Sáng 14/1, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành 6 chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao trong năm 2022. Đặc biệt, chính sách chăm lo người có công với cách mạng được hoàn thiện, triển khai kịp thời, hiệu quả. Việc giải quyết hồ sơ công nhận người có công còn tồn đọng tiếp tục được thực hiện tốt, không bỏ sót người có công cũng không để ai lợi dụng chính sách.
Trong năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã làm tốt công tác kết nối, phục hồi thị trường LĐ sau ảnh hưởng dịch COVID-19, đảm bảo việc làm và nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Bộ LĐ-TB&XH cũng có nhiều nỗ lực, làm tốt công tác giảm nghèo, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, người cao tuổi; hoàn thiện thể chế, sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế…
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH trong triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
|
Đặc biệt, trong năm 2022, công tác an sinh xã hội, hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19 đã được ngành LĐ-TB&XH triển khai hiệu quả, với tổng số tiền hỗ trợ giải ngân đạt trên 100.000 tỷ đồng.
“Nước ta còn nghèo, không thể hỗ trợ tất cả mọi người như các nước phát triển, nên phải lựa chọn hỗ trợ những người cần nhất. Việc triển khai chính sách hỗ trợ an sinh hậu dịch COVID-19 tới gần 69 triệu lượt người, trên 1,4 triệu lượt doanh nghiệp là nỗ lực rất lớn của ngành LĐ-TB&XH”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ một số hạn chế ngành LĐ-TB&XH cần cố gắng trong năm 2023, như chỉ tiêu tăng năng suất LĐ chưa đạt kỳ vọng, mục tiêu đề ra, điều này có phần trách nhiệm của ngành lao động. Tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em có chiều hướng tăng, còn xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng gây bức xúc xã hội…
Năm 2023, Thủ tướng lưu ý ngành LĐ-TB&XH xác định rõ khó khăn còn tiếp tục, kinh tế toàn cầu sụt giảm làm ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp Việt mất đơn hàng sẽ dẫn tới mất việc làm.
“Thị trường lao động năm nay sẽ chịu nhiều tác động của kinh tế thế giới, chúng ta biết trước để chủ động có giải pháp, quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Ngành LĐ-TB&XH cần nắm sát thực tế để có chính sách phản ứng nhanh và hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động. Phát triển hệ thống an sinh đa tầng, hiện đại, công bằng, bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành liên quan để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
“Bộ LĐ-TB&XH phải xây dựng tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu quả, trong sạch, chống tiêu cực, tham nhũng. Nếu bộ máy cồng kềnh, lắm tầng nấc sẽ sinh ra tiêu cực. Các bộ theo trách nhiệm phải rõ, không đá lên đá xuống, đá bóng có thể rê dắt còn công việc không thể vậy được. Dứt khoát, cấp nào làm cấp đó chịu trách nhiệm, không đá đi đá lại”, Thủ tướng nói.