Nương tay với nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm xây dựng?
Thời gian gần đây, dư luận tỉnh Thanh Hóa xôn xao trước thông tin nhiều công trình đã và đang triển khai xây dựng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xây dựng nhưng vẫn được tỉnh Thanh Hóa và Sở Xây dựng Thanh Hóa “mắt nhắm, mắt mở” để nương tay.
Cụ thể, theo phản ánh của người dân, công trình Khu nhà ở chung cư Tecco Towers 21 tầng (TECCO), có địa chỉ tại Lô CC2, Khu tái định cư đường vành đai Đông Tây, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa đang xây dựng chưa đủ thủ tục hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động quản lý xây dựng thẩm định nhưng vẫn được Sở Xây Dựng cấp phép. Hay như nhà máy nước Quế Sơn (thuộc xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) do Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát làm chủ đầu tư. Tuy công ty này mới có quyết định về việc chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh Thanh Hóa đối với dự án hệ thống cấp nước Khu kinh tế Nghi Sơn và chưa có giấy phép xây dựng, cũng như đánh giá tác động môi trường nhưng đã tiến hành thi công công trình.
|
Hồ Quế Sơn (xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). |
Để tìm hiểu, xác minh các phản ánh của người dân về những lùm xùm thông tin trong dư luận, PV Kiến Thức đã tìm hiểu dự án nhà máy nước Quế Sơn (thuộc xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) do Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, ngày 10/6/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết Định số 1982/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Hệ thống cấp nước Khu kinh tế Nghi Sơn. Tại Quyết định nói trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương cho Liên doanh Tổng công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - Công ty cổ phần và Công ty TNHH một thành viên Sông Chu đầu tư một nhà máy nước có công suất 60.000 mét khối/ngày đêm tại hồ Quế Sơn, xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia và một đường ống dẫn nước thô từ hồ Yên Mỹ về hồ Quế Sơn với công suất 90.000 mét khối/ngày đêm.
Trước đó, ngày 6/6/2016, Liên doanh Công ty Anh Phát - Sông Chu có văn bản đề nghị xin chủ trương đầu tư dự án, thì ngày 8/6/2016 Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh đã có văn bản báo cáo chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về chấp thuận chủ trương đầu tư; và ngày 10/6/2016, UBND tỉnh đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dư án.
Chỉ trong vòng vài ngày, một dự án lớn đã được thông qua, như vậy là chưa tuân thủ theo điều 33 của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội ban hành về hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh. Vì thế dư luận cho rằng, UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan liên quan đã bỏ qua các bước hồ sơ, thủ tục đầu tư, không đánh giá đúng thực tế khách quan nhu cầu nước của khu kinh tế Nghi Sơn; trong khi khu kinh tế Nghi Sơn đã có một nhà máy nước của Công ty Bình Minh công suất 90.000 mét khối/ngày đêm mà hiện nay mới tiêu thụ chưa đến 1/10 công suất. Thế nhưng tỉnh vẫn chủ trương cho đầu tư một nhà máy nước khác 60.000 mét khối/ ngày đêm trong phạm vi khoảng cách chưa đến 6,5km.
Hơn nữa, ghi nhận của PV Kiến Thức tại hồ Quế Sơn - nơi đặt dự án, dù mới chỉ được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Hệ thống cấp nước Khu kinh tế Nghi Sơn nhưng tại khu vực hồ chứa nước Quế Sơn (xã Mai Lâm) - nơi đặt địa điểm nhà máy nước do Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát làm chủ đầu tư, xe xúc đất nối đuôi nhau hoạt động tại công trường này.
Trao đổi với PV về việc dự án nhà máy nước đặt tại hồ Quế Sơn, một lãnh đạo UBND xã Mai Lâm cho biết, chủ đầu tư dự án trên không thấy thông báo khởi công hay gửi đánh giá tác động môi trường đến chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho biết: “Đây là nhà máy 100% vốn tư nhân, cho nên việc người ta có đầu tư và xin cấp giấy phép hay không là việc của người ta. Doanh nghiệp hướng nhà thầu như thế nào, vừa thiết kế vừa thi công là quyền của người ta. Trách nhiệm của UBND huyện là giải phóng mặt bằng mà thôi” (!?)
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa Lưu Trọng Quang cho biết, hiện tại Sở chưa nhận được thông báo đánh giá tác động môi trường về dự án này. Theo quy định thì dự án phải được phê duyệt và có đánh giá tác động môi trường mới được thực hiện.
Trao đổi với PV Kiến Thức về việc dự án nhà máy nước tại hồ chứa nước Quế Sơn, ông Lê Ngọc Thanh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa, khẳng định: “Đây là dự án nằm ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn nên thuộc Sở Xây dựng Thanh Hóa cấp phép. Hiện dự án này chưa được cấp phép xây dựng”.
Việc cho đầu tư nhà máy nước tại hồ Quế Sơn không những chưa có giấy phép xây dựng nhưng vẫn tiến hành thi công san lấp mặt bằng mà còn vi phạm nghiêm trọng Quyết định 1364/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: “Về phê duyệt quy hoạch chung KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá” của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 10/10/2007, tại điểm b của Quyết định có ghi rõ: Tổng nhu cầu cấp nước tại KKT Nghi Sơn đến năm 2015 là 80.000m3/ngày đêm, đến năm 2015 là 140.000m3/ngày đêm. Nguồn nước chủ yếu được lấy từ hồ Yên Mỹ về hồ Đồng Chùa, sau năm 2015 bổ sung từ hồ Sông Mực. Về công trình cấp nước, trạm nước thô xây dựng tại hồ Yên Mỹ sau đó được bơm về hồ Đồng Chùa và hồ Kim Giao. Vị trí xây dựng các nhà máy nước tại hồ Đồng Chùa phục vụ cho phía Đông Nam quốc lộ 1A, công suất 90.000m3/ngày đêm, nhà máy nước tại hồ Kim Giao phục vụ phía Tây quốc lộ 1A, công suất 50.000m3/ngày đêm".
Như vậy, theo Quyết định này thì không có nhà máy nước nào được xây dựng tại hồ Quế Sơn như Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt (hồ Quế Sơn nằm phía Đông Nam quốc lộ 1A; hồ Kim Giao cách hồ Đồng Chùa 15km). Việc Thanh Hoá cho xây dựng nhà máy nước tại hồ Quế Sơn đã vi phạm nghiêm trọng Quyết định 1364/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Gây khó cho doanh nghiệp trong việc cấp phép xây dựng?
Nương tay cho nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm xây dựng trên địa bàn tỉnh nhưng dư luận cho rằng, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa lại "tích cực" xử lý, o ép một doanh nghiệp trong dự án có nhiều ý nghĩa xã hội là “Khu bể bơi, thể thao dưới nước và vui chơi giải trí dành cho các cháu thiếu nhi” tại thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành. Dự án trên của doanh nghiệp tư nhân Huy Lâm được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương tại Công văn số 940/UBND-NN ngày 12/1/2014; Quyết định giao đất số 4160/QĐ-UBND ngày 19/10/2015, thời hạn 50 năm, diện tích xây dựng là 10.654m2, nguồn vốn xã hội hóa 100% của doanh nghiệp.
Sau khi nhận được Quyết định giao đất của UBND tỉnh, ngày 10/3/2016, doanh nghiệp tư nhân Huy Lâm đã nộp hồ sơ thẩm định tại Phòng một cửa của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Ngày 12/3/2016, cán bộ Phòng một cửa Sở Xây dựng gọi điện thông báo doanh nghiệp tư nhân Huy Lâm đến rút hồ sơ để bổ sung. Sau khi hoàn tất hồ sơ theo yêu cầu, ngày 15/3/2016, doanh nghiệp đã nộp hồ sơ lần 2. Cả hai lần một hồ sơ đều có phiếu giao nhận và hẹn trả kết quả vào ngày 13/4/2016. Đã quá ngày hẹn mà vẫn không thấy trả kết quả, nhiều lần doanh nghiệp đến phòng Thẩm định của Sở Xây dựng để hỏi nhưng không được trả lời rõ ràng.
Trước việc có dấu hiệu gây khó khăn của Sở Xây dựng Thanh Hóa, ngày 9/6/2016, ông Bùi Huy Long - Chủ doanh nghiệp tư nhân Huy Lâm đã gửi Công văn báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị làm rõ sự việc.
Ngày 13/6/2016, bộ phận thẩm tra Sở Xây dựng gọi điện cho doanh nghiệp đến ký Hợp đồng và yêu cầu mang hồ sơ xuống bộ phận tiếp nhận để nộp lần 3, đồng thời hẹn trả kết quả vào ngày 11/7/2016.
|
Từ việc Sở Xây dựng xử lý dự án xây dựng bể bơi đã dẫn đến nhiều lùm xùm không đáng có. |
Đại diện DN Huy Lâm cho biết: "Trong thời gian chờ hồ sơ thủ tục được thẩm định, lo ngại không kịp tiến độ xây dựng cũng như áp lực vay vốn ngân hàng nên DNTN Huy Lâm đã khởi công xây dựng một số hạng mục của dự án". Theo doanh nghiệp này thì việc chậm thẩm định và trễ hẹn của Sở Xây dựng đã tạo nên cái “bẫy việt vị” đẩy doanh nghiệp vào tình thế vi phạm trật tự xây dựng.
Cho rằng có sự chậm trễ trong việc vào cuộc của phía UBND tỉnh Thanh Hóa, doanh nghiệp Huy Lâm đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin trả lại toàn bộ diện tích mà UBND tỉnh đã cấp cho doanh nghiệp xây dựng Khu bể bơi.
"Không được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đứng ra giải quyết, vậy doanh nghiệp tư nhân Huy Lâm làm báo cáo này quyết định trả lại khu đất và dự án trên cho UBND tỉnh Thanh Hóa và không tiếp tục đầu tư nữa"- báo cáo doanh nghiệp gửi tỉnh nêu rõ.
Sự việc tiếp tục lùm xùm khi ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Thanh Hóa phản ánh về việc Sở Xây dựng có nhiều biểu hiện gây khó cho các doanh nghiệp là thành viên Hiệp hội và có dấu hiệu trả đũa người phản ánh.
Ông Nguyễn Văn Đệ dẫn chứng: “Nhà máy dăm ở xã Xuân Bình, Như Xuân, nhà máy dăm ở thị trấn Bến Sung, Như Thanh, khu liên hợp thể thao ở nhà văn hóa huyện Nông Cống, doanh nghiệp Thanh Niên ở thị trấn Chuối, huyện Nông Cống, khu trưng bày sản phẩm của Nhà máy gạch tuyn, đóng tại xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa... ai cấp phép, ai cho chuyển đổi đất? Thế nhưng họ vẫn làm, họ làm công khai trên hàng nghìn mét vuông đất trong thời gian dài. Sở Xây dựng đã biết chưa, đã xử lý chưa? Trong khi đó doanh nghiệp xây cái bể bơi để tập cho các cháu nhằm ứng phó với thiên tai, đáng lẽ đây là công trình mang tính chất phúc lợi cao thì các anh ấy phải nhiệt tình ủng hộ, giúp họ hoàn tất hồ sơ nhanh để công trình sớm đưa vào sử dụng. Đằng này họ còn gây khó, trong khi đó các doanh nghiệp khác sai lù lù ra đấy sao Sở Xây dựng không xử lý? Chính điều này đã gây những bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp".
Việc doanh nghiệp vi phạm cần xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật nhưng cần bình đẳng trong việc xử lý vi phạm xây dựng với tất cả các doanh nghiệp nếu có.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin liên quan đến sự việc, vấn đề này.