Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”

Google News

Thủ tướng nhấn mạnh về phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Chính phủ coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. 

Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ Nhân dân
Sáng 24/3, trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ".
Thu tuong Nguyen Xuan Phuc: “Lay nguoi dan, doanh nghiep la trung tam phuc vu”
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 ập đến tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới và các quốc gia. Trong khi đó, cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước, đối tác lớn ngày càng gay gắt. Cạnh tranh thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Khoa học công nghệ phát triển rất nhanh cùng với chuyển động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động sâu rộng đến kinh tế và nhịp sống của các quốc gia.
Ở trong nước, kế thừa thành tựu 35 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh. Từ quyết định của Đổi mới năm 1986 đến sự nỗ lực bền bỉ không ngừng nghỉ của những thập niên sau đó đã đưa nước ta thoát nghèo; từ kém phát triển, trở thành nước đang phát triển và hiện nay Việt Nam có tên trong Nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Những quyết sách của chúng ta hôm nay sẽ nối tiếp tạo nền tảng để tiến lên thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào giữa thế kỷ 21.
Nhắc lại câu tục ngữ “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng cho biết, trong 5 năm qua chúng ta đã đoàn kết cùng nhau khắc phục nhiều hạn chế, bất cập nội tại và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
"Thiên tai, nhân tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại rất nặng nề, nhất là sự cố ô nhiễm môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016, dịch tả lợn châu Phi năm 2019, hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ lịch sử ở miền Trung; đặc biệt là đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động mạnh đến mọi mặt đời sống xã hội; sản xuất kinh doanh đình trệ; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập; hoạt động văn hóa, xã hội và đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng" - Thủ tướng nêu rõ.
Trong bối cảnh đó, kế thừa những thành quả to lớn và kinh nghiệm quý trong quản lý, chỉ đạo điều hành từ các nhiệm kỳ trước, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và tình hình thực tiễn, với phương châm “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân”, Chính phủ, Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp.
Chính phủ, Thủ tướng chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển, huy động và giải phóng mọi nguồn lực, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn và trung hạn, vừa tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững trong dài hạn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Chính phủ coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc loại bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, chúng ta đã "chống dịch như chống giặc", quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
"Thành công trong phòng chống đại dịch COVID-19 thời gian qua của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là yếu tố có ý nghĩa quyết định, tạo môi trường thuận lợi cho ổn định và phát triển đất nước; đồng thời cũng là minh chứng cho sự nỗ lực vượt khó, tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự phấn khởi trong toàn xã hội và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao", Thủ tướng nói.
Với tinh thần bám sát thực tiễn, giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.
15 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình thế giới, khu vực và trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ xác định phương châm hành động năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”.
Nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm tới và sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển về tầm nhìn 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, góp phần kỷ niệm 100 năm thành lập nước; trong đó tập trung vào một số phương hướng, nhiệm vụ sau:
1. Chủ động xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, với những nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, có tính đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2021-2025, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025.
2. Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đáp ứng mục tiêu xây dựng nền hành chính nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân ngày càng thực chất, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa.
3. Tập trung rà soát, khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là về đầu tư, kinh doanh, đất đai, hạ tầng; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, minh bạch và ổn định gắn với nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ cương xã hội; tập trung nguồn lực, tổ chức thực hiện nghiêm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết.
4. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
5. Tập trung rà soát, cải cách TTHC nội bộ, gắn với việc đẩy mạnh xây dựng nền hành chính phi giấy tờ và công chức điện tử. Thực hiện hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
6. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự phát triển và vận hành của nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập quốc tế; kiên định mục tiêu ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển KTXH.
7. Tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án, công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia, nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số.
8. Xây dựng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành, hình thành chuỗi giá trị và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và cơ chế điều phối đủ mạnh cho phát triển vùng. Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo.
9. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dựa trên thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ động xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, thu hút các công nghệ mới, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
10. Gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với xã hội, phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
11. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
12. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân.
13. Gắn kết chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh, tạo môi trường hoà bình và ổn định cho phát triển đất nước.
14. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp hành sự giám sát của Quốc hội. Phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị nội dung, xây dựng và thực hiện chương trình các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
15. Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các quy chế phối hợp có liên quan; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2021- 2025.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ nhận thức rằng, những kết quả chủ yếu đạt được, những ưu điểm, hạn chế và bài học kinh nghiệm được đánh giá, rút ra cũng như một số kiến nghị về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới không chỉ là tổng kết, kiểm điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ, mà còn là cơ sở để Chính phủ nhiệm kỳ tới và các cơ quan trong hệ thống hành chính, chính quyền các cấp nghiên cứu, tham khảo trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Nhiều điểm mới trong công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp

Mô tả video


Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)