Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đang xôn xao với thông báo mới đây của nhà trường về việc thay đổi khung giờ giảng dạy áp dụng từ học kỳ sau.
Học từ 6h sáng… "nằm viện luôn"?!
Theo đó, nhà trường thông báo đến các đơn vị thuộc trường khung giờ giảng dạy mới từ 6h sáng, kết thúc lúc 22h10. Cả ngày sẽ có 17 tiết học, mỗi tiết 50 phút và nghỉ giải lao 10 phút, riêng buổi tối từ 18h, các tiết học diễn ra liên tục không có giờ nghỉ giải lao.
|
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong giờ tự học ở khuôn viên trường - Ảnh: TRẦN HUỲNH
|
Tuy nhiên, trong thông báo này nhà trường có ghi chú rõ một số tiết "đặc biệt", cụ thể: tiết 1 (từ 6h - 6h50) và tiết 17 (từ 21h20 - 22h10) "không xếp thường xuyên"; tiết 6 (từ 11h - 11h50), tiết 7 (12h - 12h50), tiết 12 (17h - 17h50) và tiết 13 (18h - 18h50) "cân nhắc tránh sinh viên/giảng viên học/giảng liên tục".
Thông báo này vừa được đăng trên fanpage Sinh Viên Bách Khoa chiều 18-10 đã nhận được hơn 200 bình luận và hơn 610 lượt chia sẻ. Trong đó, phần lớn ý kiến tỏ ra lo lắng, bức xúc với thông báo này. Một bạn tên Thúy Vy cho rằng: "Học 6h sáng tới 22h chắc vô bệnh viện nằm luôn". Còn bạn Hướng Rambo bảo: "Nếu 6h học 3 tiết đầu chắc tiết 3 mới đến lớp quá! Ai ngủ cho tôi?".
Ý kiến của Võ Phương Linh nhận được nhiều người nhấn nút "like"(yêu thích) nhất. Phương Linh thắc mắc không biết trường khi đưa ra thông báo có cân nhắc, khảo sát tình hình, nhu cầu học và dạy của sinh viên, giảng viên hay không?
"Riêng mình tin chưa đến 1/3 sinh viên, giảng viên trường muốn điều này. Ngoài ra, chúng ta có thể thấy thời gian bị kéo dài ra chủ yếu là do có chen giữa mỗi tiết 10 phút nghỉ giải lao, nhưng liệu nó sẽ được thực hiện đúng vậy như không", Linh đặt vấn đề.
|
Thông báo của Trường ĐH Bách khoa. |
Ngoài ra, bạn này còn cho rằng: "Ban lãnh đạo trường có biết dù nhiều tiết không được bố trí giờ nghỉ giải lao, nhưng thầy cô vẫn cho sinh viên thư giãn chứ không phải học suốt như trên bảng thời gian biểu của trường hay không? Thực tế và lý thuyết rất khác nhau và đặc biệt, nhu cầu con người mới là yếu tố quyết định trên hết, có người nào tới hỏi sinh viên bọn em muốn như thế nào, hoặc chấp nhận như vậy chưa?".
Tuy nhiên, cũng có vài ý kiến như Đặng Quang Trường cho rằng: "Từ 6h sáng đến 10h10 đêm học bình thường gì mà căng? Ngày tôi học 15 tiết liên tục còn chưa thấm vào đâu, đây học vài tiết thôi mà…".
Khung giờ đặc biệt để dự phòng trường hợp đặc biệt
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online về việc này, PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết từ trước đến nay giờ học sinh viên trường từ 6h30 sáng, buổi sáng có sáu tiết học. Nhưng sinh viên cho rằng việc học từ 6h30 sáng là quá sớm không học được. Do đó, bắt đầu từ học kỳ sau nhà trường sẽ điều chỉnh lại lịch học mỗi ngày bắt đầu từ 7h và trong buổi sáng chỉ có năm tiết học.
"Tuy nhiên, để dự phòng cho một số trường hợp đặc biệt, nhà trường đưa ra khung giờ giảng dạy mới từ 6h sáng, kết thúc lúc 22h10 như thông báo mới đây. Ví dụ như các sinh viên học hệ vừa làm vừa học ở tỉnh xa lên TP.HCM học có nhu cầu học sớm để kết thúc khóa học nhanh. Trong thông báo cũng đã ghi chú việc này rồi.
Quy định này như một căn cứ pháp lý để sau này có trường có muốn tổ chức lớp học lúc 6h và kết thúc lúc 22h10 thì cũng có căn cứ pháp lý để làm. Thực tế, nhà trường sẽ không xếp lịch học cho sinh viên chính quy vào những mốc giờ đặc biệt này"- ông Thắng chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng trước đây có những buổi sinh viên học liên tục 6 tiết thì tới đây tối đa chỉ còn 5 tiết. Tuy nhiên thời khóa biểu hiếm khi xếp giờ học 5 tiết mà chủ yếu 2-4 tiết (trừ môn thí nghiệm đặc thù cần thời gian liên tục).
Vào học từ 6h có phải là quá sớm, hay do sinh viên Việt đã quen dậy trễ? Bạn có ý kiến gì về giờ giấc của đa số sinh viên hiện nay? Mời bạn gửi ý kiến ở ô Bình luận hoặc email đến: tto@tuoitre.com.vn