Chưa đủ cơ sở khoa học để đưa ra kết luận nguồn gốc, chủ nhân... của hiện vật
Thông tin bà Bùi Thị Hiền ở (thôn Hạ Đồng, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) tìm được mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ngay trên vườn nhà khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều suốt thời gian qua. Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch vừa có công văn gửi UBND TP Hải Phòng đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ.
Trong công văn số 704/BVHTTDL-DSVH do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký ngày 27/2/2017 về việc nghiên cứu ngôi mộ cổ mới phát tích tại huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) nêu rõ: “Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch nhận được công văn số 1126/VPCP-KGVX ngày 10/2/2017 của Văn phòng Chính phủ chuyển văn bản của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả hội thảo khoa học: “Về ngôi mộ cổ mới phát tích tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng”, về việc này Bộ Văn hóa Thể thao& Du lịch có ý kiến như sau”.
|
Ngôi mộ trong vườn nhà bà Hiền được cho là mộ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. |
Theo thông tin mà Bộ VHTTDL có được đến thời điểm hiện tại, từ năm 2014, người dân huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đã phát hiện trong vườn nhà hiện vật được một số nhà nghiên cứu và Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người cho là có liên quan đến danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hiện vật bị lưu lạc cho đến tháng 12/2016 mới được Bảo tàng Hải Phòng tiếp nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Những thông tin có được cho thấy, quá trình phát hiện cũng như việc tổ chức bảo vệ, nghiên cứu hiện vật sau khi được phát hiện chưa đủ cơ sở khoa học để đưa ra kết luận nguồn gốc, chủ nhân... của hiện vật.
Vì vậy, Bộ VHTTDL đề nghị UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các cơ quan chức năng tiếp tục thu thập đầy đủ thông tin về quá trình phát hiện hiện vật. Đồng thời xây dựng kế hoạch mời các nhà khoa học, các tổ chức có đủ chức năng để tiến hành nghiên cứu (nếu cần thiết có thể tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ theo quy định), bảo vệ hiện vật một cách bài bản, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc khoa học trước khi báo cáo UBND TP Hải Phòng và Bộ VHTTDL xem xét quyết định”.
Thông tin từ một cuộc khai quật mộ
Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Người đời coi ông là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam đồng thời lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông và gọi chung là Sấm Trạng Trình.
Để tưởng nhớ và khắc ghi những đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm, con cháu và dân làng đã xây dựng một khu di tích gồm nhiều hạng mục công trình để thờ cúng và trưng bày hiện vật về thân thế, sự nghiệp của ông tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Di tích này sau đó Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia năm 1991. Hàng năm, hàng nghìn du khách đã đến đây để tưởng nhớ công lao của ông. Tuy nhiên, phần mộ của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đến nay vẫn còn là điều bí mật.
Tháng 3/2014, dư luận địa phương rộ lên thông tin bà Bùi Thị Hiền (thôn Hạ Đồng, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) tìm được mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ngay trên vườn nhà. Nhiều con nhang đệ tử đã đến coi bà Hiền như hiện thân của Trạng Trình.
Theo lời bà Bùi Thị Hiền, đầu năm 2014, bà Hiền được vong của một người tên là Bình nhập vào và báo rằng có một ngôi mộ ở ngay cạnh sân nhà. Việc khai quật phải chọn người cẩn thận và được thực hiện vào ngày trời mưa. Đến đầu tháng 3 âm lịch năm 2014, sau khi quần nát sân nhà bà Hiền, một số người đã đào được một chiếc quan tài bằng gỗ màu đỏ, một số phần đã bị mục nát ở độ sâu 2 mét ngay tại vườn nhà. Trên quan tài có khắc chữ Nho; tiểu màu đỏ và cũng khắc chữ Nho. Khi bật nắp, ở bên trong quách vẫn còn nguyên bộ hài cốt. Tuy nhiên, khi di chuyển bộ hài cốt sang chiếc tiểu sành mới, nhiều xương tự vụn ra, còn lại xương đầu và một ít xương chân không bị nát vụn. Gia đình bà Hiền đã an táng bộ hài cốt ngay tại vị trí đào được quách gỗ nhưng điều chỉnh hướng cho hợp phong thủy và xây thành mộ phần để thờ cúng. Còn lại chiếc quách gỗ được mấy người bạn của bà đưa lên Hà Nội nghiên cứu vì nghi là mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Chiều 22/2/2017, bà Bùi Thị Hiền xin địa phương cho đào một ngôi mộ được cho là mộ cổ trong vườn nhà. Ngôi mộ cũng có kích thước tương tự ngôi mộ bà Hiền tìm thấy năm 2014 và cho là mộ của Trạng Trình. Cuộc khai quật có sự chứng kiến của PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam và PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, cùng chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sau khi khai quật, PGS-TS Nguyễn Lân Cường khẳng định đây là mộ của một trẻ em.
Hơn nữa, theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, khu vực mà bà Bùi Thị Hiền khẳng định tìm thấy mộ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trước đây vốn là một nghĩa trang. Thông tin này được ông Trần Rường, nguyên Bí thư huyện ủy Vĩnh Bảo xác nhận. Ông Rường cho biết: “Thực chất mảnh đất nhà tôi đang ở và chỗ con dâu tôi đang thờ cúng trước kia là nghĩa trang. Những năm 1980, sau khi tôi về hưu, trở về địa phương, tôi đã xin ý kiến của các anh bên phía UBND xã cho phép cải tảo nghĩa trang gần nhà mình để mở rộng diện tích đất ở và được các anh ấy đồng ý. Khi tôi cải tạo, tôi đã đào được 38 ngôi mộ và đem đi chôn cất ở nghĩa trang của xã. Những ngôi mộ hiện nay là những ngôi mộ còn xót lại mà tôi chưa đào hết. Hơn nữa, mảnh đất Hạ Đồng là đất có nhiều người Hoa đến làm ăn, sinh sống. Khi họ chết, họ chôn cất ở khu đất nhà ông Rường đang ở. Chính vì thế, các quan tài hầu hết có chữ Nho”.
Chính quyền địa phương nói gì trước thông tin về mộ cụ Trạng?
Nói về việc trên, ông Phạm Ngọc Điệp, Trưởng phòng Văn hóa huyện Vĩnh Bảo khẳng định: “Không có căn cứ để nói ngôi mộ bà Hiền tìm được ở xã Cộng Hiền là mộ Trạng Trình. Đó nguyên là một nghĩa trang, việc nhiều mộ là tất yếu. Hơn nữa, theo bàn giao của bà Hiền với Bảo tang TP Hải Phòng, lòng trong của mộ rộng có 15cm thì làm sao có thể đưa thi thể một người lớn vào được? Các cơ quan chuyên môn cần phải xác minh việc này”.
Ông Nguyễn Văn Quyn, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo, cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo lập biên bản vi phạm hành chính và xóa tụ điểm mê tín dị đoan ở nhà bà Hiền. Trước kia bà Hiền chủ yếu làm nghề áp vong tìm mộ. Năm 2014, bà cho rằng tìm được mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rồi mấy nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người cùng một số người nữa mang quan tài đó đi nghiên cứu, rồi thông tin tìm được mộ Trạng Trình lan truyền, gây ảnh hưởng tới địa phương. Việc bà Hiền lợi dụng việc này để hoạt động mê tín dị đoan sẽ được xử lý”.
|
Công văn của Bộ VHTTDL. |
Ông Đoàn Văn Chung - Chủ tịch UBND xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo cho rằng, chính quyền địa phương không nắm được việc một số người dân đào được mộ tại nhà bà Hiền ở thôn Hạ Đồng. Hơn nữa, việc họ làm cũng không thông báo với địa phương. Thông tin tìm được mộ cụ Trạng chỉ là đồn thổi, chúng tôi mới được xem trên mạng. Mình là người nhà nước mình phải tin vào khoa học, khi nào có kết luận chính xác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì chúng tôi mới tin đó là mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Cùng quan điểm với ông Chung, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND xã Lý Học, địa phương quê nhà của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khẳng định: “Thông tin tìm thấy mộ cụ Trạng là không có căn cứ. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng làm rõ thông tin này để tránh gây hoang mang trong dư luận địa phương”.