Tâm sự của nữ sinh 2 lần thoát khỏi tục “bắt vợ”

Google News

Cứ đầu xuân là tục “bắt vợ” lại rộ lên ở nhiều huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Mới đây nhất là nữ sinh H.T.H.T (lớp 12, Trường THPT Quỳ Hợp 3, Nghệ An) bị một thanh niên cùng bản tìm mọi cách bắt về làm vợ.

Hai lần chống lại hủ tục “bắt vợ”
Chúng tôi gặp T tại khuôn viên Trường THPT Quỳ Hợp 3 trong khoảng thời gian nghỉ giữa các tiết học. Biết chúng tôi hỏi về sự việc em bị bắt về làm vợ, ánh mắt của T như sáng lên. T nói: "Với người Thái chúng em thì tục “bắt vợ” xuất hiện từ lâu đời và hiện nay tục lệ này vẫn được duy trì ở bản. Song em nghĩ đó phải là kết quả của tình yêu đôi lứa, là sự đồng thuận của hai gia đình. Còn việc bị ép buộc, bắt về mà không có sự đồng thuận thì em phản đối đến cùng”.
Em T chống lại hủ tục để thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học. ẢNH: H. LÂM 
Cầm chặt quyển sách trên tay, T nhớ lại: “Dịp Tết vừa rồi, em hai lần bị anh V.V.H (27 tuổi, người cùng xã) tìm mọi cách bắt về làm vợ. Ngày mùng 1 Tết, H cùng bạn anh ấy đến nhà em chúc Tết và uống rượu với bố em. Đến khoảng 22h cùng ngày, do trong nhà hết rượu nên bố nhờ em và anh H đi mua về uống tiếp. Trên đường đi, anh H có hỏi: "Làm vợ anh nhé?”. Nghe anh ấy hỏi vậy, em giật mình vì nghĩ có thể bị bắt về làm vợ. Khi đó, em bảo anh H dừng xe lại nhưng anh ấy vẫn cho xe chạy. Quá hoảng sợ nên em liều nhảy xuống xe và chạy một mạch vào một nhà dân đang sáng đèn. Sau đó, em mới gọi điện nhờ anh trai đến đón về".
Ngày mùng 4 Tết, T đến nhà bà ngoại chơi thì thấy H đang ở đây. Khi biết chuyện H muốn lấy T làm vợ, nhiều người thân đã khuyên T nên đồng ý. “Mọi người đều khen anh H là người tốt và khuyên em nên lấy anh ấy sẽ sung sướng, hạnh phúc. Khi nghe các mợ nói vậy em buồn lắm. Em có giải thích với các mợ là còn phải đi học để kiếm một công việc tốt để đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Khi nào công việc ổn định em sẽ tính đến việc lấy chồng nhưng mọi người không nghe em nói”, T kể lại.
Đến khoảng 21h cùng ngày, một người mợ do say rượu nên nhờ T và H đưa về nhà. Cũng như lần trước, H đã phóng xe chở theo T về nhà người thân của mình ở xóm bên. Tại đây, H đề cập đến chuyện cưới xin nhưng T nhất quyết không chịu. Sáng mùng 5 Tết, T gọi điện cho anh trai đón về nhà. Cùng ngày hôm đó, gia đình H đưa trầu cau sang hỏi cưới T. “Bố mẹ nói em đã 2 lần bị bắt về làm vợ nên họ rất xấu hổ với làng xóm và khuyên em lấy H. Em nói luôn là bố mẹ từ chối lễ vật của gia đình anh H vì em không có tình cảm với anh ấy. Nếu lấy chồng, em phải bỏ học để làm lụng, sinh con trong khi em còn bao dự định dở dang phía trước. Sự việc sau đó được giải quyết khi nhà trường biết chuyện nên can thiệp và em đã đến trường theo đuổi ước mơ của mình", T nói.
Khó xử lý
Nói về hủ tục “bắt vợ”, thầy giáo Nguyễn Minh Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 cho biết, trong năm 2017 – 2018, tại trường có 2 nữ sinh bị bắt về làm vợ. Em T là một trong hai trường hợp này và nhà trường đã can thiệp kịp thời để các em trở lại đi học bình thường. Nhắc đến em T, thầy Đạt cho biết: “Em T là học sinh giỏi toàn diện của trường trong nhiều năm liền. Năm học này, em T có điểm tổng kết là 8,4”.
Thầy Đạt tâm sự, các vụ việc “bắt vợ” mà đối tượng là học sinh của trường đã giảm đi rõ rệt so với các năm trước. Theo thống kê của nhà trường, năm học 2015 - 2016 có các em L.T.L, H.T.N bị bắt về làm vợ. Các em đều mới 16 tuổi đang học lớp 10. Tiếp đó là 2 em L.T.V (lớp 11) và S.T.T (lớp 12). Năm học 2016 - 2017 có 3 học sinh nữ bị trai bản rình bắt về làm vợ. Trước tình trạng như vậy, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới… cho học sinh thông qua giờ chào cờ và nhiều hoạt động ngoài giờ. Ngoài ra, nhà trường vẫn đẩy mạnh xây dựng CLB bạn gái tuyên truyền, Hộp thư giúp bạn và phân công các học sinh cắm chốt nhà trọ… để ngăn chặn hủ tục này.
Trong khi đó, ông Vy Hoàng Hà - Chánh văn phòng UBND huyện Quỳ Hợp thông tin, sau khi vụ bắt vợ gây xôn xao dư luận đầu năm 2017 tại địa bàn xã Liên Hợp thì UBND huyện Quỳ Hợp đã có nhiều văn bản cũng như tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới đến tận các thôn bản để người dân hiểu và không để xảy ra chuyện mà người dân cho là tục “cướp vợ” gây dư luận không tốt trong xã hội.
Nhắc lại chuyện “bắt vợ” từng xảy ra tại địa bàn, ông Hà thông tin, các đối tượng “bắt vợ”, tham gia “bắt vợ” đều được các cơ quan chức năng xử lý theo hình thức cảnh cáo hoặc phạt hành chính. Nguyên nhân là khi cơ quan chức năng vào cuộc thì nhà gái đều xin giảm nhẹ hình phạt cho những người tham gia “bắt vợ”. Chính điều này khiến việc xử lý “nặng tay” các đối tượng “bắt vợ” là rất khó. "Tục “bắt vợ” hay “trộm vợ” ngày xưa được xem là một mỹ tục, bởi dưới thời phong kiến, trong xã hội người Thái vẫn còn nặng nề chuyện “phép mẹ, quyền cha” vô cùng chặt chặt chẽ, quyền uy. Vì thế tục “trộm vợ” được xem như một cách “vượt rào” trước những hà khắc phong kiến để có được hạnh phúc lứa đôi", ông Hà chia sẻ.
Theo Hải Lâm - Vũ Đồng/Giadinh.net

>> xem thêm

Bình luận(0)