|
Nhà vệ sinh trước khi bị phá bỏ |
Những ngày qua, dư luận tỉnh Bình Dương xôn xao khi xuất hiện thông tin nhà vệ sinh miễn phí xây 1,6 tỉ đồng trên phần đất của Chùa Bà Bình Dương (tên chính thức là Miếu bà Thiên Hậu thuộc phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một) bất ngờ bị đập bỏ sau một năm vận hành. Thay vào đó, là một công trình... tương tự.
Đáng nói hơn trên một số tờ báo, chủ đầu tư nhà vệ sinh bị phá bỏ cho rằng nguyên nhân do họ không được lòng cán bộ.
Cụ thể, ông Lê Văn Hiệp (Giám đốc Công ty Kim Hoàng Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam)-người sáng kiến và xây dựng công trình kể trên với kinh phí 1,6 tỷ đồng, khi phát biểu trên một số tờ báo, đã cho rằng phía chùa Bà đập bỏ nhà vệ sinh do ông đầu tư, "do có cán bộ nào đó ghét hiệp hội nên gây sức ép với ban trị sự nhà chùa".
Ông Hiệp cũng cho rằng, nhà vệ sinh miễn phí, được đầu tư tiền tỷ là tâm huyết của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam. Thế nên khi bị đập bỏ, ông và các thành viên Hiệp hội rất bức xúc.
Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Lộc Hà – Chủ tịch UBND TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương), cho biết: Nói việc đập bỏ nhà vệ sinh do "doanh nghiệp không được lòng cán bộ" là điều hết sức vô lý.
Theo ông Lộc Hà, khu đất dùng để xây nhà vệ sinh thuộc đất của chùa Bà quản lý. Thế nên chính quyền không có quyền can thiệp nếu công trình được cấp phép đàng hoàng.
|
Chùa Bà xây dựng lại nhà vệ sinh phù hợp hơn để phục vụ người dân hành hương |
“Nhà vệ sinh bị đập bỏ để xây mới một công trình khác, đó là việc của doanh nghiệp và chùa Bà chứ chính quyền không can thiệp. Nói doanh nghiệp bị cán bộ ghét rồi gọi người đến đập bỏ công trình là điều phi lý. Những thông tin đưa ra thiếu chính xác sẽ dễ gây hiểu lầm giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền. Thành phố Thủ Dầu Một nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung đang nỗ lực thực hiện đô thị xanh, sạch, đẹp. Do đó, chính quyền luôn ủng hộ và kêu gọi doanh nghiệp hợp sức để làm đẹp quê hương không được chứ nói gì đến chuyện gây khó”, Chủ tịch UBND TP. Thủ Dầu Một nói.
Lãnh đạo thành phố Thủ Dầu Một cũng cho biết thêm, ông Lê Văn Hiệp có xin một số địa điểm để đặt nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án chưa có kế hoạch chi tiết, cụ thể. Do đó, cơ quan chức năng rất khó để có căn cứ xét duyệt. Mặt khác, những vị trí xin đặt nhà vệ sinh là đất công nên không thể "cứ xin là cấp được mà phải thông qua rất nhiều đơn vị".
“Chính quyền trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư lành mạnh, có tính xây dựng để giúp địa phương ngày càng văn minh hiện đại. Ngược lại, địa phương không cần các nhà đầu tư không vì mục đích chung”, ông Nguyễn Lộc Hà – Chủ tịch UBND TP. Thủ Dầu Một nói.
Liên quan đến vụ việc, ông Lê Vĩnh An - Phó Ban Trị sự chùa Bà cho biết: Ban trị sự đập bỏ nhà vệ sinh do ông Hiệp đầu tư với lí do thiết kế và trang thiết bị bên trong không phù hợp với nhu cầu thực tế. Cụ thể, những thiết kế của nhà vệ sinh do công ty Kim Hoàng Hiệp xây dựng không tiện, không gian hẹp nhưng chiếm nhiều diện tích đất, trang thiết bị hay bị hư hỏng. Bên cạnh đó phần móng của nhà vệ sinh này không bền nên phải đập bỏ để xây lại một công trình tương tự đáp ứng nhu cầu.
Ông An cũng cho biết, việc phá bỏ nhà vệ sinh do doanh nghiệp xây dựng là hoàn toàn khách quan không có việc chùa chịu sức ép nào từ chính quyền địa phương hay bất cứ ai.
Ông Lê Văn Hiệp cho rằng, công trình nhà vệ sinh miễn phí do Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam bỏ ra 1,6 tỷ đồng để xây dựng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, công trình nhà vệ sinh được Công ty Kim Hoàng Hiệp do ông Hiệp làm Giám đốc, khởi công xây dựng vào đầu năm 2018. Đến cuối năm 2018, ông Hiệp vận động và được chấp thuận thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam do ông làm Chủ tịch hiệp hội. Vào năm 2018, trong quá trình xây dựng nhà vệ sinh đã sai với thiết kế nên bị cơ quan chức năng đề nghị ngưng, nhưng sau đó công trình vẫn được thực hiện.