Không chỉ tư vấn thuốc
PGS Lê Thị Anh Thư – Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM - cùng tham gia chương trình tư vấn cho người dân phòng chống Covid-19 qua tổng đài 1022.3 của Hội Y học TP.HCM.
Cuộc gọi đầu tiên PGS Thư nhận được là lời cầu cứu của người chồng đang là F0, vợ của anh đang nguy kịch. Người chồng hỏi làm sao để cứu vợ. Hai vợ chồng có hai người con cũng mắc COVID-19.
PGS Thư trò chuyện với bệnh nhân, nghe anh chia sẻ, trấn an, đồng thời tư vấn cho bệnh nhân cách theo dõi sức khoẻ, sử dụng thuốc cho đúng.
PGS Thư cho biết hơn 1 tháng qua, bà cùng hàng trăm y bác sĩ khác của Hội Y học TP.HCM trở thành tổng đài viên đặc biệt. Sau cuộc gọi đầu tiên đó, những tình huống tương tự cứ thế diễn ra, các cuộc gọi đổ đến bất kể ngày hay đêm.
PGS Thư kể về những tiếng khóc than, tiếng thở ngắt quãng qua điện thoại: "Bác sĩ ơi, em không còn thở nổi nữa rồi, làm sao đây?", "Bác sĩ ơi, nhà em đến 12 người đều dương tính hết rồi, mà em gọi ai cũng không được".
"Bác sĩ ơi vợ tôi bị nặng lắm, nguy kịch lắm, bệnh viện báo không còn cách nào cứu chữa. Có cách gì cứu vợ tôi không bác sĩ ơi, ba con tôi phải làm sao", đây là lời cầu cứu của một gia đình F0 khác gọi PGS Thư.
Mỗi lần mở điện thoại tổng đài, bác sĩ lại nghe những lời cầu cứu "Bác sĩ ơi..." với đủ cung bậc cảm xúc, đủ hoàn cảnh khác nhau.
|
PGS Lê Thị Anh Thư. |
Mấy chục năm trong nghề, bác sĩ Thư chưa bao giờ chứng kiến những những tình huống như vậy. Có lúc, bác sĩ cũng bối rối không biết làm như thế nào.
PGS Thư cho biết mỗi lần gác máy, bà lại suy nghĩ rất nhiều, virus này 'quái ác' quá, PGS nói. Nó tấn công cả gia đình, người bệnh ra đi trong đơn độc, để lại nỗi đau tinh thần không biết đến bao giờ nguôi ngoai.
Nhiều khi, bác sĩ cung cấp luôn số điện thoại cá nhân của mình để người bệnh trao đổi cho tiện. Khi gắn kết qua điện thoại với hàng chục, hàng trăm tin nhắn mỗi ngày thông báo chỉ số Spo2, tình hình cả gia đình, thời gian ngủ của bác sĩ đều rút ngắn lại. Ai cũng cố gắng tranh thủ tư vấn, giúp người bệnh được nhiều hơn.
Theo dõi những trường hợp bệnh nhân được tư vấn, PGS Thư cho rằng nếu F0 được tư vấn theo dõi ngay từ đầu thì trường hợp trở nặng rất ít vì họ được tư vấn dùng thuốc hợp lý, theo dõi sức khoẻ tốt hơn. Còn những trường hợp trở nặng đa phần đều gọi bác sĩ khi quá muộn.
Mỗi tin nhắn báo "cảm ơn bác sĩ, cả gia đình em ổn rồi" hoặc tin nhắn khoe kết quả âm tính có lẽ là niềm vui của bác sĩ Thư và nhiều đồng nghiệp khác.
Lỗ hổng thiếu bác sĩ gia đình
Đại dịch Covid-19 diễn ra là để chúng ta nhận ra lỗ hổng thiếu mạng lưới bác sĩ gia đình. PGS Thư cho rằng lâu nay, bác sĩ gia đình không được coi trọng, sinh viên y khoa ra trường cũng chỉ thích làm bác sĩ chuyên khoa.
Dù Việt Nam có kế hoạch phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình nhưng mới chỉ dừng lại ở quyết định. PGS Thư cho rằng đi qua dịch Covid-19 với hàng nghìn F0 mới thấy bác sĩ gia đình cực kỳ quan trọng.
Không riêng PGS Thư, nhiều chuyên gia cũng nhận định đối với Covid, hiệu lực của thuốc chỉ là 30%, 70% còn lại là chăm sóc bệnh nền, dinh dưỡng, thể dục và đặc biệt là sức khỏe tâm lý. Không phải chỉ Covid-19, hầu hết các bệnh khác cũng cần sự điều trị toàn diện. Bác sĩ gia đình vì thế cần kỹ năng, kiến thức tổng quát và tấm lòng xem người bệnh như ruột thịt.
Nếu như mỗi bệnh nhân hay mỗi gia đình được một bác sĩ theo dõi tận tình hàng ngày, sát sao từng sinh hiệu người bệnh, sẽ giảm được tỷ lệ bệnh chuyển nặng, giảm tối thiểu tỷ lệ tử vong do Covid-19.
Bác sĩ Thư hi vọng sau đợt dịch này thì mô hình bác sĩ gia đình sẽ được phát triển hơn. Ngoài ra, sau thời gian ăn, ngủ cùng F0 qua online, bác sĩ Thư cho rằng mô hình tư vấn qua tổng đài của TP.HCM đã phát huy được hiệu quả, các địa phương khác có thể tham khảo mô hình này.