Thợ săn khát máu và tiếng súng giữa đêm vắng nơi “vương quốc lợn rừng”

Google News

Đoàng. Một tiếng nổ đanh gọn. Con lợn hộc lên rồi ngã chúi mõm xuống bất động.

Mời độc giả xem video: Dấu chân lợn rừng chi chít trên đỉnh Pờ Ma Lung.

(Nguồn VTC news)

Sau khi xem xét dấu chân con lợn rừng độc chiếc khổng lồ quẩn quanh ở vườn thảo quả, thì trời sẩm tối, chúng tôi quay về lán ăn tối. Rượu thịt ề hề, ăn uống no nê. Sùng A Khứ cả đời sống trong rừng, chữ nghĩa không biết, nhưng kiến thức về các loài thú thì như một chuyên gia.
Theo Khứ, lợn rừng ở khu vực Lai Châu gồm có 3 loại chính là lợn bạc má, lợn độc chiếc và lợn sọc dưa. Lợn bạc má thịt hôi rất khó ăn nếu không biết chế biến. Lợn độc chiếc rất lớn, chúng có thể nặng tới 200kg. Lợn sọc dưa tuy nhỏ song thịt lại cực ngon và chúng thường đi theo đàn, có thể săn được vài con nếu tìm thấy đàn của chúng.
Ngày xưa, khi khắp tây bắc cũng như Lai Châu còn bạt ngàn rừng xanh thì lợn rừng là loài đông đúc nhất. Có khi chúng đi đàn tới cả trăm con tràn về phá nương của bà con. Chúng là loài vật phá hoại hoa màu ghê gớm, sinh đẻ rất khoẻ. Chính vì sinh đẻ khoẻ, lại dễ thích nghi với mọi điều kiện sống nên chúng còn khá nhiều.
Tho san khat mau va tieng sung giua dem vang noi “vuong quoc lon rung”
 Dấu chân con lợn rừng độc chiếc, áng chừng nặng tới 1,5 tạ.
Tuy nhiên, rừng bị tàn phá khắp nơi, người ngày càng đông đúc, thợ săn tận diệt, nên chúng ngày một ít đi. Bầy lợn rừng còn sót lại kéo vào rừng sâu, trèo lên tận đỉnh các mỏm núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn lạnh giá để náu mình, sống sót trước sự tàn ác của con người.
Lợn rừng thường đi ăn vào buổi chiều và sáng sớm, chúng cũng thường xuyên đi ăn đêm nếu ngày ăn chưa no. Chúng có bộ da khá dày, nanh khoẻ nên ăn đủ mọi thứ củ quả, kể cả ốc sên, cá, giun, dế...
Lợn rừng là loại động vật khá tinh khôn, song khi chúng đã tranh giành ăn mồi thì sẽ mất cảnh giác. Lúc chúng đang mải ăn mồi hoặc tranh giành nhau thì có thể bắn được vài con bằng một phát đạn súng kíp. Chình vì đặc tính háu ăn nên đồng bào thường bẫy được lợn rừng khi chúng vào nương phá hoa màu.
Đám thợ săn thường gặp lợn rừng ở triền suối vào lúc sáng sớm hoặc chiều tà. Chúng thường ủi đất tìm giun, dế, quả khô, măng tre, nứa. Ban đêm thì mò vào nương rẫy. Có hai cách săn lợn rừng là theo dấu vết hoặc rình bắn. Dấu vết lợn rừng gồm dấu chân, dấu nơi mới ăn, dấu bùn đất nơi chúng dầm mình. Cách thứ hai là xác định nơi chúng ăn để đêm rình rồi bắn.
Sùng A Khứ vạch một đám đất tơi xốp và giảng cho tôi cách nhận biết vết chân lợn rừng. Lợn đực có dấu chân nhỏ, dấu chân trước lớn hơn dấu chân sau, phía gót rộng, đầu móng rất tròn. Vết chân sau thường đè lên vết chân trước. Lợn cái có vết chân trước và sau bằng nhau, hai đầu móng chân nhọn, gót chân hẹp hơn, ít để lại dấu hai móng phụ trên đất. Lợn đực càng già thì dấu hai đầu móng càng tròn trịa, bàn chân và gót chân tòe rộng.
Tho san khat mau va tieng sung giua dem vang noi “vuong quoc lon rung”-Hinh-2
Nướng chuột rừng để ăn trong quá trình đi săn. 
Lợn rừng là loại khá tinh khôn lại khoẻ nên bắn được chúng không phải chuyện dễ. Khi bị thương, máu chảy rất ít vì da chúng dày lại co giãn tốt, lớp mỡ bên trong sẽ lấp ngay vết thương lại nên không thể theo vết máu mà lần ra chúng được.
Cùng theo lời Khứ, thì rất nhiều khả năng, đêm xuống, con lợn rừng độc chiếc, hoặc đàn lợn sẽ lại tìm về nương thảo quả, chỗ cái lán, hoặc mép rừng trúc nơi chúng vừa đào bới đêm qua.
Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, thì thống nhất với kế hoạch bắn phục kích. Khứ chọn địa điểm ngắm bắn phía sau một tảng đá lớn, ngược với chiều gió, cách nơi chúng ra ăn độ 20m.
Thế nhưng, đêm ấy không thấy bọn lợn về. Cũng có thể, thấy hơi người, nên chúng không dám đến. Nhóm thợ săn lần lục theo hướng khác, để cơn mưa rửa đi hơi người. Lại một bữa tối với cơm nắm, thịt chuột rừng, thêm chút măng trúc luộc giòn sần sật.
Trăng đầu tháng hiện rõ dần trên dãy Hoàng Liên Sơn. Trăng to như cái mẹt. Sương núi và không khí loãng đã tán mặt trăng ra, nên trông thấy to hơn. Về khuya, trăng tỏa ra một thứ màu nhờ nhờ vì sương mù bắt đầu xuống đậm đặc hơn.
Những khẩu súng kíp đã được nhồi đầy dạn và thuốc nổ. Với khẩu kíp này, một phát nổ tung về phía con mồi cả trăm viên đạn thì khó lòng mà sống sót chạy thoát.
Tho san khat mau va tieng sung giua dem vang noi “vuong quoc lon rung”-Hinh-3
 Chiếc lán tạm nơi thường xuyên xuất hiện lợn rừng khổng lồ.
Khứ bảo phải nhằm trúng tim hoặc phổi bắn mới chắc ăn. Khi trúng tim, con thú sẽ lảo đảo, chúi mõm xuống, rồi lại cố vùng dậy chạy một đoạn mới gục hẳn. Nếu trúng xương sống, thận thì nó sẽ ngồi xuống, không chạy được. Đạn trúng bụng bọn lợn rừng thì chẳng thấm thía gì, có đuổi theo cũng vô ích. Trúng cẳng nó sẽ vẫn chạy bằng 3 chân và chẳng chậm hơn bốn chân là mấy. Đối với lợn độc chiếc, kể cả nó đã quỵ rồi vẫn phải bắn bồi tiếp, nếu không nó sẽ vùng dậy húc mất mạng người đi săn. Với tính chất nguy hiểm như vậy, nên tôi và Bình không được tham gia trực tiếp, mà chỉ được phép nằm im trong các cuộc đi săn.
Lợn rừng là loài có bộ khứu giác cực thính, nên phải rình ngược hướng gió, để tránh hơi người bay lại phía chúng. Ngoài ra, còn phải chú ý xem chúng thường đến ăn từ hướng nào để tránh và cũng phải xem kỹ hướng gió có thể thay đổi.
Đã 10h đêm, ánh trăng trở nên đục mờ như nước hến luộc. Khứ bảo, tuy trăng không sáng lắm song vẫn có thể nhìn rõ con vật và ngắm bắn chính xác…
Bất chợt, từ phía xa phát ra những tiếng sột soạt. Tiếng động cứ ngày một gần hơn, rõ hơn. Ai cũng nín thở chờ đợi. Trong màn đêm yên tĩnh, những tiếng sột soạt, rồi khụt khịt nghe ghê người.
Cách chỗ ngồi khoảng 20 mét, qua ánh trăng nhờ nhờ, tôi thấy một bóng đen nhòe nhoẹt đang dũi đất. Sùng A Khứ và Sùng A Vư nằm bất động, dõi theo con vật qua cái rãnh trên nòng súng. Không gian yên lặng tuyệt đối.
Tho san khat mau va tieng sung giua dem vang noi “vuong quoc lon rung”-Hinh-4
Một dấu chân lợn rừng lớn. 
Bất chợt một tiếng nổ đanh gọn vang lên rồi nhanh chóng im bặt. Mùi thuốc súng thoang thoảng. Khứ bảo hạ được con vật rồi. Mọi người ngỡ ngàng khi phát hiện đó không phải lợn rừng mà là một con nhím lớn, ước chừng nó nặng đến 7kg. Khứ bảo, săn lợn rừng thường được nhím. Nhím luôn ăn theo lợn rừng, chúng cũng đào đất, cũng nhai sột soạt như lợn. Thịt nhím ăn ngon hơn, bổ hơn thịt lợn rừng. Đặc biệt, dạ dầy của nhím là vị thuốc quý.
Cuộc chiến với đám lợn rừng có lẽ còn dài, có khi phải đến lúc trời sáng. Bình và Vư được phân công đi làm thịt nhím để lót dạ. Hai gã sơn tràng xách chú nhím xuống phía khe suối để lọc lấy thịt đem nướng. Quả thực, thịt nhím nướng rất ngon, vừa thơm, vừa ngọt.
Trời nửa đêm về sáng không còn trăng nhưng vẫn nhìn thấy mờ mờ mọi vật cách vài chục mét. Lại có tiếng sột soạt, rắc rắc và bóng đen lừng lững đi ngang phía rừng trúc. Bóng đen trùi trũi đó dí mõm húc tung cả những hòn đá. Mọi người đều im lặng, nghe tiếng nhai của nó mà thấy lạnh gáy. Khứ thì thầm vào tai tôi rằng cứ để nó tiến đến thật gần.
Mọi người thống nhất để Khứ bắn trước, nếu nó tấn công thì Vư sẽ bồi thêm phát nữa trúng đầu. Đây là con lợn rừng độc chiếc phải nặng trên một tạ, nó rất hung dữ, nếu cùng đường sẽ lao vào húc đối thủ. Bóng đêm mờ ảo, nên không rõ có phải là con lợn độc chiếc như lợn thành tinh mà Khứ đã từng giáp mặt hay không.
Đoàng. Một tiếng nổ đanh gọn. Con lợn hộc lên rồi ngã chúi mõm xuống bất động. Tôi nhỏm đầu lên quan sát, thì Khứ kéo xuống. Bất thình lình con vật đen sì chồm lên lảo đảo, quần đổ đám trúc, rồi chạy tuốt lên phía sườn núi và mất tăm mất tích trong rừng sâu. Khứ buông súng thở dài và bảo ngày mai hãy theo chân nó. Đại ngàn trở nên tĩnh lặng lạ thường.
Sớm hôm sau, Khứ và Vư tiếp tục hành trang đi theo dấu chân con vật trúng đạn. Tỷ lệ tìm được nó là khá thấp. Tôi và Bình dọn đồ cá nhân, rời đỉnh Pờ Ma Lung mờ sương.
Đại ngàn trên dãy Hoàng Liên Sơn quá xa xôi diệu vợi, rừng núi trập trùng, ít dấu chân người. Chẳng có cán bộ kiểm lâm nào đi tới đây, nên chỉ có những con thú cuối cùng của đại ngàn ẩn thân và đám thợ săn khát máu.
Theo Phạm Dương Ngọc/VTC news

>> xem thêm

Bình luận(0)