Có tham nhũng, tiêu cực nhưng chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh"
Đặt câu hỏi chất vấn với Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho hay, bên cạnh những cố gắng của ngành thì vẫn có những hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán.
"Mà phổ biến là khi phát hiện sai phạm của đối tượng kiểm toán thì vòi vĩnh, gợi ý chia chác khoản tiền sai phạm đó để bỏ qua sai phạm theo phương châm đôi bên cùng có lợi", đại biểu Thắng nói.
Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán cho quan điểm và liệu có cần xây dựng một cơ chế thanh tra, giám sát độc lập thường xuyên hoạt động của kiểm toán ngoài thanh tra của ngành để khắc phục tình trạng trên hay không?
|
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn. |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Đức Thắng về hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong ngành, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn khẳng định và thừa nhận là có.
"Nhưng rất ít, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” và chúng tôi kiên quyết loại bỏ những “con sâu” này để giữ được đạo đức, chuẩn mực", ông Tuấn nói.
|
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: QH. |
Ông Ngô Văn Tuấn cho hay, trong luật Điều 8 đã quy định rất rõ về những hành vi không được làm, nghiêm cấm của Kiểm toán nhà nước và trong hoạt động của mình thì kiểm toán còn có chuẩn mực số 30 là chuẩn mực về đạo đức công vụ.
Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản để làm sao kiểm soát chặt chẽ được hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực của những cá nhân trong thực hiện công vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với những trường hợp này.
Theo ông Tuấn, với cơ chế hiện tại trong hoạt động kiểm toán và quy trình, quy chế, nhất là về kiểm soát phòng, chống tham nhũng của ngành đã tương đối đầy đủ. Từ vai trò, trách nhiệm của từng kiểm toán viên và khi đi hoạt động kiểm toán thì kiểm toán viên phải ghi nhật ký điện tử từng ngày và chuyển về cơ sở dữ liệu của trung ương cho Vụ Kiểm soát chất lượng theo dõi và thanh tra, kiểm toán theo dõi....
"Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh vai trò của thanh tra, kiểm toán, thanh tra công vụ, một cơ quan nữa là Vụ Kiểm soát chất lượng làm sao kiểm soát thật chặt chẽ, công tâm, khách quan hoạt động này", ông Tuấn khẳng định.
Cần lượng hóa được công tác đánh giá cán bộ
Cùng chất vấn liên quan vấn đề tham nhũng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho hay, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, cơ quan Kiểm toán nhà nước có vai trò và trách nhiệm đặc biệt quan trọng trong việc tham gia phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.
Trong những năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất lớn trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, nhưng ở đâu đó vẫn thấp thoáng căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh.
"Với vị trí là người đứng đầu một trong những cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, mong Tổng Kiểm toán cho biết phải làm gì để một mặt xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, cương quyết đưa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đi đến thắng lợi, nhưng mặt khác vẫn nuôi dưỡng được niềm tin, vẫn thắp sáng được ngọn lửa nhiệt huyết, vẫn bảo vệ được những người dám nghĩ, dám làm và mong muốn được cống hiến cho đất nước", đại biểu Lưu Mai đặt câu hỏi.
|
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội). |
Trả lời đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, ông Tuấn chia sẻ "câu hỏi của đại biểu thực sự rất khó".
"Với hiểu biết hạn chế của mình tôi sẽ cố gắng nêu quan điểm cá nhân. Để tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà không giảm tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói làm sao "đánh chuột để không vỡ bình" thì trước hết để đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực", ông Tuấn nói.
Theo đó cần phải làm tốt 3 việc:
Việc thứ nhất là phải xây dựng một thiết chế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng.
Việc thứ hai là xây dựng thiết chế về phát hiện, xử lý nghiêm minh để không dám tham nhũng.
Việc thứ ba là xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để không muốn và không cần tham nhũng. Có như vậy thì công tác tham nhũng của chúng ta mới hiệu quả.
Đối với vấn đề làm sao để chống tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, nguyên nhân đầu tiên thuộc về ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Cùng với đó, là trình độ, về năng lực bất cập chưa theo kịp yêu cầu. Ngoài ra, là công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát.
Giải pháp trong thời gian tới, ông Tuấn cho rằng, trước hết là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm, nâng cao trình độ, năng lực và đặc biệt là phải hoàn thiện thể chế để quy định rõ quyền và nghĩa vụ của từng công chức.
"Trong đó quy định rõ công chức ngồi vào vị trí A thì phải làm gì, không được làm gì, rõ quyền, trách nhiệm gắn với quyền lợi và đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát, làm sao lượng hóa được công tác đánh giá cán bộ thì thuận lợi cho việc sử dụng cán bộ", ông Tuấn nói.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) trao đổi bên hành lang Quốc hội về những vấn đề quan tâm tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: