TPHCM đang thiếu kết nối không gian ngầm
Theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc kết nối không gian ngầm hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách bộ hành, tận dụng những khu vực gần metro để làm không gian ngầm là đúng. Nhưng bên cạnh đó, nhiều khu vực không gần metro vẫn có thể phát triển không gian ngầm.
|
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, một chuyên gia quy hoạch, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners |
Toàn bộ tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ cần được tổ chức khai thác không gian ngầm. Khi đó, hành khách từ nhà ga metro khu vực trước UBND TP HCM có thể đi theo không gian ngầm đường Nguyễn Huệ ra bờ sông Sài Gòn và đi thẳng qua Thủ Thiêm.
Hành khách cũng có thể đi theo không gian ngầm dưới đường Lê Lợi nối ra nhà ga trung tâm Bến Thành.
Nói chung, các vị trí không gian ngầm dưới đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi phải được quy hoạch kết nối với tầng hầm các cao ốc hai bên tuyến.
Theo kinh nghiệm quy hoạch cho TP Montreal (Canada), không gian ngầm sẽ đem lại hiệu quả rất cao cho việc đi lại, vui chơi, mua sắm... nhờ kết nối tầng hầm các cao ốc hai bên đường nối vào không gian ngầm tuyến metro và không gian ngầm đi bộ dưới đường.
|
Nếu phát triển và đầu tư đúng cách, không gian ngầm của metro sẽ được tận dụng trở thành một không gian thân thiện cho người đi bộ. |
Khu đô thị mới Thủ Thiêm nên được quy hoạch xây dựng thành trung tâm tài chính đối diện và kết nối với khu trung tâm thành phố hiện nay. Trung tâm Thủ Thiêm có nhiều công trình cao tầng, móng sâu, nên cũng có thể tổ chức không gian ngầm. Chúng ta có thể triển khai đường tunnel ngầm cho xe điện, nối trực tiếp từ đường Nguyễn Huệ, hoặc từ đường Hàm Nghi qua Thủ Thiêm.
Hiện nay, tầng ngầm của những công trình cao ốc mới xây dựng gần đây như Vincom Center, Saigon Centre 1, Saigon Centre 2, tòa tháp đôi trước chợ Bến Thành… đều chưa được nhà chức trách yêu cầu dự trù lỗ thông chừa sẵn tunnel kỹ thuật để kết nối với không gian ngầm tương lai.
Đây là yêu cầu cần bắt buộc đối với các cụm cao ốc sẽ xây dựng sau này (như Thương xá Tax, cao ốc SJC...), vì nếu những công trình này thiết kế cửa mở chờ sẵn, việc kết nối với không gian ngầm tương lai sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn.
Bên cạnh đó, TP HCM khá giống Thượng Hải với một dòng sông chia thành hai bờ Đông - Tây. 5 tuyến đường hầm dưới lòng sông Hoàng Phố đã kết nối trực tiếp hai khu trung tâm ven sông của Phố Đông và Phố Tây Thượng Hải.
Hiện trung tâm Thủ Thiêm chưa được quy hoạch đường hầm hay đường giao thông nào kết nối trực tiếp với bên kia bờ, mà phải đi đường vòng khá xa, cho nên vẫn chưa tận dụng được lợi thế vị trí gần phía bên kia sông để tăng cao giá trị thu hút đầu tư địa ốc vào Thủ Thiêm.
Nhà nước nên sớm có quy hoạch không gian ngầm
Khu Trung tâm hiện hữu của TP HCM hiện có 3 điều kiện mang tính nền tảng để phát triển và khai thác không gian ngầm như nền đất cao, mật độ xây dựng cao và mật độ giao thông cao.
Montreal và Reso thành công dựa trên nguyên tắc tất cả công trình cao tầng quan trọng trong khu trung tâm đều phải kết nối với không gian ngầm.
Theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, TP HCM đến nay vẫn chưa chuẩn bị “sẵn sàng” để quy hoạch nối không gian ngầm của các cụm cao ốc quan trọng vào không gian ngầm công cộng của thành phố, tạo cơ hội có thể đi ngầm xuyên từ tòa nhà này sang tòa nhà khác.
|
Tăng không gian ngầm khuyến khích người dân di chuyển bằng giao thông công cộng, qua đó kéo giảm lượng xe cá nhân. |
Vì thế, Nhà nước nên sớm có quy hoạch không gian ngầm, với chính sách ưu đãi đi kèm quy định các cao ốc mới quan trọng trong khu trung tâm phải kết nối với không gian ngầm đô thị.
Thậm chí dự án đã phê duyệt, nhưng chưa khởi công cũng nên rà soát lại và yêu cầu những tòa nhà này phải có cửa sẵn sàng kết nối vào không gian ngầm của thành phố.
Việc tích hợp giao thông ngầm, trên mặt đất, với đường đi bộ trên cao (skyway) cũng cần phải được đưa vào quy hoạch, nhất là trong bối cảnh thành phố đã có chủ trương hạn chế giao thông cá nhân vào khu vực trung tâm.
Từng tham gia nhóm thiết kế quy hoạch Trung tâm Phố Đông và Phố Tây Thượng Hải; nhóm chuyên gia quy hoạch vào hệ thống không gian đô thị ngầm Reso của TP Montreal (Canada), không gian ngầm quy mô lớn nhất thế giới, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, chi phí để xây dựng công trình ngầm chỉ cao hơn 2 - 3 lần so với công trình xây trên mặt đất.
Tuy nhiên, chi phí vận hành tiêu tốn rất lớn vì mọi thứ xây dựng dưới mặt đất đều là nhân tạo, không có điều kiện tự nhiên, do đó, để vận hành đòi hỏi nhiều quy trình, công đoạn hơn.
|
Theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, TP HCM đến nay vẫn chưa chuẩn bị “sẵn sàng” để quy hoạch nối không gian ngầm của các cụm cao ốc quan trọng vào không gian ngầm công cộng của thành phố. |
Có thể việc xây dựng tuyến metro lấy nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước, còn không gian ngầm dành cho thương mại, chính quyền có thể mời gọi tư nhân tham gia xây dựng và quản lý vận hành các công trình ngầm thương mại dọc tuyến metro, như mô hình đối tác công - tư (PPP) trong xây dựng đô thị ngầm Reso.
Một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn là với tình trạng úng ngập thường xuyên và triều cường liệu có ảnh hưởng đến các công trình ngầm, theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, trong quy hoạch toàn bộ không gian ngầm, rất cần tổ chức những hồ điều tiết ngầm để chống ngập. Khi có mưa lớn, hoặc triều cường, nước sẽ được tạm thu vào đó và từ từ chảy ra sông.
“Tăng không gian ngầm khuyến khích người dân di chuyển bằng giao thông công cộng, qua đó kéo giảm lượng xe cá nhân. Điều này phù hợp với định hướng dài hạn ưu tiên giao thông công cộng, ưu tiên người đi bộ.
Nếu phát triển và đầu tư đúng cách, không gian ngầm của metro sẽ được tận dụng trở thành một không gian thân thiện cho người đi bộ. Qua đó, ở không gian ngầm, người dân đi bộ nhiều hơn, tương tác nhiều hơn”.
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn
>>> Mời độc giả xem thêm video Dạo quanh công trường metro làm việc tất bật cuối năm: