Sự cố sập cầu Phong Châu: Không để học sinh gián đoạn học tập

Google News

Sở GD&ĐT Phú Thọ đã lên phương án để học sinh học tạm trong thời gian chờ khắc phục sự cố cầu Phong Châu và việc cấm một số cầu trên địa bàn.

Theo Sở GD&ĐT Phú Thọ, sự cố sập cầu Phong Châu và việc cấm các phương tiện qua lại cầu Trung Hà, cầu Tứ Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến việc đi học hằng ngày của một số học sinh.
Su co sap cau Phong Chau: Khong de hoc sinh gian doan hoc tap
Hình ảnh cầu Phong Châu bị chia cắt bởi dòng nước lũ. Nguồn baotainguyenmoitruong 
Cụ thể, học sinh thường trú ở huyện Lâm Thao, Cẩm Khê sang học tại các cơ sở giáo dục của huyện Tam Nông và ngược lại. Ngoài ra còn có học sinh thường trú ở huyện Ba Vì (Hà Nội) sang học tại các cơ sở giáo dục của huyện Tam Nông.
Nhằm tạo điều kiện cho các học sinh này được học tập thuận lợi trong thời gian khắc phục sự cố, Sở GD&ĐT Phú Thọ yêu cầu phòng GD&ĐT Lâm Thao, Tam Nông, Cẩm Khê chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn rà soát, nắm bắt số trẻ em, học sinh đi học hằng ngày qua các cầu Phong Châu, Tứ Mỹ.
Phối hợp tiếp nhận trẻ em, học sinh có nhu cầu học tạm tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn trong thời gian khắc phục sự cố gãy cầu Phong Châu và cấm các phương tiện qua cầu Tứ Mỹ, Trung Hà.
Đối với các trường THPT, các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn huyện Tam Nông, Lâm Thao, Cẩm Khê tiến hành rà soát, lập danh sách học sinh của đơn vị có nhu cầu học tạm tại các trường THPT/Trung tâm GDNN-GDTX ở huyện.
Tổ chức bàn giao học sinh của đơn vị có nhu cầu học tạm tại đơn vị bạn; tiếp nhận học sinh của đơn vị bạn có nhu cầu học tạm tại đơn vị mình (kế cả số học sinh thường trú tại huyện Tam Nông hiện đang học tại một số trường THPT ở huyện Ba Vì, TP Hà Nội).
Bố trí học sinh học tạm vào các lớp theo tổ hợp các môn học lựa chọn linh hoạt, đảm bảo đáp ứng tối đa số môn học sinh được học.
Đơn vị gửi học sinh học tạm và đơn vị nhận học sinh học tạm thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình, kết quả học tập của học sinh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ học sinh trong quá trình học tạm.
Sở GD&ĐT Phú Thọ cũng yêu cầu sau khi có cầu tạm thay thế cầu Phong Châu và thông xe cầu Trung Hà, Tứ Mỹ các đơn vị bàn giao học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh học tạm về đơn vị cũ.
Xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, dạy bù, bồi dưỡng củng cố kiến thức cho học sinh của đơn vị sau thời gian học tạm.
Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên Quốc lộ 32C, kết nối xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao với xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông. Do nằm ở vị trí trọng yếu nên cầu thường xuyên có lưu lượng phương tiện qua lại rất đông. Vào 10h ngày 9/9, sự cố sập cầu Phong Châu đã gây những ảnh hưởng nặng nề về người và tài sản, làm gián đoạn và tắc nghẽn giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân tại khu vực này.
Ngay sau khi xảy ra sự việc sập cầu Phong Châu, ở các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp của người dân trong hỗ trợ, giúp đỡ những người chịu ảnh hưởng bởi sự cố. Gia đình anh Bùi Văn Đà, khu 4, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, kinh doanh vận tải hành khách đã giúp các phụ huynh, nhà trường đưa đón học sinh đang học tập tại các xã của huyện Tam Nông về huyện Lâm Thao.
Gia đình chị Trần Thị Huyền Trang ở khu 6, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, có hai căn nhà ở khu 5 và khu 6, xã Hương Nộn còn nhiều phòng trống. Chị đã đăng bài viết lên mạng xã hội, mong muốn được giúp đỡ những ai gặp khó khăn trong việc di chuyển hằng ngày qua cầu, qua nhà chị ở miễn phí.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sập cầu Phong Châu - Phú Thọ, chưa rõ thiệt hại:
 
Bình Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)