Sáng 8/9, ngay sau siêu bão Yagi, ghi nhận của PV. VietNamNet tại chợ Văn Chương; siêu thị Big Thăng Long, Top market, Winmart,... trên địa bàn Hà Nội, các loại thực phẩm như: rau củ quả, thịt lợn, gà, thủy sản, trứng vẫn ê hề trên quầy kệ, sạp hàng.
Giá các loại mặt hàng này ở siêu thị gần như không đổi so với trước ngày siêu bão đổ bộ. Trong khi tại chợ, giá rau củ quả chỉ tăng nhẹ 1.000-3.000 đồng/kg, tuỳ loại; giá thịt lợn, trứng, thịt gà vẫn giữ nguyên.
Tuy nhiên, vẫn có một số khu vực ở Hà Nội, tiểu thương ở chợ chưa mở bán trở lại. Hàng ở siêu thị chưa về kịp nên quầy kệ vẫn trống không.
|
Hàng rau tại chợ Văn Chương mở bán từ sáng sớm, giá không tăng so với ngày thường. Ảnh: Bình Minh |
|
Một siêu thị Winmart ở khu vực Times City cũng đầy ắp rau củ quả. Ảnh: Chí Hiếu |
|
Nhân viên siêu thị đang bổ sung thịt lợn mát vào tủ hàng. Ảnh: Chí Hiếu |
Đơn cử, tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), sáng nay chỉ có vài hàng rau xanh mở bán ngay ngoài phố. Phía trong chợ vẫn “cửa đóng then cài”, không có sạp thịt cá nào bán.
Quầy thịt tại các siêu thị mini ở khu vực này cũng trống không từ ngày hôm qua đến nay.
Chị Trần Thị Tuyết - nhân viên một siêu thị trên phố Đại Từ, cho biết, sáng sớm nay, siêu thị đã báo đặt hàng số lượng thịt lợn, gà, thịt bò từ nhà cung ứng. Phía nhà cung ứng chỉ nhận đơn, chưa hẹn giờ giao hàng.
“Mưa bão, cây đổ khắp nơi nên tắc đường. Hôm qua mọi người cũng được cảnh báo không ra đường, hoạt động giết mổ gia súc gia cầm của nhà phân phối cũng bị ảnh hưởng. Do đó, giờ này vẫn chưa có thịt”, chị Tuyết nói.
|
Tại chợ Đại Từ, không một hàng thịt nào mở bán sáng nay. Ảnh: Tâm An |
|
Các siêu thị mini ở trên phố Đại Từ chung tình trạng quầy hàng thịt gần như trống không. Ảnh: Tâm An |
|
Nhân viên siêu thị cho hay: "Thịt chưa có, vẫn phải chờ". Ảnh: Tâm An |
Tại siêu thị Aeon Linh Đàm, quầy rau cũng trống, kệ trứng gia cầm chỉ còn 2-3 giỏ là “cháy hàng”. Khu vực bày bán thịt Meat Deli, hàng vừa được bổ sung lên kệ, khách đã “dọn sạch” ngay.
Ở chợ tạm Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội), sáng nay cũng chỉ có vài hàng rau mở bán. Giá các mặt hàng này đắt gấp rưỡi, hoặc gấp đôi. Đơn cử, rau muống giá 15.000-20.000 đồng/mớ, mướp 20.000 đồng/kg, cà chua 40.000-45.000 đồng/kg, bí xanh 30.000-35.000 đồng/kg, hành lá 70.000 đồng/kg...
Báo cáo nhanh của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, do bão số 3 tràn qua địa bàn TP Hà Nội trong đêm 7/9 đã làm nhiều cây xanh lớn gãy đổ, gây khó khăn chung cho việc đi lại, trong đó có các xe vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.
Sáng 8/9, phần lớn các chợ đã hoạt động trở lại, hàng hóa đảm bảo phục vụ nhân dân. Với hệ thống siêu thị, hầu hết điểm bán lẻ mở bán bình thường; một số điểm bị ảnh hưởng bởi tuyến đường ngập lụt, hoặc hư hỏng về cơ sở vật chất khiến việc vận chuyển hàng hóa đến bị chậm.
|
Kệ thịt ở siêu thị Aeon Linh Đàm cũng được khách "dọn sạch". Ảnh: T.H |
|
Kệ trứng gia cầm chỉ còn 2-3 giỏ hàng. Ảnh: T.H |
|
Kệ rau xanh đã hết nhẵn từ sáng sớm. Ảnh: T.H |
Vụ Thị trường trong nước dự báo, trong ngày 8/9, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa tiếp tục mở. Giá thực phẩm tại các chợ dân sinh sẽ tăng nhẹ.
Tại cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị về tình hình bão số 3 và triển khai công tác khắc phục sáng 8/9, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc ngành điện huy động mọi nguồn lực, cả nhân lực, vật lực khắc phục các sự cố để sẵn sàng cấp điện trở lại.
Sở Công Thương các địa phương và hệ thống phân phối hàng hóa, hệ thống bán lẻ cả nước, đặc biệt là các tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, cần huy động mọi nguồn lực và sẵn sàng cung ứng đầy đủ, kịp thời các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.