|
Năm nay, Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh tiến độ sáp nhập các TTYT dự phòng tuyến tỉnh |
Tại buổi gặp mặt báo chí cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thôn tin, năm 2018 này, ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy, đổi mới, sắp xếp hệ thống y tế trên cơ sở sáp nhập các trung tâm y tế (TTYT) làm nhiệm vụ y tế dự phòng không có giường bệnh ở tuyến tỉnh, thành trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh (CDC).
Tính đến thời điểm hiện tại, 40 tỉnh/ thành phố trên cả nước thực hiện việc sáp nhập các trung tâm có chức năng y tế dự phòng tuyến tỉnh thành trung tâm phòng chống dịch bệnh CDC. Theo kế hoạch sắp xếp, sẽ giảm trung bình mỗi tỉnh 5 đơn vị và tiến tới giảm 315 đơn vị tại 63 tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế cho biết, với việc sáp nhập theo kế hoạch trên, cả nước ước tính giảm ít nhất 315 đơn vị, tương đương với đó là 1.260 vị trí lãnh đạo (mỗi đơn vị 1 cấp trưởng, 2 cấp phó) bị mất ghế. Trung bình, 1 lãnh đạo 1 tháng được ngân sách chi trả lương khoảng 6 triệu đồng, như thế tính ra mỗi năm ngân sách tiết kiệm được gần 91 tỷ đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích, hiện tại rất nhiều địa phương có nhiều trung tâm cùng có chức năng thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng như: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch y tế, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Sức khỏe sinh sản, Trung tâm phòng chống bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe…
“Trung bình mỗi tỉnh thành phố, trong hệ thống y tế dự phòng này có 6 giám đốc, 18 phó giám đốc. Sau khi sắp xếp lại hệ thống y tế dự phòng theo mô hình CDC chỉ còn 1 giám đốc, thừa 5 giám đốc và khoảng 15 phó giám đốc” – bà Tiến nói.
Song song với việc sáp nhập này, ở tuyến huyện cũng sẽ tiến hành sáp nhập bệnh viện và TTYT huyện thành TTYT huyện 2 chức năng, trực tiếp quản lý các trung tâm y tế.
Dự kiến kế hoạch sáp nhập này giúp giảm khoảng 450 trung tâm y tế trong cả nước, bớt khoảng 1.800 vị trí lãnh đạo và nhiều viên chức làm công tác phục vụ như hành chính, lái xe, bảo vệ, kế toán. Những lãnh đạo bị mất chức có thể chuyển sang làm công tác chuyên môn hoặc vị trí khác, nhưng mức phụ cấp vẫn được giữ nguyên cho đến khi về hưu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đối với tuyến y tế địa phương, sau khi sắp xếp lại, dự kiến khoảng 35.000 trường hợp không phải chi lương từ ngân sách nhà nước, tiết kiệm khoảng 2.520 tỉ đồng/năm.
Ngoài ra, ở tuyến huyện, nếu hợp nhất 420 TTYT huyện và 420 bệnh viện đa khoa huyện, riêng ngân sách nhà nước chi cho lãnh đạo sẽ giảm được 121 tỷ đồng/năm. Đồng thời, nhờ giảm 10.899 người làm hành chính, ngân sách sẽ không phải chi khoảng 784 tỷ đồng/năm.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc sắp xếp lại bộ máy này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện trong năm 2018, được ngành xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.