Theo thông tin ban đầu, vụ thầy dạy lái xe tông chết người rồi bỏ chạy xảy ra vào đêm 23/10, trên đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn qua thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Vào khoảng thời gian trên, khi đi đến ngã 5, đường mòn Hồ Chí Minh, ô tô do ông Nguyễn Văn H. (giáo viên dạy lái tại một trường trên địa bàn Hà Tĩnh) điều khiển ô tô Kia Morning đã tông trúng ông P.V.N. (58 tuổi, trú xã Phú Phong, huyện Hương Khê) đang đi xe đạp trên đường. Cú tông mạnh khiến ông N. tử vong. Tài xế H. sau đó lái xe bỏ trốn khỏi hiện trường. Đến khoảng 13h ngày 24/10, tài xế H. đã ra đầu thú
|
Hiện trường vụ tai nạn. |
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, thầy giáo dạy lái xe là người không chỉ hiểu biết về các kĩ thuật điều khiển phương tiện giao thông mà còn phải là người hiểu biết pháp luật, có ý thức tuân thủ pháp luật. Bởi vậy, nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn là thầy giáo dạy lái xe thì đây là việc rất đáng trách, đáng lên án và phải bị xem xét xử lý bằng chế tài nghiêm minh của pháp luật.
|
Tiến sĩ, luật sư Đăng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Luật sư Cường cho biết thêm, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xác định lỗi thuộc về bên nào. Đối với vụ án tai nạn giao thông thì sơ đồ hiện trường là rất quan trọng, ngoài ra còn các dấu vết để lại trên hiện trường vụ án như vết phanh, dấu vết va chạm và kết quả chiết xuất dữ liệu camera trên các tuyến đường. Bởi vậy, để xác định nguyên nhân vụ tai nạn, xác định lỗi của người điều khiển phương tiện thì không chỉ căn cứ vào lời khai của nghi phạm mà còn căn cứ vào các dấu vết khác mà cơ quan điều tra thu thập được trong quá trình giải quyết vụ việc.
Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy người điều khiển chiếc ô tô này đã có lỗi thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường nhấn mạnh, trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy người này đã gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn để trốn tránh trách nhiệm thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, với tình tiết này thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm theo quy định tại khoản 2, điều 260 Bộ luật Hình sự. Đối với người gây tai nạn giao thông là người hiểu biết pháp luật, lại là thầy giáo dạy lái xe thì đây là tình tiết rất đáng chú ý, sẽ là căn cứ để áp dụng chế tài ở mức nghiêm khắc nhất có thể để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Cũng theo luật sư Cường, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra, người điều khiển chiếc ô tô này còn vi phạm nồng độ cồn hay không, nguyên nhân nào trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Trường hợp bị xử lý về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì người này sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật, đồng thời sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề trong thời gian nhất định sau khi chấp hành xong hình phạt chính.
Đồng quan điểm với luật sư Cường, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, căn cứ quy định tại điểm b khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chủ xe gây tai nạn sẽ bị phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 05 – 07 tháng đối với hành vi bỏ trốn, không tham gia cấp cứu người bị nạn. Gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường, tài xế H. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt từ 3 – 10 năm tù. Ngoài ra, tài xế lái xe có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề và làm công việc thầy giao dạy lái xe từ 1 – 5 năm.
|
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Luật sư Hùng cho biết thêm, đối với phần trách nhiệm dân sự, người điều khiển phương tiện gây tai nạn không dừng lại phải bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo quy định tại Điều 589 và Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015. Xét cho cùng, điều quan trọng nhất, mỗi người tham gia giao thông phải tự giác nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật. Gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường bỏ mặc người bị nạn không chỉ vi phạm về mặt đạo đức, quy tắc ứng xử văn hóa giao thông mà còn là hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng mà mỗi người khi tham gia giao thông cần biết.
Hiện vụ thầy dạy lái xe tông chết người rồi bỏ chạy đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
>>> Xem thêm video: Chở con đi học, 3 mẹ con thiệt mạng khi va chạm với xe tải