TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% người cao tuổi cô đơn, bệnh nặng, không thể đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế sẽ được khám và điều trị tại nơi ở.
Đồng thời đến năm 2030, 10 quận huyện sẽ thí điểm phát triển mô hình trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi.
Ngoài ra, các bệnh viện, trừ bệnh viên chuyên khoa Nhi và bệnh viện có khoa Lão, cũng được yêu cầu dành một số giường cho điều trị bệnh nhân là người cao tuổi. Tỷ lệ này cần đạt 100% vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
|
TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% người cao tuổi cô đơn, bệnh nặng, không thể đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế sẽ được khám và điều trị tại nơi ở. Ảnh tư liệu |
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, TP HCM hiện có 20 đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, neo đơn, người lang thang không rõ địa chỉ… Trong đó, 8 cơ sở công lập (đang nuôi dưỡng 1.555 cụ) và 12 cơ sở ngoài công lập (đang nuôi dưỡng 1.138 cụ).
Ông Lâm cho hay, TP HCM chủ trương khuyến khích các đơn vị tham gia vào hệ thống chăm lo cho đối tượng người cao tuổi trên địa bàn.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM đã tiếp nhận 3 hồ sơ gửi đến để xin phép thành lập cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Hiện các hồ sơ đang được thẩm tra, có hướng dẫn phù hợp với quy định của pháp luật.
|
TP HCM chủ trương khuyến khích các đơn vị tham gia vào hệ thống chăm lo cho đối tượng người cao tuổi trên địa bàn. Ảnh: Cắt tóc cho bệnh nhân cao tuổi tại Bệnh viện Thống Nhất TP HCM |
Mức chăm sóc người cao tuổi ở TP HCM là 1.970.000 đồng, cao hơn mức quy định (1.520.000 đồng). Ngoài ra, TPHCM cũng huy động các nguồn lực xã hội khác để chăm lo cho đối tượng nêu trên.
TPHCM hiện có hơn 840 ngàn người cao tuổi, 98% có bảo hiểm y tế. Tuổi thọ trung bình của người cao tuổi ở TPHCM là 76,6 tuổi.
TPHCM cũng đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số, khi số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,39 con.