Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM vừa có báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết trên địa bàn thành phố. Theo đó, mức thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cao nhất là 2,078 tỉ đồng thuộc về cá nhân làm việc ở doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Mức này cao hơn so với 756 triệu đồng của năm ngoái. Mức thưởng thấp nhất là 4,8 triệu đồng. Thưởng Tết bình quân năm nay ở TP HCM là 12,3 triệu đồng, giảm nhẹ so với năm trước (12,88 triệu đồng).
Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM xoay quanh vấn đề lương, thưởng Tết và quan hệ lao động trong thời gian tới.
|
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM xoay quanh vấn đề lương, thưởng Tết và quan hệ lao động từ đây đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 |
*Phóng viên: Thưa ông, xin ông khái quát tình hình lương, thưởng Tết tại TP HCM?
- Ông Lê Văn Thinh: Qua việc triển khai các kế hoạch để nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Sở LĐ-TB-XH TP HCM đã phối hợp với LĐLĐ và các quận, huyện, TP thủ Đức triển khai thăm dò ý kiến của doanh nghiệp. Qua các phiếu ý kiến gửi đến 2.000 doanh nghiệp, đã nhận về phản hồi của hơn 1.200 doanh nghiệp, báo cáo chi tiết về tính hình chăm lo Tết cho người lao động.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng triển khai 20 đoàn kiểm tra, giám sát trực tiếp doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, ưu tiên chọn doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả lương, thưởng Tết; doanh nghiệp cắt giảm lao động; doanh nghiệp có nguy cơ nợ lương, nợ thưởng, nợ BHXH hoặc đã xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công trong năm 2023.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy các doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, song vẫn rất quan tâm đến việc chăm lo cho người lao động, đặc biệt là lương, thưởng Tết. So với mức lương, thưởng Tết Quý Mão năm 2023, đối với Tết Dương lịch có tăng, còn với Tết Nguyên đán có mức gần tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.
* Qua ghi nhận báo cáo từ các doanh nghiệp, đơn vị ghi nhận trường hợp nào không thưởng Tết cho người lao động?
- Qua các doanh nghiệp được khảo sát, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào không chăm lo Tết cho người lao động. Tuy nhiên, không có yếu tố loại trừ, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tại các địa phương thể theo dõi sát sao tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố từ đây đến cuối năm.
Từ đó kịp thời triển khai các biện pháp, giải pháp đặc biệt, hướng dẫn các quy định pháp luật về lao động cũng như các hợp đồng doanh nghiệp đã ký kết với người lao động. Dựa vào đó, khuyến khích các bên tuân thủ đầy đủ các cam kết theo hợp đồng lao động và pháp luật lao động, giúp cho quan hệ lao động trên địa bàn thành phố ổn định, sản xuất tiếp tục phát triển.
Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố hiện nay đã có những chính sách để chăm lo, tôi tin rằng với các trường hợp đoàn viên - lao động khó khăn sẽ được hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, MTTQ và các địa phương cũng đã lên kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động khó khăn. Những trường hợp người lao động khó khăn về quê đón Tết hoặc ở lại TP HCM đều sẽ được nhận được sự hỗ trợ từ thành phố, để ai cũng được vui xuân, đón Tết.
* Từ đây đến cuối năm, Sở LĐ-TB-XH TP HCM có kế hoạch cụ thể ra sao để ổn định quan hệ lao động trên địa bàn thành phố?
- Trong thời gian từ đây đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình về lương, thưởng trên địa bàn. Từ đó, có thể thông tin kịp thời đến lãnh đạo thành phố, Bộ LĐ-TB-XH và người dân. Bên cạnh đó, ngành lao động – thương binh xã hội cũng sẽ ghi nhận thêm tình hình về quan hệ lao động.
Liên quan đến vấn đề quan hệ lao động, theo dõi ở các địa phương, từ đầu năm đến nay có khoảng 7 trường hợp phát sinh tranh chấp lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Từ đó, cho thấy số lượng không nhiều. Ngay sau khi nắm được thông tin chúng tôi đã phối hợp với các ban, ngành liên quan để can thiệp, giám sát và hướng dẫn cho doanh nghiệp, người lao động, hầu hết các vấn đề được giải quyết tương đối đồng thuận. Vì vậy chưa xảy ra vấn đề phức tạp về an ninh trật trự tên địa bàn.
Nếu so với cùng kỳ năm 2022, năm nay giảm rất sâu về số lượng vụ việc đình công, lãn công. Do đó, Sở LĐ-TB-XH TP HCM nhận thấy, mặc dù có khó khăn, nhưng ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật lao động, nhất là chăm lo cho người lao động để giữ chân người lao động gắn bó được nâng lên rõ nét. Tôi cho rằng phương thức, suy nghĩ, cách làm của doanh nghiệp rất đáng được trân trọng.