Ngày 01/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình KTXH năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển KTXH năm 2025; và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề “Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025”. Đặc biệt là những giải pháp mang tính đột phá, làm tiền đề để bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Thu ngân sách đạt trên 10%
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024, tình hình thế giới cũng như trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.
|
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị. |
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết lĩnh vực. Dự kiến, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng. Tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7%; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.
Tính đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 715 tỷ USD, tăng 15,3%, xuất siêu trên 23 tỷ USD; ước cả năm đạt 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nhà nước ước cả năm vượt trên 10% dự toán; bội chi ngân sách Nhà nước, nợ công được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.
Bên cạnh đó, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%. Theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc, Chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3, tinh thần “tương thân, tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” tỏa sáng mạnh mẽ.
Trao đổi các nội dung về tháo gỡ vướng mắc thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; thành lập các tổ công tác để kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.
Trong đó, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tiết giảm chi phí tuân thủ; tích cực xây dựng thể chế để kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. |
Dám nghĩ, dám làm… vì lợi ích chung
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Ngày thành lập nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm 2025, chúng ta vừa phải “tăng tốc, bứt phá”, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025; vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Bối cảnh đó đòi hỏi tất cả các cấp, ngành, địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”; “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2025, gồm 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8-1%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,8% GDP; nợ công khoảng 35-38% GDP…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta phải ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch cả giai đoạn 2021-2030, hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành Sân bay Long Thành, các công trình lớn; xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước… Trên cơ sở đó, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng và Nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
|
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. |
Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả
Về 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế - được coi là khâu “đột phá của đột phá”; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn, hợp lý; giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8%.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia; nghiên cứu khai thác hiệu quả không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Trong đó, phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc và trên 1.000km đường bộ ven biển. Xây dựng và chuẩn bị tốt các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, bảo đảm không dàn trải, manh mún, giảm số lượng dự án đầu tư công, trong đó có không quá 3.000 dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trong đó, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, hành động, vì Nhân dân phục vụ; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập.
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…; xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế.