Thủ tướng “bắt bệnh” tham nhũng, “ôm việc lên trên, ngại việc phía dưới”

Google News

(Kiến Thức) - Vấn đề tham nhũng, tình trạng ôm việc lên trên, cán bộ chậm giải quyết gây phiền hà...được ĐBQH chỉ mặt đặt tên và Thủ tướng đã đưa ra những giải pháp để xử lý.

Nâng lương cho cán bộ để … chống tham nhũng
Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng, tham nhũng là vấn đề mang tính phổ biến nước nào cũng có và khi có tham nhũng thì kiên quyết chống bằng được. Thượng tọa nói rằng, thời gian qua các cơ quan của trung ương, đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư đã quyết liệt chỉ đạo chống tham nhũng đạt được hiệu quả cao, được nhân dân cả nước đánh giá cao. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là “phần trên”, còn “phần dưới” mới là phần gây nhiều bức xúc, nhũng nhiều cho dân. Bởi "quan tham, lại nhũng", có nghĩa là quan thì tham, lại phải nhũng.
Trả lời câu hỏi của Thượng tọa Thích Thanh Quyết về giải pháp nào mang tính đột biến, mang tính tổng hợp để chống tiêu cực, tham nhũng đang nghiêm trọng đe dọa đến sự tồn vong của chế độ ta hiện nay? Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nhất trí rằng, tham nhũng không chỉ ở Việt Nam mà diễn ra trong phạm vi toàn cầu.
Thu tuong “bat benh” tham nhung, “om viec len tren, ngai viec phia duoi”
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
“Đảng ta coi nhiệm vụ chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng, chính vì vậy Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo. Vừa qua chúng ta đã làm được nhiều việc, từ xây dựng thể chế đến điều tra những vụ việc cụ thể và xử lý nghiêm” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn chính Luật Phòng, chống tham nhũng, làm sao tinh thần "không thể, không nên và không có" trong vấn đề phòng, chống tham nhũng này. Bên cạnh việc giáo dục cán bộ, công chức, giám sát việc tổ chức thực hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, trước hết là các cơ quan trung ương, các cơ quan ở địa phương cần làm gương mạnh mẽ vấn đề này.
“Lần này chúng ta phải tính toán việc xem xét, nâng lương cho cán bộ, công chức. Đây là cũng biện pháp cần thiết trong tình hình tham nhũng vẫn đang diễn ra” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Vẫn còn tình trạng “ôm việc lên trên, ngại việc phía dưới”
ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đã đề cập đến vấn đề về việc phân định trách nhiệm, quyền hạn của từng cấp chính quyền, của từng cá nhân trong hoạt động thực tiễn mà ông cho rằng rất nhiều vấn đề.
“Hình ảnh Phó Chủ tịch quận phải xắn tay đi dẹp việc lấn chiếm vỉa hè, những việc cấp huyện, cấp xã phải có ý kiến của Thủ tướng mới được giải quyết dứt điểm xảy ra không hiếm. Tình trạng trên phản ánh tính thiếu hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã”, Đại biểu Hiển nói.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hiểu về giải pháp đột phá mạnh mẽ gì để mỗi cán bộ, công chức, nhất là cấp chính quyền cơ sở thực hiện đúng, đủ hiệu quả chức trách công vụ của mình?, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vấn đề này Thủ tướng rất thấm thía.
“Bây giờ phân cấp giao quyền của chúng ta còn nhiều vấn đề trong luật pháp cũng như trong cụ thể, tình trạng ôm việc lên trên, ngại việc phía dưới còn rất nhiều, cho nên phải tiếp tục phân cấp giao quyền mạnh mẽ hơn, trách nhiệm cá nhân phải rõ hơn trong chỉ đạo thực tiễn” – Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cũng nói rằng, giải pháp chúng ta đã đưa ra nhiều nhưng việc xử lý nghiêm các cá nhân đứng đầu kịp thời hơn để làm rõ trách nhiệm cá nhân trong xử lý giải quyết công việc được giao rất quan trọng. Người cầm đầu rất quan trọng ở các bộ ngành, các địa phương.
“Chúng ta sẽ trình Quốc hội việc phân cấp giao quyền theo luật pháp để hệ thống chúng ta kỷ cương phù hợp hơn với đất nước, ở trên Trung ương phải làm những việc vĩ mô thế nào, ở dưới địa phương cấp tỉnh phải làm gì, cấp huyện, cấp xã phải tiếp tục phân cấp rõ hơn như thế nào. Tất cả những việc đó chúng tôi sẽ lắng nghe tiếp thu và triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới” – Thủ tướng cho biết.
Nói về việc còn tình trạng sính bằng cấp mà không chọn người tài, Thủ tướng cho biết: “Đây là một thực tiễn xã hội chúng ta, đây là một quá trình nhận thức trong hệ thống của chúng ta. Người thực tài, người thực, việc thực, giữa lời nói và hành động, tư duy và hành động rất cần thiết chứ không phải chỉ bằng cấp, bằng cấp là một tiêu chuẩn cần thiết, không phải tất cả. Đây cũng là vấn đề rút kinh nghiệm chung trong nhận thức và hành động của hệ thống chúng ta”.
Có cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu… “lót tay” khó tố cáo
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho biết, thực tế vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là doanh nghiệp kêu và than phiền về việc bị chậm giải quyết các việc của mình và có sự gây phiền hà, nhũng nhiễu, thậm chí có lót tay mà người trong cuộc rất khó tố cáo, chỉ điểm vì sợ ảnh hưởng đến công việc của mình. Vấn đề này đang làm ngược lại sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính và thủ tục hành chính.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng một bộ phận cán bộ chậm giải quyết gây phiền hà nhất là thủ tục hành chính, có 4 nguyên nhân rất quan trọng. Đó là tinh thần trách nhiệm của người cán bộ đó; Hai là hiểu biết về vấn đề của cán bộ đó; Ba là kể cả việc anh biết rồi nhưng anh sợ mất chức, mất quyền, sợ mất an toàn nên anh không dám quyết; Bốn là tình trạng mọi việc tốt hết, biết hết nhưng tình trạng tham nhũng tiêu cực xảy ra trong bộ phận cán bộ nên chậm lại cải cách hành chính.
“Những nguyên nhân này sẽ được phân tích kỹ hơn trong quá trình giải quyết, nhất là thủ tục hành chính và trên tinh thần đó nếu cán bộ nào, nhất là những đơn vị làm thủ tục cho dân, cho doanh nghiệp mà chậm trễ, nhũng nhiễu, kéo dài thì phải được thay thế ngay để tình trạng lót tay, nhũng nhiễu chậm trễ này sẽ được giải quyết. Vì thế kiểm tra đôn đốc, vấn đề công khai, minh bạch, vấn đề áp dụng trung tâm hành chính công ở một số địa phương như tỉnh Quảng Ninh hay một số tỉnh đã triển khai là thấy rất cần thiết” – Thủ tướng cho biết.
Vẫn còn tình trạng lạm dụng xã hội hóa, làm gánh nặng cho người dân:
Trả lời đại biểu QH về vấn đề xã hội hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta phải xã hội hóa mạnh mẽ dựa vào người dân. Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân cùng làm với chúng ta thì chúng ta mới thành công. Cho nên vừa qua nhiều nguồn lực được huy động từ dân để phát triển đất nước.
“Tôi đồng ý có tình hình là vẫn còn tình trạng lạm dụng xã hội hóa, làm gánh nặng cho người dân. Ví dụ, trẻ em thu còn cao trong trường học, hay trẻ em mới sinh cũng phải đóng phí thế này thế khác là chuyện hết sức vô lý. Cho nên các bộ, ngành có chức năng và Chính phủ phải có thể chế minh bạch, công khai, huy động trong dân một cách hợp lý hơn không vì chuyện xã hội hóa mà đè gánh nặng lên cho người dân. Chúng ta nói vì dân nhưng phải huy động phù hợp, thiết thực mang lợi ích cho người dân của chúng ta thì chúng ta mới huy động. Cũng như thu phí BOT giao thông mức độ vừa phải phù hợp sức chịu đựng của người dân nên số năm thu hồi phí cũng như tổng mức đầu tư phải được kiểm soát rất chặt chẽ để không ảnh hưởng đến quyền lợi người dân” – Thủ tướng nói.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)