Nhìn lại hàng loạt vụ sai phạm đất đai nghiêm trọng trong năm 2018

Google News

(Kiến Thức) - Trong năm 2018, hàng loạt quan chức đã bị “ngã ngựa” thậm chí “xộ khám” liên quan đến hàng loạt vụ việc tiêu cực, sai phạm về đất đai ở một số địa phương trên cả nước, đặc biệt ở Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội.

“Xẻ thịt” đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn (Hà Nội)
Từ năm 2016 đến nay, hàng loạt cán bộ huyện Sóc Sơn đã bị kiểm điểm do liên quan đến sai phạm đất đai tại rừng Sóc Sơn (Hà Nội).
Tại phiên họp giao ban công tác của TP Hà Nội tháng 10/2018, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ rõ việc yếu kém trong công tác quản lý như vụ việc vi phạm trật tự xây dựng ở Ba Vì, Sóc Sơn mà dư luận đang quan tâm.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhấn mạnh: "Với 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng Sóc Sơn, Sở NNPTNT và huyện Sóc Sơn ra thông báo để các hộ dân tự tháo dỡ, nếu không thực hiện cần ra quyết định cưỡng chế, không để tồn tại các công trình vi phạm, bất kể là ai”.
Nhin lai hang loat vu sai pham dat dai nghiem trong trong nam 2018
 Một trong những công trình tại Sóc Sơn.
Báo cáo của UBND Sóc Sơn có 27 công trình xây dựng đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ - bảo vệ môi trường tại thôn Minh Tân xã Minh Trí; 18 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất thuộc quy hoạch là rừng phòng hộ - bảo vệ môi trường tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú... UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo thiết lập hồ sơ vi phạm, yêu cầu UBND các xã đình chỉ thi công; chỉ đạo UBND xã Minh Phú xử lý công trình vi phạm xong trong tháng 11/2018. Hiện, Thanh tra TP Hà Nội đang trong quá trình thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn 2 xã Minh Phú và Minh Trí.
Nhiều cán bộ bị kỷ luật do sai phạm đất đai ở Thủ Thiêm
Sáng ngày 21/9/2018, UBND TP.HCM tổ chức họp báo, nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân về những sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra.
Trước đó, vào ngày 7/9, Thanh tra Chính phủ công bố kết quả kiểm tra một số nội dung liên quan khiếu nại của người dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM).
Kết luận thanh tra chỉ rõ việc UBND TP HCM, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ đã có khuyết điểm khi làm chênh lệch khoảng 10 ha so với diện tích đã thẩm định; thiếu một số hồ sơ quan trọng của cả Khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu tái định cư 160 ha, không có bản đồ quy hoạch 1/5.000; UBND TP HCM phê duyệt quy hoạch 1/2.000 trong đó có điều chỉnh diện tích và ranh giới là không đúng thẩm quyền, phê duyệt vị trí giới hạn quy hoạch không thống nhất về tên gọi so với bản đồ và thực địa...Việc UBND TP lấy 4,3 ha đất thuộc khu phố 1, phường Bình An để thực hiện một số dự án thuộc đô thị mới là chưa đủ cơ sở pháp lý, dẫn đến không xác định đúng, đủ diện tích đất phục vụ tái định cư theo quy hoạch.
Nhin lai hang loat vu sai pham dat dai nghiem trong trong nam 2018-Hinh-2
 Khu đô thị Thủ Thiêm.
Kết luận cũng chỉ ra, quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư ở dự án này có nhiều vi phạm... dẫn đến phát sinh khiếu nại về chế độ, chính sách đền bù, hỗ trợ; việc UBND TP quy hoạch chi tiết và thu hồi, giao đất để xây dựng các khu tái định cư là chưa đúng thẩm quyền. Việc này vi phạm quy định như: không bố trí các khu tái định cư đúng vị trí theo phê duyệt của Thủ tướng; phê duyệt quy hoạch 1/2.000, 1/500 đối với các dự án tái định cư và các dự án khác thiếu cơ sở pháp lý...
Chiều 26/12/2018 tại hội nghị BCH T.Ư 9, BCH T.Ư đã tiến hành xem xét và quyết định kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức ủy viên T.Ư Đảng khóa XII; Phó bí thư thường trực Thành ủy, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, một trong những vi phạm của ông Cang là trong thời gian giữ cương vị thành ủy viên, ủy viên UBND TP, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Liên quan sự việc trên, tập thể UBND TP.HCM qua các thời kỳ, UBND quận 2, Ban quản lý dự án khu đô thị Thủ Thiêm, UBND các phường quận 2 bị kiểm điểm vì sai phạm ở Thủ Thiêm.
Vũ nhôm thâu tóm đất vàng, hàng loạt cán bộ “xộ khám”
Năm 2018, đáng chú ý nhất là vụ án Phan Văn Anh Vũ thâu tóm cả trăm nhà, đất công sản ở những vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác.
Ngày 7/2/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra, làm rõ toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của Phan Văn Anh Vũ và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác.
Từ đây, hàng loạt cán bộ, quan chức, cựu quan chức của Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng lần lượt bị khởi tố do những sai phạm liên quan đến đất đai.
Nhin lai hang loat vu sai pham dat dai nghiem trong trong nam 2018-Hinh-3
 Khu đất hơn 2.300 m2 tại số 15 Thi Sách (phường Bến Nghé, quận 1). Ảnh: Zing.
Cụ thể, ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2006-2011); Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2011-2014) bị khởi tố về các hành vi: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với nhiều cán bộ khác của thành phố Đà Nẵng như Nguyễn Điểu, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Đà Nẵng; Trần Văn Toán, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Đà Nẵng; Lê Cảnh Dương, nguyên Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng; Đào Tấn Bằng, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, nguyên Bí thư Đảng ủy khối các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng cùng về hành vi “Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.”.
Ngoài ra còn có Nguyễn Viết Vĩnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa; Nguyễn Văn Cán, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng; Phan Xuân Ít, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng...
Tiếp tục mở rộng điều tra vụ án Vũ “nhôm” xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án cùng một số cán bộ, gồm: Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh; Lê Văn Thanh, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Thanh Chương, nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Chiếm đất quốc phòng xây dựng hàng trăm nhà trái phép ở Hải Phòng
Một vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận cả nước về sai phạm đất đai chính là vụ chiếm đất quốc phòng, xây dựng hàng trăm ngôi nhà trái phép ở Hải Phòng.
Trước đó, theo Quyết định số 728/TTg ngày 3/10/1996 của Thủ tướng Chính phủ, khu đất trên thuộc quản lý của Quân chủng Phòng không Không quân. Ngày 11/6/2013, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 843/TTg-KTC đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 13 ha đất quốc phòng nêu trên để sử dụng theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng.
Sau đó, khu đất 14,2 ha được Bộ Quốc phòng bàn giao cho Sư đoàn phòng không 363 quản lý. Tuy nhiên, sư đoàn trưởng đã cấu kết với doanh nghiệp tư nhân và cán bộ địa phương để "xẻ thịt" khu A rộng 5 ha nhằm phân lô, bán trái phép. Trước những vi phạm về quản lý, sử dụng đất quốc phòng do Tổng Công ty 319 - Bộ Quốc phòng quản lý tại phường Thành Tô (Hải An, Hải Phòng), Công an TP Hải Phòng đã điều tra, phát hiện một số cán bộ, chiến sỹ và công chức, viên chức của thành phố câu kết với nhau mua bán, chuyển nhượng trái phép đất quốc phòng. Bộ Quốc phòng, UBND TP Hải Phòng cũng đã thành lập tổ công tác liên cơ quan để ngăn chặn triệt để việc lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên khu đất quốc phòng nêu trên.
Nhin lai hang loat vu sai pham dat dai nghiem trong trong nam 2018-Hinh-4
Hàng loạt ngôi nhà xây trái phép trên đất Quốc phòng tại Hải Phòng. 
Ngày 19/10/2017, cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố vụ án và đến 30/5/2018 khởi tố 5 bị can gồm Nguyễn Văn Khuây (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 363 Quân chủng PKKQ); Vũ Duy An (nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 363 Quân chủng PKKQ); Nguyễn Phú Doanh (cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường); Đỗ Công Mên (nguyên Chủ tịch UBND phường Thành Tô, Hải An, Hải Phòng) và Phạm Văn Bình (Công ty Cổ phần Thái Bình).
Tất cả bị khởi tố do vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, vi phạm về quản lý đất đai; Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Vụ án đang trong quá trình điều tra thì đầu tháng 6/2018, nhiều nhóm "giang hồ" tại Hải Phòng tiến hành xâm nhập vào cả khu đất quốc phòng rộng 14,2 ha tự chia lô, san nền bán và bảo kê hoạt động xây dựng nhà trái phép, gây ra các vụ đánh chém nhau để cướp đất. Biến khu đất này thành “điểm nóng” tại thành phố Hải Phòng.
Ngay khi báo chí phản ánh thực trạng trên, Văn phòng Chính phủ đã phát đi công văn ‘hỏa tốc’ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ. Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với UBND TP Hải Phòng kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh của báo chí, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 15/10/2018.
Ngày 17/10/2018, ngay khi chính thức nhận bàn giao lại 14,2 ha đất quốc phòng tại khu vực phường Tràng Cát và Thành Tô từ Bộ Quốc phòng, UBND TP Hải Phòng đã quyết liệt trong xử lý vi phạm.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)