Tối 6/1, Ban chỉ huy Công an quận 2, TP HCM cho biết đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Tấn Dũng (32 tuổi, ngụ thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) về hành vi chống người thi hành công vụ.
“Với những chứng cứ quá rõ ràng thể hiện việc Dũng dùng lời lẽ thô tục lăng mạ, thái độ hung hăng không chấp hành hiệu lệnh giao thông; khi lực lượng CSGT tiến hành kiểm tra Dũng đã không xuất trình giấy tờ xe mà còn dùng tay đánh; dùng hung khí (dao xếp) đâm người thi hành công vụ gây náo loạn bến phà. Hành vi này đã có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ qui định tại điều 257/BLHS. Các dấu hiệu khác như Gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích sẽ được CQĐT làm rõ để xử lý”, Công an quận 2 thông tin.
|
Đối tượng Dũng liên tiếp có hành vi côn đồ tấn công CSGT và gây náo loạn bến phà Cát Lái
|
Trước đó khoảng 18h30 cùng ngày, tổ công tác thuộc Đội CSGT Cát Lái (PC67, Công an TP HCM) đang làm nhiệm vụ điều tiết giao thông tại giao lộ Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống (phường An Phú, quận 2) thì phát hiện đối tượng Dũng điều khiển xe Honda 67 có biểu hiện như người say, chạy vào làn đường xe tải, lạng lách đánh võng, nẹt pô inh ỏi, thách thức CSGT rồi rú ga chạy về hướng bến phà Cát Lái.
Thượng uý Đặng Quang Hồng và Thiếu uý Nguyễn Anh Tuấn lên xe công vụ đuổi đến bến phà Cát Lái (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2), và yêu cầu Dũng xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Tuy nhiên đối tượng này lao vào chửi bới CSGT gây náo loạn bến phà có hàng trăm hành khách đang qua lại. Vụ việc càng trở nên nghiêm trọng khi tên Dũng rút từ trong chiếc túi xách ra con dao nhọn rồi lia về phía các CSGT cũng như người dân đe doạ khiến không ai dám đến gần. Không ít lần đối tượng lao vào dùng tay đánh vào mặt, đầu; dùng chân đá vào người các CSGT. Thượng uý Hồng còn bị đối tượng dùng dao đâm vào vùng hông… khiến hàng trăm người dân chứng kiến hết sức bất bình, phẫn nộ.
Hàng loạt chuyến phà chở khách đi và cập bến đã tạm ngưng hoạt động trước hành vi gây rối của đối tượng khiến giao thông bị cản trở nghiêm trọng.
|
Được sự hỗ trợ của người dân, tên Dũng bị khống chế bắt giữ.
|
Sau hơn 10 phút ngáo đá đâm CSGT gây cảnh hỗn loạn ở bến phà, tên Dũng đã bị CSGT cùng sự trợ giúp của người dân, bảo vệ dân phố và sự có mặt kịp thời của lực lượng Công an phường, CSHS khống chế bắt giữ.
Cơ quan Công an ngay trong đêm đã tiến hành xét nghiệm đối với tên Dũng và có kết quả đối tượng sử dụng ma tuý đá; đồng thời 2 cán bộ CSGT cũng đã được đưa đến Bệnh viện quận 2 để kiểm tra thương tích.
Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về Tội chống người thi hành công vụ được quy định như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…
Điều 245, Bộ luật Hình sự về hành vi Gây rối trật tự công cộng:
“1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;
b) Có tổ chức;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.”
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.