Thượng tọa Thích Nhật Từ: 'Pháp bảo' của CLB Tình Người đầy rẫy những sai trái

Google News

"Đây là một tổ chức có sự nhập nhằng. Danh nghĩa là CLB Tình Người, tổ chức là Công ty Phát triển trí tuệ cộng đồng mà trên thực tế thì hoạt động như là một phong trào tín ngưỡng tôn giáo mới", Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM chia sẻ.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng, một số hoạt động của CLB Tình Người không những là mê tín dị đoan mà còn là tà phái, tà đạo, tà giáo. Bài phỏng vấn được đăng trên báo Đại Đoàn Kết (báo in) phát hành hôm nay, 27/3 cùng chùm phóng sự điều tra độc quyền.
Thuong toa Thich Nhat Tu: 'Phap bao' cua CLB Tinh Nguoi day ray nhung sai trai
 
PV: Thưa Thượng tọa, quan điểm của Giáo hội Phât giáo Việt Nam về các thông tin liên quan đến hoạt động của Câu lạc bộ Tình Người và Công ty (thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng) như thế nào?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Thứ nhất, đây là một tổ chức có sự nhập nhằng. Danh nghĩa là CLB Tình Người, tổ chức là Công ty Phát triển trí tuệ cộng đồng mà trên thực tế thì hoạt động như là một phong trào tín ngưỡng tôn giáo mới. Về phương diện pháp luật, cụ thể là Luật Tín ngưỡng tôn giáo, hoạt động của nhóm này, CLB này, Công ty này là không hợp pháp, không xin phép sinh hoạt tôn giáo nhưng trên thực tế thì lại có những nội dung tôn giáo dày đặc trong sinh hoạt của mình.
Thứ hai về phương diện tôn giáo, CLB Tình Người này hỗn hợp các tôn giáo, lấy đạo Phật làm cái nền để thu hút quần chúng, Phật tử và những người yêu mến đạo Phật dễ dàng chấp nhận gia nhập, làm thành viên của CLB. Các tín đồ từ bỏ đạo Phật để đi theo một truyền thống tín ngưỡng không được luật pháp Việt Nam thừa nhận.
Về phương diện Nhà nước, bất cứ một hoạt động mang danh nghĩa tôn giáo thuộc công ty hay CLB nào mà không nằm trong sự xin phép, cho phép thì được xem là các hoạt động phi pháp.
Điều mà GHPG Việt Nam quan ngại là nội dung của cuốn Cẩm nang hướng dẫn cho các thành viên của nhóm này thì có nội dung rất dầy đặc về Phật giáo mà phần lớn có thể nói là sai lệch tôn chỉ của đạo Phật, làm cho người ta dễ bị ngộ nhận đây là một giáo phái của Phật giáo, núp dưới danh nghĩa một CLB, núp dưới danh nghĩa của một Công ty Phát triển Trí tuệ cộng đồng mà thực chất là truyền bá mê tín để mang lại lợi ích cho nhóm, tổ chức các hoạt động tôn giáo trái pháp luật này.
Tôi rất mong Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo TP Hà Nội cũng như Nhà xuất bản Hồng Đức hãy xem xét lại việc cho phép xuất bản quyển sách Cẩm nang của nhóm này. Vì nó dẫn đến tình trạng truyền bá những thông tin cực kì sai lầm về đạo Phật làm cho tính lạc dẫn đối với người đọc trong tổng số 50-60.000 ấn bản mà nhóm này đã phát hành trong thời gian qua.
Nếu không sớm ngăn chặn hoạt động phi pháp này, trái với luật pháp Việt Nam, trái với nội dung của đạo Phật, lấy danh nghĩa của đạo Phật thì tôi nghĩ rằng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với cộng đồng. Và rất nhiều người có thể trở thành nạn nhân của hoạt động này đó là điều rất đáng tiếc.
Câu lạc bộ Tình Người và Công ty (thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng) có thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam không?
- Về bản chất, đây là nhóm tín ngưỡng mới mà tôi tạm gọi là tín ngưỡng phi pháp. Đứng về góc độ Phật học thì đó là một tà phái, tức là chủ trương sai, lợi dụng danh nghĩa của Phật giáo để cho người ta dễ tin và do đó có thể thu lợi ích từ niềm tin, sự thiếu hiểu biết đó.
Về phương diện hành chính, nhóm CLB này chưa từng là thành viên của GHPG Việt Nam. Do đó mọi danh nghĩa được vay mượn từ Phật giáo được xem là không chấp nhận được. Và tất cả các hoạt động tôn giáo dù là phong trào tôn giáo mới mà chưa được luật pháp Việt Nam công nhận thì việc sinh hoạt đó ngoài chuyện phi pháp, còn là hoạt động tà giáo thì điều này rất nguy hại đến văn hoá Việt Nam, cũng như có thể tạo rất nhiều ảnh hưởng xấu và tiêu cực đối với những người nhẹ dạ cả tin vào những hoạt động tôn giáo phi pháp của CLB Tình Người này.
Nội dung chính trong sách được gọi là “pháp bảo” và các buổi chia sẻ cho học viên của CLB Tình Người có phải là giáo lý đạo Phật không?
- Như tôi vừa nói, họ vay mượn giáo lý đạo Phật để dễ dàng thu hút mọi người đi theo, nhất là một số quần chúng, Phật tử ở miền Bắc, dễ dàng bị vướng vào cái bẫy vay mượn này. Tôi xin đơn cử cái tác phẩm 'pháp bảo' mà họ đã xuất bản 50-60.000 quyển, hầu như trang nào có đề cập đến Phật giáo là có sai lầm ở trang đó.
Tôi đưa ra một ví dụ, khi nói về nguồn gốc của các Đức Phật thì quyển sách này cho rằng Nhiên Đăng Cổ Phật xuất thân từ Việt Nam, như vậy đạo Phật thì Việt Nam là đạo Phật gốc, còn đạo Phật Ấn Độ là sau đó.
Đây là thông tin phi lịch sử, phi khoa học, trái ngược lại với tất cả những bằng chứng lịch sử, tạo ra những ngộ nhận rất lớn. Nhất là người ta có thể ngộ nhận về đạo Phật ở Việt Nam và coi những người chủ trương tà phái này là đại diện đạo Phật ở Việt Nam thì sẽ làm cho quần chúng cuồng tín và thần bí họ, tôn sùng họ. Điều này là nguy hại cho cộng đồng.
Đơn cử thứ hai khi đề cập đến tuổi thọ của Chánh pháp thì quyển này nói rằng đạo Phật, Đức Phật Thích Ca bị mắc kinh, tổn giảm... nên chân lý của đạo Phật không được đảm bảo. Đây là thông tin sai lầm.
Hiện nay trong Kinh Tạng Ba ly chúng ta còn hơn 17.000 bài kinh, Kinh A Hàm cũng khoảng 17.000 bài kinh, Kinh Điển Đại Thừa có hơn 3.000 bài kinh. Chúng ta có khoảng 38.000 bài kinh. Đây là nguồn dữ liệu kinh văn rất phong phú so với nhiều tôn giáo khác trên toàn cầu.
Nhóm tác giả này rất thiếu kiến thức nền tảng cho rằng kinh Phật đã mất 1 quyển ở Miến Điện,.. cho tháy kiến thức Phật pháp kém. Nói chung bất cứ một nội dung gì đề cập đến Phật giáo không sai 1 lỗi thì sai 10 lỗi khác nhau. Tôi mong muốn NXB Hồng Đức sớm thu hồi giấy phép của quyển sách này.
Không có thời gian để phân tích nhiều, nhưng những tư liệu mà tôi tiếp cận được về cuốn "pháp bảo" của CLB thì tôi thấy trang nào cũng có sai về Phật giáo.
Việc lợi dụng mê tín dị đoan của một số tổ chức, cá nhân gần đây (nhân danh các tôn giáo) gây ảnh hưởng thế nào đến đời sống vật chất và tâm linh của xã hội?
- Về phương diện kinh tế, những tà giáo, tà đạo cấy nỗi sợ hại của con người về những thứ mà họ không biết sau đó chi phối đời sống tinh thần của người đó bằng cách là yêu cầu những người này đóng góp 1 khoản tiền để mua các dụng cụ tôn giáo, tiến hành các nghi lễ tôn giáo để xoá nghiệp, xoá niềm đau, xoá những thử thách trong đời của con người.
Đối với những người có tiền bạc thì việc bỏ một khoản tiền mua sự bình an thì rất là rẻ còn đối với những người nghèo thiếu hiểu biết thì họ đi vay nóng dẫn đến tình trạng nợ nần chồng chất, nhiều trường hợp bị giang hồ đến xử.
Về kinh tế gia đình thì bất cứ một gia đình nào có người tin vào tà phái, tà đạo thì đều dẫn đến sự xáo trộn. Gia đình đang yên ấm hạnh phúc, một hành động mê tín sẽ làm cho gia đình tranh chấp, cãi vã, ly tán, thậm chí là ly dị, tán gia bại sản.
Về phương diện nhận thức, khi một niềm tin sai lầm đã bị cấy vào trong bộ não của con người dưới hình thức hù dọa để tạo nên sự sợ hãi thì người ta bị chi phối rất lâu dài cho đến khi có nguồn thông tin đúng liên tục giải thích, chứng minh thì người ta mới tẩy não được, bằng không hậu quả nghiêm trọng đối với những người mê tín có thể kéo dài đến vài năm, chục năm thậm chí là một kiếp người. Đây là một điều đáng tội nghiệp đối với cộng đồng.
Với ba góc độ nêu trên thì tác hại cho gia đình, tác hại cho xã hội và tác hại cho cá nhân và cả những người tin vào tà thuyết này là rất lớn nên tôi mong các cơ quan chức năng nhập cuộc, bao gồm các cơ quan pháp lý, cụ thể là Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo TP Hà Nội, NXB Hồng Đức sớm nhập cuộc khép lại hoạt động phi pháp, để không tạo ra những hậu quả xấu đối với cộng đồng nhẹ dạ cả tin.
Trân trọng cảm ơn Thượng tọa!

Các hoạt động của CLB Tình Người có phải là truyền bá mê tín dị đoan không, thưa Thượng tọa?

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Nếu xét về nội dung thì nó còn hơn là truyền bá mê tín dị đoạn. Vì truyền bá mê tín dị đoạn, thứ nhất là nói những điều sai về chân lý, sai về sự thât và vay mượn những hình ảnh của Phật giáo để truyền bá những điều trái với Phật giáo, chống lại Phật giáo thì tôi cho là rất nguy hại.

Ở mức độ của luật pháp thì đây là các hoạt động phi pháp vì chưa từng xin phép và chưa từng được phép sinh hoạt, lấy danh nghĩa là CLB, là công ty nhưng thực tế toàn là các hoạt động mê tín mặc dù công ty mang tên là “Phát triển trí tuệ cộng đồng”. Người nào đi theo thì từ việc có kiến thức sẽ trở thành mê tín, từ mê tín ít thành mê tín nhiều, từ việc hiểu sai thành việc hiểu cuồng. Và dẫn đến nhiều kiến thức bế tắc.

Tôi cho rằng đây không những là mê tín dị đoan mà còn là tà phái, tà đạo, tà giáo mà cộng đồng cần lên tiếng để các hoạt động này phải dừng lại.

Theo Nhóm PV/Đại Đoàn Kết

>> xem thêm

Bình luận(0)