Đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, 3 chiếc xe ô tô chở nặng vũ khí và 15 cán bộ chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn rời đi từ số nhà 287/68-70-72 Phan Đình Phùng thẳng tiến về Dinh Độc Lập - một trong số các mục tiêu quan trọng của Biệt động Sài Gòn trong đợt tổng tấn công. 8/15 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh. Người xây hầm, cất giấu vũ khí - ông Trần Văn Lai (chủ thầu khoán Dinh Độc Lập - Mai Hồng Quế) bị địch truy lùng, treo thưởng lên đến 2 triệu USD…
Trận đánh đêm 29 Tết
Đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng với cựu binh Phan Văn Hôn (ông Bảy Hôn) - một trong số các chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn trực tiếp tham gia tấn công vào Dinh Độc Lập năm 1968, ký ức của trận đánh như vẫn vẹn nguyên. Ông Bảy Hôn sinh ra và lớn lên tại "đất thép" Củ Chi.
Tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm và nổi tiếng gan dạ, từng lập nhiều chiến công, năm 1967, ông được tuyển chọn vào lực lượng biệt động Sài Gòn. Đây là lực lượng chiến đấu tinh nhuệ và cũng là "tác giả" của rất nhiều trận đánh "xuất quỷ nhập thần" ngay trong lòng địch nên với bất kỳ chiến sĩ nào ngày ấy, được tham gia vào biệt động là một vinh dự lớn. Ông Hôn và các chiến sĩ biệt động tham gia một khóa huấn luyện đặc biệt trong chiến khu.
Suốt một tháng ròng, các chiến sĩ biệt động bịt kín mặt, chỉ để hở đôi mắt miệt mài tham gia tập trận, luyện đánh vào các mục tiêu giả định. Ngày cuối cùng của khóa huấn luyện, tất cả được tập tấn công mục tiêu với các vũ khí thật, kể cả B40. Vì vậy, dù chưa được phổ biến kế hoạch cụ thể, những người lính biệt động đều đoán chắc mình đang chuẩn bị tham gia vào trận đánh lớn.
|
Anh Trần Vũ Bình - con trai ông Trần Văn Lai bên chiếc xe vận chuyển vũ khí đánh Dinh Độc Lập năm 1968. |
Theo kế hoạch, ngày 27 Tết, từng nhóm biệt động chia nhau theo nhiều ngả, tiến về Sài Gòn. Xác định ra trận là quyết tử cho Tổ quốc, trước khi vào thành, nhóm của ông Bảy Hôn ghé về Củ Chi, vừa tranh thủ thăm thân, vừa nắm tình hình địch. Một trong số các thành viên của đội có gia đình mở quán ăn.
Đây cũng là điểm lui tới của khá nhiều lính ngụy. Thời điểm nhóm của Bảy Hôn ghé về, quán đang có khá nhiều lính đang ăn nhậu. Vừa thấy bóng con trai, bà chủ quán đã xa xả: "Tổ cha bay! Lại lĩnh lương ăn chơi hết tiền rồi mới vác xác về"…
Cứ thế, bà vừa la mắng con tội ăn chơi để đầu tóc, quần áo lôi thôi, vừa đẩy cả đám vào nhà. Thay áo quần chỉnh tề, đầu tóc gọn gàng, nhóm của Bảy Hôn sà vào nhậu chung với toán lính, vừa giả bộ chửi thề vừa trách lính gì "để Việt Cộng rải truyền đơn, mang vũ khí đánh cả vào trong thành". Nghe thế, toán lính kể tuốt chuyện nội tình đơn vị, chia sẻ luôn tâm lý hoang mang, lo lắng, cố bám trụ công việc để kiếm cơm…
Ngày 29 Tết (31-1-1968), từng nhóm nhỏ của Đội 5 Biệt động lần lượt tập trung về số nhà 287/68-70-72 Phan Đình Phùng, Sài Gòn. Nhà nằm lọt giữa khu chợ tấp nập, toàn người lao động nghèo. Đây lại là nhà của Mai Hồng Quế - chủ thầu khoán Dinh Độc Lập, người được tin cậy, cấp thẻ ra vào Dinh và cơ quan viện trợ Mỹ tại Sài Gòn hàng ngày nên sự xuất hiện của một nhóm người khá đông những ngày giáp Tết ít gây chú ý. Mai Hồng Quế là vỏ bọc hợp pháp của chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai.
Nhà số 287/68-70-72 Phan Đình Phùng chỉ là một trong số cơ sở thuộc hệ thống hầm trú ém vũ khí phục vụ hoạt động nội thành mà ông cùng vợ xây dựng từ những năm 1965, 1966. Gần căn nhà này, ông còn bố trí 2 xưởng nhà nệm tại 314/3 và 300 Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần hiện nay) để làm bình phong quan sát bên ngoài, vừa là hầm trú ém vũ khí. Nếu thấy lính khám xét hay có hiện tượng bất thường, người ở trong 2 ngôi nhà này sẽ báo động cho người trong nhà ở nhà Phan Đình Phùng ứng biến.
Tối 29, các chiến sĩ Đội 5 biệt động đã tề tựu đông đủ tại điểm tập kết. Bữa cơm tất niên khá tươm tất do gia chủ - vợ chồng ông Mai Hồng Quế (Trần Văn Lai) chuẩn bị thết khách đã kết thúc khá lâu mà vẫn chưa thấy có vũ khí, ông Phan Văn Hôn và một số đồng đội bắt đầu sốt ruột. Được phổ biến là đánh lớn mà nhìn quanh chỉ thấy ít người, ông Hôn băn khoăn: Người ít, vũ khí chưa thấy, mục tiêu chưa rõ ràng, không biết đánh lớn kiểu gì?
9 giờ đêm, Cụm trưởng cụm biệt động Tư Tăng (Nguyễn Văn Tăng) xuất hiện. Ông trải sa bàn, nhanh chóng phổ biến kế hoạch tấn công. Lúc này, chiến sĩ Đội 5 mới biết chính xác mục tiêu tấn công là Dinh Độc Lập. Khi ông Năm Lai lật viên gạch hoa giữa nhà, các thành viên mới biết bên dưới là cả kho vũ khí. Phân công nhau kiểm tra, lau chùi, vận chuyển lên xe, đúng giao thừa, 3 chiếc xe chở hơn 2 tấn vũ khí các loại cùng 15 chiến sĩ biệt động thẳng tiến về trung tâm.
Ông Bảy Hôn cho biết, trong số 15 người trên xe hôm ấy chỉ có duy nhất bà Chín Nghĩa (Vũ Minh Nghĩa) là nữ. Bà Nghĩa là giao liên của biệt động, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa làm nhiệm vụ cứu thương khi cần. Ông Trần Văn Lai với vai trò của chủ thầu khoán Mai Hồng Quế rất thuận lợi trong điều khiển xe tiếp cận mục tiêu. Tuy nhiên, chỉ huy trận đánh gồm cụm trưởng Tư Tăng và Đội trưởng Đội 5 Tô Hoài Thanh (Ba Thanh) không đồng ý với lý do sử dụng xe của ông Lai là đủ còn ông Lai phải ở lại để bảo vệ hầm.
Giữa tiếng pháo nổ đì đùng đón năm mới, 3 chiếc xe chở vũ khí lao thẳng về phía Dinh. Ông Bảy Hôn dùng súng hạ nhanh 2 mục tiêu là lính gác cổng. Tiếng súng lẫn trong tiếng pháo nên Đội 5 Biệt động giữ thế chủ động ít phút đầu. Nhanh chóng áp sát cửa với khối thuốc lớn nhưng phút chót, khối thuốc không nổ.
Đội trưởng Ba Thanh quyết định chuyển sang phương án dự phòng, từng người vượt qua tường rào, tấn công Dinh bằng B40. Sau ít phút lúng túng, địch củng cố tinh thần, phản công lại. Đội trưởng Ba Thanh hy sinh. Đường dẫn vào Dinh chỉ vài trăm mét nhưng 7 đồng đội đã nằm lại.
Theo kế hoạch dự kiến, Đội 5 Biệt động đánh chiếm, giữ Dinh Độc Lập trong 30 phút sẽ có lực lượng chi viện từ bên ngoài. Thế nhưng, đến gần 4 giờ sáng cùng ngày 8 chiến sĩ cố thủ trong Dinh mới thấy xe trên phố rọi đèn đến. Tưởng quân tiếp viện đến song họ chưa kịp vui mừng thì đám chiến xa đã hướng thẳng nòng về phía Dinh, theo sau là lố nhố địch. Thời điểm này, bà Chín Nghĩa đã bị thương vào vùng bụng.
Ông Bảy Hôn bị thương cả chân, tay, mặt nhưng rất may vết thương chỉ vào phần mềm nên vẫn chiến đấu được. Đội phó Hai Thanh quyết định tất cả rút lui trước khi trời sáng. Khi di chuyển được qua tòa cao ốc gần Dinh, địch phát hiện, cho xe chở lính đến bao vây. Nhờ có lợi thế địch ở ngoài sáng, dưới thấp, ta ở trong tối, trên cao nên các chiến sĩ biệt động bắn hạ mục tiêu không quá khó.
Có điều, vũ khí ngày càng cạn. Để tiết kiệm, các thành viên trong đội nảy sáng kiến ném lựu đạn giả xen kẽ lựu đạn thật. Thấy bóng dáng lính mò lên là liệng. Khi là lựu đạn, khi là cục gạch, khi là bộ phận súng hết đạn bị tháo rời.
Không tấn công trực diện được, địch chuyển hướng, chở thang máy, đưa lính áp sát từ mặt sau tòa nhà. Thấy ầm ì, Đội phó Hai Thanh ra hiệu cho Lê Tấn Quốc kiểm tra. Phát hiện địch chuyển quân, các thành viên chia nhau chuyển hướng đánh chặn. Sau đợt này, lượng vũ khí còn lại càng thiếu, cả nhóm quyết định đánh trận cuối, "xả kho".
Không còn 1 viên đạn, tất cả mò mẫm kiểm tra, phát hiện 1 lỗ hổng tường khá lớn do đạn pháo bắn vào thông với hệ thống ống trong tòa nhà. Thời điểm này, giao liên Chín Nghĩa đã rất đuối sức nên đề nghị được ở lại, đánh chặn cho đồng đội rút. Không ai đồng ý với lý do: chết bỏ thì thôi, nếu còn sống sẽ sát cánh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng…
Lúc ấy điểm lại danh sách thấy thiếu Lê Tấn Quốc, ai cũng nghĩ đồng chí của mình đã trốn thoát. Mãi sau ngày giải phóng, khi sửa chữa tòa cao ốc, người dân phát hiện một bộ xương khô bên cạnh cây súng AK đã hết đạn, ông Bảy Hôn mới biết đồng đội Lê Tấn Quốc đã hy sinh ngay trong đêm.
Còn thời điểm ấy, trời rạng sáng nên số còn lại dìu nhau rút vào cố thủ trên tầng thượng của 1 nhà dân. Khi trời sáng hẳn, chủ nhà lên thắp hương, giật mình thấy người nằm ngổn ngang. Nghe rõ sự tình, ông ngỏ ý xuống dưới chuẩn bị mâm cơm cho mọi người dùng.
Tất cả từ chối, sợ chủ nhà báo lính thì khó thoát thân. Đoán biết tâm ý, ông chủ đề nghị hạ mấy trái dưa trên ban thờ mời mọi người dùng tạm. Chưa ăn xong đã nghe tiếng lính hô lùng sục khắp phố. Vì đội phó Hai Thanh lúc này có giấy tờ hợp pháp nên tất cả động viên chỉ huy hóa trang tìm cách thoát ra. Để tránh liên lụy chủ nhà, tất cả thống nhất giả khống chế ông…
Bảy Hôn bị đánh ngất lịm, lúc lơ mơ tỉnh đã thấy 6 đồng đội khác bị đánh tơi tả. Ngay đội phó Hai Thanh cũng bị bắt lại và bị đánh đến mức thoạt nhìn ông cũng không nhận ra. Chính trị viên Trương Văn Rồi biết tiếng Anh, nghe lỏm địch bàn bạc, biết chúng định đem cả đội ra chợ Bến Thành hành hình để thị uy dân chúng nên ra hiệu cho mọi người chuẩn bị tinh thần. Đến chợ, địch chưa kịp bắn thì xe chở sĩ quan Mỹ lao tới. Viên chỉ huy trao đổi nhanh với nhóm lính canh. Ngay sau đó, người phiên dịch lại gần thông báo nhỏ: "Các anh may mắn rồi!"
Nhớ về những ngày đã qua, ông Bảy Hôn vẫn băn khoăn không biết người phiên dịch hôm ấy có phải người của ta cài vào hay là người có cảm tình với cách mạng mà khi biết tin lệnh hành hình bị bãi bỏ, anh có vẻ vui mừng.
Anh còn bỏ tiền mua cho 7 người 7 đĩa cơm. Mãi sau này, cả nhóm mới hay, chỉ ít phút trước đó, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã ra điều kiện qua đài phát thanh, nếu Mỹ - Ngụy tàn sát các chiến sĩ biệt động thì sẽ xử tử các phi công Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc.
Những người lính quả cảm chưa được nhắc tên
Ông Bảy Hôn và các đồng đội bị đưa ra tòa xét xử, bị kết án chung thân. Ông Hôn bị đày ra Côn Sơn. Năm 1973, ông vượt ngục, trở về quê, tiếp tục sát cánh chiến đấu tại địa phương. Về phía Trần Văn Lai, sau đợt Tổng Tấn công Tết Mậu Thân 1968, ông Lai cũng bị địch truy lùng, treo thưởng đến 2 triệu USD cho ai bắt hoặc giết được ông…
|
Một góc kho chứa vũ khí phục vụ Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. |
Kể về quãng thời gian này, anh Trần Vũ Bình, con trai ông Trần Văn Lai cho biết, má anh, bà Đặng Thị Thiệp, vừa là giao liên cho ba anh, vừa là người giúp ông xây dựng, vận chuyển vũ khí và trông coi hầm. Xác định tham gia chiến đấu rất có thể sẽ hy sinh nên trước ngày Tổng tấn công, ba anh lái xe về thăm mấy má con. Ông ôm hôn các con và dặn: "Ba đi ba sống thì các con có cha. Ba hy sinh rồi thì thôi… đành!"
Lúc đó, má anh nhìn ba anh, chỉ ngậm ngùi, không nói gì. Ba anh còn đọc mấy câu thơ, dặn má anh học thuộc lòng chứ không được ghi ra giấy: "Đông - Tiên con hỡi Ngọ - Mùi; Lớn lên con nhớ đáp lời núi sông; Nội con ở xã Vũ Đông; Vũ Tiên là huyện, tỉnh ta Thái Bình; Nhớ về nơi chốn ông cha; Họ Trần tên Bảo đó là chú con". Đây cũng là những lời dặn dò mà ba anh đề phòng nếu ông không trở về thì con cái dựa theo đó tìm được quê hương bản quán, tìm lại dòng họ, tổ tiên.
Ông Lai trốn thoát sau Mậu Thân 1968, tạo vỏ bọc khác, 2 lần bị bắt nhưng địch không phát hiện ra người đàn ông mà chúng tưởng bị giam cầm tra tấn đến phát điên ấy lại là tỷ phú Mai Hồng Quế mà chúng truy lùng. Đất nước hòa bình, ông Lai tham gia công tác quân quản, phụ vợ trông xe, làm máy xay rau má, xay cua nuôi con. Đội 5 biệt động được công nhận Anh hùng.
Nhiều chiến sĩ biệt động như ông Lê Tấn Quốc, Trần Văn Lai, Hai Thanh… cũng được phong tặng, truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Gần đây, hồ sơ đề nghị phong tặng anh hùng cho bà Đặng Thị Thiệp đang được hoàn tất nhưng bà nói bà và những người lính biệt động năm xưa tham gia chiến đấu không phải để được tặng danh hiệu mà là để đất nước được độc lập, hòa bình. Ước nguyện đã thành hiện thực, bà không mong gì hơn.
Chỉ có điều, nhiều năm qua, bà và các đồng đội còn sống vẫn mãi băn khoăn về những người đã ngã xuống. Để đảm bảo bí mật, biệt động hoạt động đơn tuyến. Những trận đánh lớn, chỉ trước giờ xuất phát ít lâu, họ mới biết nhau. Không ít người hy sinh, đến nay vẫn chưa rõ danh tính, quê quán. Tưởng nhớ họ, hàng năm, một số đồng đội lấy ngày mùng 1 Tết làm ngày giỗ chung.
Riêng gia đình bà Thiệp đã, đang tìm lại, phục dựng hệ thống hầm trú ém vũ khí làm di tích, tìm lại những chiếc xe vận chuyển vũ khí, đồng đội trong đợt Tổng tấn công 1968 để lưu giữ hoặc trao tặng các bảo tàng. Bà hy vọng, những nỗ lực này sẽ an ủi cho vong linh những người lính hy sinh vô danh và thế hệ mai sau đừng lãng quên họ…