Tai nạn trên QL5: Không sửa chữa QL5 thì đừng thu phí nữa

Google News

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chủ đầu tư Quốc lộ 5 (QL5) sửa chữa đường xuống cấp, đảm bảo khai thác an toàn, nếu không sẽ phải dừng thu phí.

Nói đến tuyến Quốc lộ 5 (QL5 Hà Nội - Hải Phòng) giờ đây với nhiều người quả thực là nỗi ám ảnh. Mặt đường lồi lõm, ổ gà sống trâu, không có gờ giảm tốc, thiếu vạch sơn kẻ đường, không có biển hạn chế tốc độ tại khu đông dân cư…là những nguyên nhân khiến Quốc lộ 5 là tuyến đường dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Cũng từ đó, QL5, liên tiếp các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường này. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới, ngoài ý thức của người tham gia giao thông còn cò bất cập từ việc tuyến QL5 đã được đưa vào khai thác sử dụng từ lâu và đến thời điểm này đã xuống cấp trầm trọng.
2 vụ TNGT liên tiếp trên tuyến QL5 đoạn qua Kinh Thành, Hải Dương khiến 7 người chết là tiếng chuông cảnh báo mạnh nhất đến người dân và cơ quan có tránh nhiện. Đã có nhiều chỉ đạo để đảm bảo an toàn giao thông, trong đó phải kể đến việc Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu trích ngay 800 tỷ từ nguồn quỹ dự phòng để sửa chữa QL5. Mới đây Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện yêu cầu VIDDIFI (đơn vị thu phí QL5) phải sửa chữa, khắc phục, nếu không sẽ bị dừng thu phí.
Tai nan tren QL5: Khong sua chua QL5 thi dung thu phi nua
Việc tổ chức giao thông kém là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.
Những bất cập hạ tầng giao thông trên QL5
QL5 là tuyến giao thông huyết mạch nối cụm cảng Hải Phòng với Hà Nội dài 105 km, có 4 làn ôtô và 2 làn xe máy. Tuy nhiên, vạch sơn phân làn tại nhiều đoạn đã “biến mất” từ lâu.
Tại ngã tư giao cắt đường QL5 vào trung tâm thành phố Hải Dương, các phương tiện giao thông di chuyển lộn xộn, không theo hàng lối nào.
Đặc biệt, từ khi có QL5, nhiều xã của Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên bị chia cắt. Với xã Kim Lương, Cộng Hòa (Kim Thành, Hải Dương) hiện nay có tình trạng xã bị chia đôi, bên này đường là chợ, là trường học, bên kia đường là trụ sở UBND xã, trạm y tế, xí nghiệp nhà máy….Trong khi đó, cầu vượt tại khu vực này là quá ít, không đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Nhiều đoạn trên tuyến QL5 không có đường gom, có cây cầu vượt được thiết kế dẫn thẳng xuống QL5. Đây chính là những lý do khiến cho số vụ TNGT từ đầu năm 2019 đến nay xảy ra trên tuyến quốc lộ này vẫn không được kiểm soát.
Việc qua đường trong tình huống những dòng xe siêu trường, siêu trọng chạy dàn ngang, nối hàng như thế này vô cùng nguy hiểm, tính mạng bị đe dọa, thế nhưng họ vẫn buộc phải băng qua, không còn cách nào khác.
Ông Trần Đình Thông, người dân xã Cộng Hòa (Kim Thành, Hải Dương) cho biết: "Xã tôi bị chia cắt như thế này nên nhu cầu của người dân cả 2 bên đường là rất lớn. Tôi rất mong có một trạm đèn tín hiệu giao ở đây như vậy mới phần nào để người dân qua đường an toàn".
Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông tuyến QL5 ngày càng trở nên phức tạp. Các chủ phương tiện cũng vô tư dừng đỗ xe 2 bên đường gây cản trở tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông khác, khiến tình hình giao thông tại đây lộn xộn, nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đừng thu phí theo kiểu “sống chết mặc bay – tiền thầy bỏ túi”
Ông Đỗ Quang Trung, Giám đốc công ty Cổ phần Vận tải, thương mại và dịch vụ Hoa Phượng (Hải Phòng) phản ánh, mật độ phương tiện quá đông trong khi đường xuống cấp không được sửa chữa, biển báo tại các nút giao cắt khó quan sát nên tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Nhiều đoạn đường bị hằn lún vệt bánh xe tải trọng lớn trồi lên, sụt xuống nên phương tiện đi qua bị rung lắc. Một số đoạn hằn lún đã được khắc phục bằng cách cào bóc, trám nhựa nhưng chỉ được thời gian ngắn lại đâu vào đó.
“Vấn đề là QL5 đã quá lâu không được sửa chữa lớn mặt đường, dù nhiều năm nay vẫn thu phí BOT và phí bảo trì đường bộ. Trong khi theo quy định của Bộ GTVT, nếu đường xuống cấp, chủ đầu tư không sửa chữa đảm bảo lưu thông an toàn thì phải dừng thu phí”, ông Trung bức xúc.
Anh Nguyễn Văn Dũng, một doanh nghiệp vận tải (trụ sở tại Hưng Yên) có nhiều đầu xe thường xuyên đi trên Quốc lộ 5 bức xúc: “Dọc tuyến quốc lộ 5 mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe ở những mức độ khác nhau, có chỗ như luống cày. Khi đi vào những đoạn mặt đường bị như vậy nếu không vững tay lái rất dễ để xe lao vào dải phân cách hoặc đi sang làn đường bên cạnh, điều này rất nguy hiểm. Phí ở 2 trạm thu rất cao,mà đường thì không thê chấp nhận được”.
Còn ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc doanh nghiệp vận tải Đức Chính, một doanh nghiệp vận tải lớn trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho rằng: Chúng ta nên sòng phẳng với nhau, như tuyên bố của Bộ GTVT là đường hỏng thì không cho thu phí. Nhưng ở đây vẫn thu đủ của các xe không thiếu 1 xu mà đường thì “nát bét” là không thỏa đáng. Bộ GTV và các cơ quan phải vào cuộc xem xét, có thái độ dứt khoát.
“Trong khi QL5 nhiều năm nay ít được tu sửa, nâng cấp, chất lượng đường xuống cấp trầm trọng, mà mức thu phí lại quá cao như vậy là điều vô lý. Chúng tôi trả phí để đi trên đường xe lưu thông tốt, đảm bảo an toàn. Nhưng thực tế đường hỏng, xuống cấp không được sửa chữa và tai nạn luôn rình rập. Chúng tôi mong dư luận vào cuộc và để các ngành chức năng nhìn ra vấn đề mà giải quyết”, ông Chính nói.
Dứt điểm không sửa chữa phải dừng thu phí
Liên quan đến nhiều vấn đề của QL5, Vụ trưởng Quản lý bảo trì đường bộ (Tổng cục ĐBVN) Lê Hồng Điệp thừa nhận, việc khai thác QL5 với tốc độ 80 km/h hiện nay chỉ đáp ứng được với một số loại xe con, còn lại các xe tải trọng lớn thì không thể. Điều này là do một số đoạn mặt đường xuống cấp và lưu lượng phương tiện lưu thông đã cao gấp 3 lần lưu lượng thiết kế (khoảng hơn 40.000 xe/ngày đêm).
Theo ông Điệp, QL5 vẫn được bảo dưỡng thường xuyên nhưng chủ yếu chỉ vá ổ gà phát sinh trên mặt đường và vệ sinh, khơi thông cống rãnh, sơn những vị trí mờ…
Còn Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện khẳng định, Tổng cục đã yêu cầu VIDIFI và Cục Quản lý đường bộ 1 rà soát, báo cáo để làm đường gom, cầu vượt, đèn tín hiệu...
Bộ GTVT đã giao Tổng cục ĐBVN thống nhất phương án, tuy nhiên hiện nay Ngân hàng Phát triển VN (VDB) - cổ đông chính của VIDIFI chưa bố trí vốn để sửa chữa lớn.
Ông Huyện cũng nói rõ, nhà đầu tư không thể lấy lý do khó khăn về vốn để trì hoãn thực hiện sửa chữa đoạn đường xuống cấp, bởi đây cũng là hạng mục an toàn phục vụ khai thác, thu phí.
“Nếu doanh nghiệp không triển khai các biện pháp tu sửa đường đảm bảo khai thác an toàn thì Tổng cục buộc phải dừng thu phí theo quy định của Bộ GTVT”, ông Huyện nói.
Tai nạn giao thông trên tuyến QL5 đã đến hồi “báo động đỏ”. Trong lúc chờ đợi các giải pháp thực thi thì mỗi người dân hãy chủ động bảo vệ tính mạng của mình. Và mỗi tài xế hãy điều khiển phương tiện lưu thông qua đây bằng cả trái tim.
Theo Phi Long/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)