Video "Thấy gì từ vụ 18 y, bác sĩ bị phơi nhiễm HIV. Nguồn: VTV
Nhưng chính 16 năm làm nghề giáo, với hàng trăm em học sinh đang thôi thúc cô được sống, để làm thầy, làm mẹ cho những đứa con thứ 2. Mỗi ngày trôi qua là một ngày cô lặng lẽ, bền bỉ đấu tranh với những khó khăn, gian khổ để vươn lên làm chủ số phận.
Phận đời cay đắng của kiếp "hồng nhan bạc mệnh"
Cô giáo xinh đẹp mà chúng tôi nói đến là cô Nguyễn Thị Hoàn (SN 1978), hiện đang là giáo viên dạy văn của trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế, Bắc Giang). Nhắc lại chuyện quá khứ, cô Hoàn bình tĩnh khi kể lại mối duyên tình nghiệt ngã giữa cô và người chồng đã mất, có lẽ cũng chính là định mệnh của đời cô.
Khi cô vừa tốt nghiệp ĐH Sư phạm và về đây giảng dạy thì chồng cô lên tìm như tìm một người bạn thân. "Một lần, cả hai rủ nhau đi ăn cỗ ở huyện Lương Tài, Bắc Ninh. Trên đường đi phải qua phà. Lúc phà rời bến, bắt đầu chòng chành thì đột nhiên thấy cậu bạn túm tay mình một cái để giữ cho mình đứng cho vững. Chỉ một chi tiết rất là nhỏ đấy thôi làm mình nghĩ, có lẽ người này là chỗ dựa của mình" - cô giáo xinh đẹp kể.
|
Cô Hoàn tại ngôi trường nơi cô giảng dạy. Ảnh: Lâm Tú. |
Bỗng một hôm người đàn ông ấy hỏi cô Hoàn: “Thế em có lấy anh không?” Và sau đó, đám cưới đã được tổ chức vào năm 2001. Những tưởng cuộc sống của cô có thể hạnh phúc, mỉm cười như bao người khác nhưng số phận lại vô cùng trớ trêu...
Cô giáo Hoàn phát hiện chồng mình nghiện, bản thân trong gia đình cũng có em trai vướng phải "nàng tiên nâu". Cô thống hiểu nỗi đau của chồng, vì cô biết bản thân anh là một người hiền lành, chăm chỉ.
Nhưng có lẽ, những gì cô suy tính không bằng trời tính. Chồng cô không thoát khỏi cám dỗ, nghiện trở lại khi cô đang mang bầu con gái đầu lòng. Cô tâm sự : “Khi mình mang thai, anh ấy đã một mình trên gác tự trói chân tay để cai nghiện. Mình đã hy vọng biết bao nhiêu vì đứa con ấy. Nhưng rồi tất cả mọi cố gắng cuối cùng cũng theo dòng nước trôi đi”.
Cuối năm 2002, cô sinh con gái đầu lòng. Nhưng cũng từ giây phút ấy cô giáo đau đớn nhận ra “ngôi nhà nhỏ của mình đã chính thức có 3 cái án tử mang tên căn bệnh thế kỷ".
Vào thời khắc thiêng liêng nhất của người phụ nữ, khi chào đón đứa con đầu lòng cũng là lúc cô biết mình bị nghi nhiễm HIV. Hạnh phúc không trọn vẹn, vài tháng sau, cô đưa con vào bênh viện khám bệnh và phát hiện ra mình đã nhận “bản án tử hình” khi tuổi đời còn trẻ - cô khi ấy mới bước sang tuổi 25.
Sau khi con gái đầu lòng qua đời, người vợ trẻ không nản chí, tiếp tục khuyên chồng nên đi cai nghiện. Cô dồn toàn tâm toàn ý chăm sóc chồng. Hai năm chồng đi cai nghiện là hai năm cô kiên trì, hy vọng vào một tương lai tươi đẹp. Hàng tháng, sau khi lĩnh lương, cô dành thời gian và tiền của lên ở luôn với chồng. Trại cai nghiện ở tận Việt Trì (Phú Thọ).
Sau cai nghiện, chồng cô trở về với gia đình, niềm vui của cô không thể diễn tả hết bằng lời. Nhưng chẳng được bao lâu, một lần nữa, hạnh phúc bỏ rơi cô. Chồng cô tái nghiện và còn nặng hơn trước. 5 tháng sau, người bạn đời của cô qua đời: “Tính thời gian làm vợ chồng là hơn 4 năm, còn ở gần nhau chỉ được khoảng 2 năm”, cô Hoàn tâm sự thêm.
Hai ngày cuối tháng 4/2005 có lẽ là thời gian đau đớn nhất cuộc đời cô, khi mà người em trai mất hôm trước, hôm sau chồng cô cũng ra đi. Những người thân cô yêu thương nhất: con, em trai và cả chồng đều bỏ cô ra đi vì căn bệnh thế kỷ. Nỗi đau này chưa qua thì nỗi đau khác lại tiếp tục, nó cứ dai dẳng, day dứt tận tâm can.
Có lẽ vùng núi non hiểm trở của vùng Yên Thế đã cho cô một ý chị mạnh mẽ, một nghị lực phi thường để vượt qua nỗi đau, tiếp tục sống cuộc đời còn dang dở của chồng, của con, của em trai.
Mẹ của một đàn con
Năm 1996, cô bước chân vào giảng đường ĐH Sư phạm 2, và theo học khoa văn để thực hiện ước mơ từ bé của mình là làm cô giáo. Cô tâm sự: "Ngày xưa hồi bé, thích làm cô giáo lắm, thích được đứng bục giảng dạy, còn vì sao mình thích nữa thì mình cũng không rõ".
Cô Hoàn tâm nguyện rằng, người đàn bà đầy bất hạnh như cô chỉ có điểm sáng duy nhất là chọn đúng nghề, thực hiện được ước mơ của mình.
|
Cô Hoàn cùng các em học sinh lớp 10A2 do cô chủ nhiệm. Ảnh: Lâm Tú. |
Lúc đầu mới vào nghề, cô cũng chật vật để dạy các em học sinh bởi vừa mới ra trường, chân ướt chân ráo vào nghề nên thiếu kinh nghiệm. Một lý do khác là môn văn chưa bao giờ quan trọng trong con mắt các em học sinh, nhiều lúc cô buồn vì các em đang bỏ rơi văn học.
"Môn Văn không chỉ đơn thuần là học văn mà còn dạy các em con chữ, lễ nghĩa. Cho dù mai sau các em có lên mặt trăng, sao kim, hay sao hỏa thì cũng phải học lễ nghĩa thì mới trở thành một con người có ích. Văn học là nhân học, vì vậy mình rất buồn khi các em quay lưng với môn học này", cô tâm sự.
Khó khăn tiếp theo, cô cho biết các em học sinh ở đây học yếu, cơ bản hổng rất nhiều kiến thức, có em đến viết tên mình còn không rõ nên phải rất lâu, cô mới giúp các em đi theo đúng quỹ đạo của mình.
Cô cho hay: "Cái lứa đầu thì đúng là học hơi yếu thật, nhưng từ 5-6 năm nay, các em học yếu trở lại do tác động của ngoại cảnh, ví dụ như công nghệ, game online,.... Không chỉ mình tôi, mà tất cả các giáo viên của trường Mỏ Trạng đều kì công dạy truyền đạt các em những kiến thức cần thiết. Tôi nghĩ rằng, việc dạy học đòi hỏi sự mềm mỏng trong suy nghĩ cũng như cách thực hiện, đâu nhất thiết phải phạt học sinh mới là tốt".
|
Một giờ lên lớp của cô. Ảnh: Lâm Tú. |
Để minh chứng cho lời nói của mình, cô kể lại một kỉ niệm đầu tiên và duy nhất sau khi cô biết mình mang "H". Chẳng là, có một em học sinh nghịch ngợm, bản thân cô cũng mắng mỏ nhiều, nói nhẹ nhàng, khuyên răn cũng có, tuy nhiên cậu ta còn nghịch khủng khiếp hơn.
Đến một ngày, cô đến lớp, thấy không khí khác lạ, và có một chữ "AIDS" to đùng được viết lên bảng. Lúc đó hơi bị sốc nhưng cô bình tĩnh, bảo các em lên xóa bảng để học bài, không truy cứu, không mắng mỏ, không dọa nạt và coi như chuyện bình thường.
"Đến khi ra trường, cậu học sinh đó đến tận nơi xin lỗi cô và nhận lỗi với các bạn. Mình cũng vui vẻ nhận thôi vì các em ở cái tuổi "ăn chưa xong" như vậy. Nhiều khi suy nghĩ thiếu chín chắn, bồng bột của tuổi mới lớn thôi", cô Hoàn vui vẻ kể lại.
Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất cô bị học sinh mang bệnh tật của mình trêu chọc. Cô quan niệm rằng: "Những lời nói trước mặt mới đáng để tâm. Còn sau lưng thì kệ nó, vì cô biết đằng sau mình cũng có những lời nói xì xèo, to nhỏ".
16 năm qua, cô Hoàn luôn lấy công việc giảng dạy để lấp đầy mọi khoảng trống thời gian, khiến cô tạm quên đi những nỗi đau và mất mát trong quá khứ. Bên cạnh đó, tình yêu thương tha thiết của cô dành cho các thế hệ học trò đã giúp cô kiên trì phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, trở thành giáo viên giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
|
Cô giáo Hoàn thừa nhận mình là người may mắn khi nhận được sự cảm thông, chia sẻ của học sinh, bạn bè, đồng nghiệp và các phụ huynh học sinh. Ảnh: Lâm Tú. |
Vì dành nhiều tâm huyết với nghề phấn trắng bảng đen, cô Hoàn nhận được những tình cảm yêu quý hết mực từ phía học trò và phụ huynh. “Tôi chỉ ấn tượng nhất là có những lần đến thăm nhà các em học sinh ở mãi tận bản xa, phụ huynh còn kỳ công giã bánh giầy để tiếp đón cô giáo. Tôi rất cảm động và yêu quý sự hồn hậu, chất phác của người dân vùng cao này”.
Cô Nguyễn Thị Hoàn cũng nhận mình là người may mắn khi nhận được sự cảm thông, chia sẻ của học sinh, bạn bè, đồng nghiệp và các phụ huynh học sinh. Cô chia sẻ: "Mình giống như mọi người, chỉ khác là mỗi ngày uống một viên thuốc để sống".
Chia sẻ với phóng viên, hai em Nông Thị Phương và Thân Thị Thu Thảo, học sinh lớp 10A2 do cô Hoàn làm chủ nhiệm xúc động nói: "Em biết cô trên tivi, nên bằng được phải học ở lớp cô chủ nhiệm. Cô hiền, dạy văn rất hay khiến bọn em thích học văn hơn. Em cũng thương cô hơn. Cô như người mẹ hiền thứ hai của chúng em vậy".
Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, cô Hoàn cho biết, món quà ý nghĩa nhất không phải là những bó hoa, hay những món quà vật chất. Mà những món quà ý nghĩa nhất là các em phải học thật tốt, không phụ công người thầy, cô Hoàn hào hứng khoe: "Lứa học sinh năm ngoái do mình chủ nhiệm, có khá nhiều em đỗ đại học, có em còn được điểm cao. Chỉ cần vậy là mình vui rồi".
Núi rừng Yên Thế cứ níu chân cô ở lại, cô nguyện dành hết quãng thời gian còn lại ở đây. "Mình còn sức khỏe là mình còn cống hiến, nếu chẳng may mai sau mình yếu thì thôi". Bản thân cô biết cái án tử vẫn đang treo lủng lẳng trên đầu, nhưng vì tình yêu nghề, yêu các em học sinh, bục giảng vẫn là một nghề đầy ma lực hấp dẫn cô đến suốt cuộc đời.