Sharp Việt Nam tố Asanzo tới Bộ Công An: CEO Tam “nghẻo"?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Sharp Việt Nam tố cáo Asanzo khiến dư luận nghi ngờ việc Asanzo lừa người tiêu dùng khi liên tục hùng hổ tuyên bố hàng hóa của Asanzo có công nghệ từ Nhật Bản. Nếu những tố cáo của Sharp Việt Nam là sự thật, Asanzo và ông Phạm Văn Tam sẽ bị xử lý thế nào?

Sharp tố cáo Asanzo
Thông tin Sharp Việt Nam gửi đơn tố cáo tới Cơ quan An ninh, Bộ Công an và Công an TP HCM tố Asanzo về các hành vi "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức' và 'sử dụng con dấu, tài liệu giả..." tiếp tục khiến vụ việc liên quan đến Asanzo tiếp tục nóng lên.
Từ những nghi vấn của dư luận về slogan “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” đến những lời khẳng định của Asanzo về việc hợp tác với Sharp Roxy - một công ty con tại Hong Kong của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) đến việc Sharp Việt Nam có đơn tố cáo gửi Bộ Công an khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về sự trung thực của Asanzo.
Bởi trước đó, ngay khi dư luận có thông tin nghi ngờ việc sử dụng slogan “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” của Asanzo khi quảng cáo sản phẩm tivi, máy lạnh, đại diện Asanzo đã cho biết, tự tin sản phẩm TV và máy lạnh mang thương hiệu Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam và công nghệ Nhật Bản là có căn cứ và khẳng định, quy trình lắp ráp, kiểm soát chất lượng và bảo hành TV mang thương hiệu Asanzo được tư vấn và chuyển giao công nghệ bởi các chuyên gia của tập đoàn Nhật Bản và có thương hiệu hàng đầu thế giới cách đây 5 năm.
Sharp Viet Nam to Asanzo toi Bo Cong An: CEO Tam “ngheo
Công ty CP Tập đoàn Asanzo tổ chức họp báo ngày 17/9/2019. (Ảnh: Dân Việt). 
Thời điểm đó, đại diện Công ty CP tập đoàn Asanzo cho rằng, do đã ký hợp đồng bảo mật nên Asanso đang xin phép tập đoàn phía Nhật Bản để công bố điều này với thị trường Việt Nam nên chưa thể công bố.
Tuy nhiên, đến ngày 17/9, tại buổi họp báo công bố được minh oan, ông Trần Đức Hoàng - tư vấn pháp lý của Asanzo đã tuyên bố hùng hồn về việc sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. Theo đó, Asanzo có hợp tác với Sharp Roxy - một công ty con tại Hong Kong của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản).
Để minh chứng, người này còn dẫn một văn bản ngày 12/9 được cho là của Sharp Roxy tuyên bố rằng, Sharp Roxy có văn bản xác nhận đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm cùng với các dịch vụ liên quan. Hiện hợp đồng này còn hiệu lực.
Tuy nhiên, những thông tin trên vừa được công bố, Sharp Việt Nam dưới danh nghĩa công ty con tại Việt Nam của Tập đoàn Sharp đã phát đi thông cáo báo chí với nội dung Asanzo giả mạo bằng chứng về việc sở hữu công nghệ Nhật Bản dựa trên mối hợp tác giữa Asanzo và Sharp Roxy (Hong Kong).
Trong đơn tố cáo mới đây, Sharp Việt Nam khẳng định, thư xác nhận của Công ty Sharp Roxy (Hong Kong) gửi Asanzo ngày 12/9, về chuyển giao công nghệ Nhật Bản và hợp đồng chuyển giao "hiện vẫn còn hiệu lực" là giả mạo.
Đồng thời khẳng định, từ cuối tháng 10/2016, Công ty Điện tử Roxy không còn quan hệ gì với Tập đoàn Sharp. Công ty liên doanh giữa 2 bên trước đó là Sharp Roxy trở thành công ty con 100% vốn sở hữu của tập đoàn này. Sharp Roxy (Hong Kong) đổi tên thành Công ty TNHH Sharp Hong Kong từ tháng 10/2016.
Do vậy, Sharp Việt Nam cho rằng, không thể xảy ra việc SRH xác nhận theo thư công bố của Asanzo vào ngày 12/9. Đồng thời, khẳng định thông tin Asanzo đưa ra là sai sự thật và tài liệu đưa ra là giả mạo.
Đáng chú ý, ông Masashi Kubo - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam cũng cho rằng, Asanzo đã cố tình tạo ra tài liệu giả mạo với mục đích đánh lừa người tiêu dùng, rằng Asanzo vẫn đang có quan hệ hợp tác với tập đoàn Sharp để người tiêu dùng và dư luận tin rằng hàng hóa và công nghệ của Asanzo có nguồn gốc từ Sharp.
"Hành vi của Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo không chỉ ảnh hưởng quyền và lợi ích của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của Tập đoàn Sharp" - đơn tố cáo của Sharp Việt Nam nêu rõ.
Sharp Viet Nam to Asanzo toi Bo Cong An: CEO Tam “ngheo
Đơn tố Asanzo mà Sharp Việt Nam gửi đến Bộ Công an.  
Trả lời báo chí chiều 27/9, liên quan vấn đề này, ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Asanzo khẳng định những văn bản Asanzo công khai mới đây là do đối tác cung cấp và Asanzo đang yêu cầu bên thứ ba làm việc với Sharp để làm rõ thông tin.
“Tôi khẳng định Asanzo không giả mạo hồ sơ, giấy tờ. Asanzo đang yêu cầu bên thứ ba làm việc với Sharp để làm rõ thông tin” - ông Tam nói và cho biết Asanzo có mối quan hệ hợp tác, chuyển giao công nghệ với bên thứ ba từ nhiều năm nay.
Việc Sharp Việt Nam tố cáo Asanzo như trên khiến dư luận tiếp tục nghi ngờ việc Asanzo lừa người tiêu dung tin rằng hàng hóa của Asanzo có công nghệ từ Nhật Bản, đồng thời đặt ra giả thiết, nếu những nội dung Sharp Việt Nam tố cáo là sự thật thì Asanzo và ông Phạm Văn Tam sẽ bị xử lý thế nào?
CEO Phạm Văn Tam có phải chịu trách nhiệm hình sự?
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) nhận định, trường hợp cơ quan công an thụ lý đơn nếu cơ quan công an xác minh và kết luận cho thấy những tố cáo trên là đúng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Điều 341 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
“Hành vi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo không chỉ gây ảnh hưởng quyền và lợi ích của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của Tập đoàn Sharp. Đây là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật” - luật sư Diệp Năng Bình cho biết.
Đồng thời, theo luật sư Bình, việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần. Mục đích của việc làm giấy tờ giả là để thực hiện hành vi trái pháp luật. Hình phạt áp dụng đối với tội danh này là: Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm (Khoản 2) hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm (Khoản 3).
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 76 Bộ luật hình sự thì pháp nhân thương mại không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này mà chủ thể phải là cá nhân. Do đó không thể truy tố pháp nhân Asanzo mà chỉ truy tố cá nhân nào đã làm ra tài liệu, con dấu giả đó.
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)