hoặc hủy hoại tài sản của ông Đát, dùng vũ lực ép gia đình ông Đát ra khỏi nhà và chiếm giữ ngôi nhà từ đó đến nay là coi thường pháp luật, có dấu hiệu tội phạm được quy định tại các điều Điều 158 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác; Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" và Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội gây rối trật tự công cộng."
"Việc các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương để tình trạng sự việc xảy ra liên tục và chưa có biện pháp cương quyết, đúng pháp luật để xử lý không những làm những kẻ vi phạm coi thường pháp luật mà làm cho nhân dân hoài nghi về động cơ, năng lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm giảm lòng tin của người dân" - luật sư nói.
Luật sư Trâm Anh khẳng định rằng: "Các tranh chấp dân sự phải được giải quyết bằng các quy định của pháp luật thông qua tòa án. Việc dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp là phạm tội, vì vậy tôi hy vọng rằng, người có trách nhiệm (người đứng đầu chính quyền Quận, Phường; thủ trưởng các CQCA Quận, Phường) cần khẩn trương chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, lấy lại uy tín cho chính quyền và lòng tin vào pháp luật cũng như để trừng trị và răn đe những kẻ coi thường, vi phạm pháp luật."
Tạm đình chỉ vì chờ UBND quận Hà Đông
Trả lời PV Báo Tri thức & Cuộc sống về sự việc, ông Nguyễn Duy Đông - Trưởng công an phường Hà Cầu (Hà Đông, Hà Nội) xác nhận sự việc ông Đát phản ánh có xảy ra trên địa bàn.
"Theo thẩm quyền, Công an phường đã tiếp nhận, giải quyết vụ việc theo đúng quy định và đã báo cáo cơ quan chức năng cấp trên, chuyển hồ sơ giải quyết” - ông Đông nói.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc hiện có một số người đang sinh sống tại căn nhà mà ông Đát đang cho rằng bị chiếm đoạt trên là ai? có đăng ký tạm trú không thì Trưởng công an phường Hà Cầu từ chối trả lời.
Ông Dương Thế Vinh, Chủ tịch UBND phường Hà Cầu cũng cho biết: "Việc tranh chấp giữa ông Đát và ông Th. đã kéo dài 4 năm nay. Về vấn đề an ninh trật tự, phường đã giao cho công an giải quyết và báo cáo cấp trên. Còn liên quan đến đất đai thì chưa ai chứng minh được là đất của mình vì chưa ai có GCNQSDĐ".
Được biết, ngày 20/3/2021, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông đã ra thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm. Theo đó, cơ quan điều tra nhận được đơn tố giác của ông Đát trình báo về việc nhóm người có hành vi hủy hoại tài sản và chiếm giữ trái phép nhà, đất của gia đình.
“Quá trình giải quyết cơ quan điều tra đề nghị UBND quận Hà Đông thành lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn diện việc lấn chiếm đất công tại khu hồ Đầm Khê, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP. Hà Nội và xử lý theo quy định của pháp luật nhưng chưa có kết quả trả lời. Vì vậy, chưa đủ căn cứ để ra quyết định không khởi tố hoặc khởi tố vụ án hình sự... Cơ quan CSĐT Công an quận Hà Đông ra Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm nêu trên” – thông báo nêu.
Để đa chiều thông tin, PV đã liên lạc với số điện thoại được cho là của anh Th. song không liên lạc được.
Hiện PV tiếp tục liên hệ với UBND quận Hà Đông và Công an quận Hà Đông để làm rõ.
Báo Tri thức & Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.