|
Nhiều giáo viên trong diện nằm ngoài chỉ tiêu biên chế lo lắng cho tương lai mình. Ảnh: PV.
|
Chủ trương này của tỉnh Đắk Lắk vẫn mang tính tạm thời mà chưa giải quyết được phần gốc, vì đa phần các giáo viên được ký hợp đồng sai quy định và nằm ngoài chỉ tiêu biên chế. Vậy đâu là lời giải cho vấn đề này?
Nhiều giáo viên không đủ tiêu chuẩn xét tuyển biên chế
Hay tin tỉnh Đắk Lắk có chủ trương tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng 500 giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế tại huyện Krông Pắk để tìm giải pháp tháo gỡ, nhiều giáo viên vẫn còn băn khoăn, lo lắng. Cô Tuyết - giáo viên cấp 2 tại xã Ea Kly - nêu quan điểm: Việc tỉnh Đắk Lắk yêu cầu huyện tạm dừng chấm dứt hợp đồng được đông đảo giáo viên ủng hộ. Tuy vậy, có không ít giáo viên trên địa bàn được ký hợp đồng, có thời gian công tác nhiều năm nhưng lại không đủ tiêu chuẩn xét tuyển biên chế nên mong muốn địa phương sớm xem xét, có chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp này.
“Bản thân chúng tôi là người lao động nên khi được ký hợp đồng và đứng trên bục giảng đến nay, chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu, làm tốt nhiệm vụ được giao. Cái sai ở đây là do những người đứng đầu không tính toán chỉ tiêu biên chế, vị trí việc làm phù hợp, bố trí ngân sách… nên không thể đổ hết lên đầu giáo viên được” - cô Tuyết nói.
Trao đổi về hướng tháo gỡ tình trạng dư thừa hơn 500 giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế, ông Nguyễn Hải Ninh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết: Tỉnh đã yêu cầu UBND huyện và các trường tiếp tục lắng nghe, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên, đồng thời cũng giải thích, động viên để các giáo viên thấy rõ được khó khăn trong việc giải quyết, nhất là trong bối cảnh chúng ta lại đang thực hiện tinh giản biên chế.
“Chúng tôi yêu cầu huyện rà soát, đề xuất cụ thể về việc xét tuyển bổ sung giáo viên đã có hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế nhưng lại không còn vị trí việc làm để xét tuyển. Và khi có phương án này, chúng tôi sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Nếu thực hiện được việc này thì khoảng 208 giáo viên thuộc nhóm này sẽ có cơ hội để tham gia xét tuyển” - ông Ninh thông tin.
Sẽ trình xin ý kiến... Thủ tướng
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần nhắc nhở việc rà soát, tinh giản biên chế, thanh tra, kiểm tra, kiến nghị nhưng UBND huyện Krông Pắk nhiều năm không thực hiện, dẫn đến việc ký hợp đồng sai quy định, hơn 500 giáo viên có nguy cơ nghỉ việc. Cụ thể, trong nhiệm kỳ của 2 Chủ tịch huyện Krông Pắk đã hợp đồng ngoài chỉ tiêu 526 giáo viên và nhân viên trường học; huyện Krông Pắk còn bổ nhiệm thừa tới 32 phó hiệu trưởng ở các bậc học.
Về việc này, ông Miêng Klơng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk - cho rằng, công tác giải quyết tình trạng giáo viên nằm ngoài chỉ tiêu biên chế tại huyện Krông Pắk thời gian qua được thực hiện chưa kỹ và sai quy định. Trước câu hỏi của PV Báo Lao Động về việc tỉnh yêu rà soát, bổ sung chỉ tiêu ngoài biên chế liệu có đi ngược với chủ trương tinh giản biên chế của trung ương, ông Miêng Klơng thông tin, huyện Krông Pắk phải rà soát lại nơi nào thừa, nơi nào thiếu để từ đó xây dựng phương án điều chuyển giáo viên.
Về lâu dài, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk sẽ có báo cáo về toàn bộ câu chuyện dư thừa hơn 500 giáo viên không nằm trong chỉ tiêu biên chế để trình tỉnh Đắk Lắk. “Sau khi thông qua, tỉnh sẽ trình Bộ Nội vụ và Thủ tướng xem xét, xin cơ chế riêng đối với tỉnh Đắk Lắk.”
Trong một diễn biến khác, trước nghi vấn mà dư luận đang quan tâm về việc có hay không vấn nạn tiêu cực trong việc huyện đã hợp đồng để xảy ra tình trạng dôi dư hàng trăm giáo viên? Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - khẳng định, huyện chưa phát hiện dấu hiệu tiêu cực. “Chúng tôi không khẳng định có hay không, nhưng đến nay, huyện chưa nhận được bất cứ phản ánh hay đơn thư tố cáo tiêu cực trong vụ việc này. Nếu phát hiện có tiêu cực, nhất định chúng tôi sẽ đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý những cá nhân tập thể vi phạm”- bà Trinh nói.