Tài xế taxi Vinasun bỏ mặc nạn nhân sau tai nạn: Có dấu hiệu hình sự?

Google News

(Kiến Thức) - Các luật sư cho rằng, hành vi tài xế taxi không cứu giúp người bị nạn trong vụ tai nạn giao thông đã có dấu hiệu phạm tội “không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”, theo điều 132 Bộ luật Hình sự 2015.

Ngày 27/6, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại vụ tai nạn giữa taxi Vinasun và một đôi nam nữ đi xe mô tô khiến cô gái ngồi sau xe mô tô tử vong tại chỗ, nam thanh niên bị thương nặng. Đáng chú ý, sau khi xảy ra tai nạn, tài xế xe taxi có xuống xem hai nạn nhân nhưng sau đó lên xe bỏ đi.
Vụ tai nạn sau đó được xác định xảy ra tại ngã ba Tân Hương - Võ Công Tôn thuộc phường Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) vào 3h sáng ngày 25/6.
Qua hình ảnh camera ghi lại, khi lưu thông đến khu vực trên, tài xế taxi đánh lái để rẽ trái. Lúc này, xe mô tô có đôi nam nữ cùng chiều đi tới và vụ tai nạn đã xảy ra. Cú va chạm đã khiến đôi nam nữ bị văng lên vỉa hè. Cô gái tử vong tại hiện trường còn nam thanh niên bị thương năng.
Cú tông mạnh khiến đôi nam nữ văng lên vỉa hè. Cô gái tử vong sau đó, còn nam thanh niên bị thương nặng được người dân đưa đi cấp cứu. Đáng chú ý, sau đó, nhiều người đi xe mô tô và ô tô đi qua hiện trường vụ tai nạn nhưng không ai có hành động cứu các nạn nhân.
Nguồn tin từ Công an quận Tân Phú cho biết, nạn nhân tử vong là Nguyễn Thị Mỹ Tiên (25 tuổi) và hiện cơ quan công an đã triệu tập tài xế để lấy lời khai.
Tai xe taxi Vinasun bo mac nan nhan sau tai nan: Co dau hieu hinh su?
 Hình ảnh tài xế taxi xuống xem các nạn nhân mà không có hành động gì cứu giúp.
Có dấu hiệu phạm tội hình sự “Không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm”
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ việc này cơ quan công an cần điều tra xác minh làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn giao thông, làm rõ hậu quả thiệt hại đối với hai nạn nhân để làm cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý đối với vụ tai nạn này.
“Trong clip cho thấy chiếc xe giống như xe taxi đang chuyển hướng thì xe mô tô tông phải từ phía sau khiến hai nạn nhân bắn lên vỉa hè bất tỉnh, điều đáng chú ý là lái xe đã xuống xe ngó nghiêng rồi lên xe đi tiếp, bỏ mặc nạn nhân trong tình trạng nguy kịch. Có thể thấy, dù chưa cần biết là bên nào có lỗi dẫn đến vụ tai nạn giao thông nhưng nếu hậu quả khiến một trong hai nạn nhân tử vong thì hoàn toàn có thể khởi tố tài xế taxi về tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015”, Luật sư Cường cho biết.
Cụ thể, tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), Về tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như sau: “1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm. b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp. 3- Phạm tội dẫn đến hậu quả hai người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. 4- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Luật sư Cường cho biết, hình ảnh clip cho thấy, rõ ràng hai nhân của vụ tai nạn giao thông đang gặp nguy hiểm đến tính mạng, nếu được cấp cứu, cứu chữa kịp thời thì có cơ hội qua khỏi nhưng nếu bỏ mặc, không cứu chữa thì nạn nhân hoàn toàn có thể thiệt mạng, bởi vậy pháp luật mới quy định bắt buộc mọi công dân khi nhìn thấy nạn nhân nằm ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Tài xế taxi hoàn toàn có điều kiện cứu giúp nhưng không cứu dẫn đến nạn nhân thiệt mạng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mời độc giả xem clip tài xế Vinasun đứng nhìn nạn nhân nguy kịch rồi bỏ đi sau tai nạn:

 

Quy định này xuất phát từ đạo đức thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, từ trách nhiệm cứu người trong cơn hoạn nạn, phù hợp với giá trị nhân văn và đạo đức xã hội. Bởi vậy dù không là người lái xe, không gây ra tai nạn thì người đàn ông này vẫn có trách nhiệm phải cứu giúp hai nạn nhân này.
“Trong vụ việc này dư luận bức xúc bởi người lái xe này chính là người có liên quan đến vụ tai nạn, thậm chí có thể là người gây ra tai nạn nhưng lại không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, ở đây là nạn nhân. Nếu hậu quả trong vụ việc này là nạn nhân qua đời thì chắc chắn người lái xe này không thể thoát khỏi vòng lao lý”, Luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho hay, trong quá trình giải quyết vụ việc cơ quan công an sẽ làm rõ yêu tố lỗi trong vụ tai nạn này. Nếu người đàn ông này chuyển hướng phương tiện giao thông là ô tô mà không bật đèn tín hiệu hoặc ở nơi không được phép chuyển hướng, không được phép quay đầu thì người này sẽ bị xử lý hình sự muốn thương tích của nạn nhân từ 61 % trở lên.
“Việc xác định hậu quả, xác định lỗi của vụ việc tai nạn là rất quan trọng làm cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý, trong vụ việc này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có lỗi người ta hậu quả nghiêm trọng đối với nạn nhân. Chưa biết kết quả giải quyết thế nào tuy nhiên hành vi ứng xử của người lái xe trên là hoàn toàn không phù hợp với đạo đức và vi phạm pháp luật, hành vi này cần phải lên án và xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung và nâng cao đạo đức, những giá trị nhân văn của xã hội”, Luật sư Cường cho biết.
Cần tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự để làm gương
Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, bản thân ông đã xem đi, xem lại clip nhiều lần để tìm ra nguyên nhân của sai phạm. Do đoạn clip bị giới hạn về góc quay nên không thể thấy chuẩn được để nói nguyên nhân chính xác.
“Việc này cần phải có sự điều tra và kết luận chính thức của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong clip có thể thấy người tài xế khi qua đường có bật tín hiệu đèn xi nhan bên trái nhưng nam thanh niên khi qua ngã tư đã không chạy chậm lại và không làm chủ tốc độ nên đã dẫn đến tai nạn thương tâm trên”, Luật sư Bình nói.
Theo ông Bình, hiện chưa thể xác định được bên nào có lỗi nên chúng ta chưa thể nói là tài xế taxi có vi phạm Điều 260 Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 hay không?
Bởi vì bất kỳ người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác được quy định tại Điều 260 thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự và bồi thường cho người bị thiệt hại chứ không phải chỉ xe lớn mới là người chịu trách nhiệm.
“Nếu tài xế taxi là nguyên nhân gây ra tai nạn thì với tình tiết bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì sẽ bị phạt từ 3 đến 10 năm tù. Còn nếu tài xế không có lỗi thì không thể truy cứu theo Điều 260 nhưng ở đây tài xế thấy thấy người nguy hiểm đến tính mạng nhưng đã không cứu giúp và bản thân mình có khả năng cứu giúp thì đã vi phạm Điều 132 Bộ luật hình sự Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”,Luật sư Bình nói.
Ông Bình cho biết, với tình tiết người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm, người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp thì người tài xế sẽ bị tù từ 01 năm đến 05 năm.
Luật sư Bình nói thêm, cho dù trong trường hợp người tài xế qua đường đã xi nhan theo đúng luật và đây là trường hợp họa vô đơn chí, người thanh niên do không làm chủ tốc độ phải chịu hậu quả của hành vi do mình gây ra thì trong trường hợp này cả pháp luật và đạo đức đều không cho phép người tài xế hành xử như thế.
“Trong trường này, người tài xế có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện hành vi cứu giúp nạn nhân và việc thực hiện hành vi này không gây nguy hiểm cho tài xế thì với trách nhiệm nghề nghiệp của mình người tài xế phải có các cách ứng xử như thông báo cho Công an, kêu gọi mọi người cùng đến giữ hiện trường và chở người đi cấp cứu chứ không thể nào bỏ mặt người bị nạn như thế được”, Luật sư Bình cho hay.
Luật sư Bình cũng cho rằng, nhìn ở góc độ đạo đức, xã hội, những hành động dửng dưng trước sự nguy hiểm của người khác, thái độ ấy đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm mới mong răn đe, phòng ngừa chung.
“Khi thấy người khác gặp nạn thì trước tiên phải có trách nhiệm cứu giúp họ thoát khỏi tình trạng nguy hiểm bất chấp khó khăn. Ở đây, rõ ràng có đầy đủ bằng chứng cho thấy người tài xế không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, do đó cần tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự để làm gương cho mọi người”, Luật sư Diệp Năng Bình nói.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)