Quảng Ninh dừng cấp phép đối với các tàu du lịch
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 2, tại tỉnh Quảng Ninh, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy chữa cháy tỉnh Quảng Ninh dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Văn Diện đã họp triển khai công tác ứng phó cơn bão số 2.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Vũ Văn Diện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải tổ chức kiểm tra, nắm chắc thông tin về khách du lịch mắc kẹt trên đảo, tích cực tuyên truyền, thông tin kịp thời đến du khách. Đồng thời phải có giải pháp di dời kịp thời các hộ dân dưới các dự án đang thi công phía đồi. Đặc biệt, cần di dời khẩn cấp 64 hộ dân đang sống tại khu chung Dương Huy (TP Cẩm Phả) đã xuống cấp.
|
Quảng Ninh dừng cấp phép đối với các tàu du lịch từ 13 giờ ngày 16/7.
|
Bên cạnh đó, cần thông báo cho chủ các lồng bè thực hiện chằng chống, di dời về nơi an toàn. Các lực lượng vũ trang chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng huy động ứng cứu, hỗ trợ di dân khi có huy động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Vũ Văn Diện cũng chỉ đạo ngành giao thông vận tải dừng dừng cấp phép đối với các tàu du lịch từ 13 giờ ngày 16/7.
Theo ghi nhận của PV Kiến Thức, hiện nay tại tỉnh Quảng Ninh, hơn 7.512 tàu (516 tàu đánh bắt xa bờ) đã được thông báo diễn biến bão. Hiện nhiều tàu đang di chuyển về nơi tránh trú.
Để chủ động phòng chống bão, vào 6h sáng 16/7 tàu từ các tuyến đảo về đất liền đã ngừng hoạt động do biển động khiến hơn 5000 du khách còn trên các đảo (trong đó có 30 khách quốc tế). Tại đảo Cô Tô có 3.500 du khách (trong đó có 14 khách quốc tế).
Trao đổi với PV, ông Hoàng Bá Nam, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: “Hiện có 3.500 du khách trên huyện đảo Cô Tô. Huyện Cô Tô đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh nhà nghỉ bố trí chỗ ở ổn định, an toàn cho du khách, thông báo cho tàu thuyền hoạt động về nơi tránh trú an toàn. Khi nào sóng yên sẽ đưa khách về đất liền”.
Nam Định cấm tàu thuyền ra khơi
Theo thống kê, hiện nay, tỉnh Nam Định có khoảng 17.000 ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản, hơn 700 lều, chòi canh ngao, trên 2.000 tàu thuyền hoạt động trên biển với khoảng 4.000 ngư dân làm ăn sinh sống trên biển.
Để chủ động ứng phó bão số 2, sáng 16/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Phạm Đình Nghị đã ban hành công điện khẩn. Trong đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu yêu cầu các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền vào nơi tránh, trú an toàn. Từ 13h ngày 16/7 cấm mọi phương tiện tàu thuyền ra khơi; triển khai kịp thời các giải pháp an toàn cho tàu thuyền, chủ động phương án di dời dân, sơ tán người canh coi tại các chòi canh vào khu vực an toàn, di dời dân ở cùng nguy hiểm, khu vực cửa sông, ven biển.
|
Chiều 16/7, nhiều khu vực tại TP Hà Nội đã xuất hiện mưa dông. |
Kiểm tra rà soát các công trình đê điều, các bến cảng, kho tàng ven biển để có biện pháp đảm bảo an toàn, phát hiện và xử lý ngay những sự cố hư hỏng trên tuyến đê sông, đê biển. Chỉ đạo Ban quản lý dự án và nhà thầu đang thi công chủ động phương án đảm bảo an toàn người, vật tư, thiết bị, tài sản, an toàn công trình theo phương châm 4 tại chỗ; Rà soát chặt chẽ phương án phòng chống bão tại các địa phương nhất là các xã ven biển để kịp thời ứng phó với bão. Duy trì các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã được phân công xuống địa bàn phối hợp với các địa phương triển khai chống bão.
Hải Phòng: Tuyệt đối không được chủ quan, để xảy ra sự việc đáng tiếc
Tại Hải Phòng, tính đến 7h sáng 16/7, lực lượng Biên phòng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 2.992 phương tiện với 10.859 lao động; 494 lồng bè với 951 lao động; 250 chòi canh với 271 lao động đang hoạt động, neo đậu để chủ động phòng tránh. Hiện nay vẫn còn có 5 phương tiện đang hoạt động quanh đảo Bạch Long Vĩ cách từ 1 đến 15 hải lý.
Chỉ đạo tại cuộc họp chống bão số 2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Xuân Bình yêu cầu Chủ tịch các quận/huyện, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành thành phố căn cứ vào chỉ đạo của TW, thành phố và chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 2. Tuyệt đối không được chủ quan, để xảy ra sự việc đáng tiếc; từng đơn vị phải chủ động triển khai các phương án.
Thái Bình: Khẩn trương di dời toàn bộ số lao động trên bè, phương tiện đánh cá
Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 1.288 tàu, thuyền với 3.606 lao động hoạt động khai thác thủy, hải sản. Trong đó, có 92 phương tiện với 453 phương tiện đang hoạt động, neo đậu vùng biển ngoài tỉnh; 415 phương tiện với 1.291 lao động đang hoạt động ven biển tỉnh Thái Bình, Nam Định; 781 phương tiện với 1.862 lao động đang neo đậu tại các bến trong địa bàn tỉnh Thái Bình. Hiện tất cả các phương tiện đều đã liên lạc được với gia đình.
>>> Mời độc giả xem video bão số 2 hướng thẳng khu vực ven biển Nam Định - Hà Tĩnh - Nguồn VTC14:
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Hồng Diên - Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương hoãn tất cả các cuộc họp và các hoạt động chưa thật cần thiết, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác ứng phó với bão.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo, huyện Tiền Hải và Thái Thụy khẩn trương di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ, hải sản ngoài đê chính, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu vào trong đê chính, không để bất cứ người nào ở ngoài đê chính khi bão đổ bộ; sơ tán các khu tập thể, nhà xuống cấp vào nơi an toàn trước 17h ngày 16/7.
Nghệ An: Tích cực gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn
Tại cuộc họp trực tuyến triển khai công tác chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 2 do Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung ương với 24 tỉnh thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Đinh Viết Hồng cho biết, Nghệ An có 3.912 phương tiện/18.523 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản.
“Tính đến 6h30 sáng 16/7, có 386 phương tiện với 2.601 lao động đang hoạt động tại vùng ven biển Nghệ An; 132 phương tiện với 1.614 lao động đang hoạt động ở ngoại tỉnh và vùng đánh cá chung; 3.394 phương tiện neo đậu tại bến. Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của Bão số 2 và chủ động tìm nơi trú ẩn”, ông Đinh Viết Hồng cho biết.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An còn khoảng gần 500 tàu thuyền với hơn 4.000 lao động chưa về nơi trú ẩn an toàn, do đó, bằng mọi biện pháp thông báo, tích cực kêu gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi trú tránh an toàn trước 17h ngày 16/7.