Sản lượng dầu khí các mỏ chủ đạo đang suy giảm sâu

Google News

Theo đại biểu Quốc hội, hiện nay hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo đều đang khai thác với mức độ suy giảm sâu về sản lượng, cần cấp thiết sửa Luật dầu khí để đảm bảo an ninh năng lượng.

Cấp thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí, đảm bảo an ninh năng lượng 
Sáng 15/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường về dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (đoàn Cà Mau) cho hay, Việt Nam là nước nhập khẩu ròng về năng lượng từ năm 2015. Nhu cầu về năng lượng sơ cấp và các sản phẩm dầu khí ở nước ta rất cao. Tổng nhu cầu xăng dầu lên tới trên 20 triệu tấn một năm, so với sản lượng khai thác dầu thô 8 đến 10 triệu tấn dầu thô một năm.
San luong dau khi cac mo chu dao dang suy giam sau
Đại biểu Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (đoàn Cà Mau) . Ảnh: QH.
Trong khi đó, một số mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng đã và đang suy giảm tự nhiên, rất cần phải đẩy nhanh gia tăng trữ lượng để gia tăng sản lượng khai thác, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển năng lượng trên thế giới đang diễn ra tác động đến lộ trình, cơ cấu sử dụng các loại năng lượng, tạo áp lực rất lớn về mặt thời gian và sự chuyển đổi đối với năng lượng hóa thạch.
“Từ bối cảnh nêu trên đặt ra yêu cầu cấp bách và cấp thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí để tạo cơ chế thu hút đầu tư và phân cấp quyết định nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các mỏ dầu khí vào khai thác và sử dụng”, đại biểu nêu.
Theo đại biểu, các quy định trong dự thảo Luật cần phản ánh tính đặc thù của hoạt động dầu khí như đầu tư lớn, rủi ro cao, công nghệ hiện đại, phức tạp, chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường năng lượng, gắn với an ninh quốc phòng.
Đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung Điều 1, Điều 3 cho đồng bộ với Khoản 4 điều 34 cho dự án đồng bộ, siêu lớn triển khai theo mô hình chuỗi.
Việc áp dụng Luật Dầu khí trong đầu tư, lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng, về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cần được quy định rõ tại Khoản 2 Điều 4 và Điều 14 để tránh chồng chéo, hiểu nhầm khi áp dụng, cần bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu, cung cấp hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho hoạt động dầu khí để dự thảo Luật chặt chẽ, hoàn thiện hơn nữa.
Sản lượng dầu khí suy giảm sâu
Cùng quan điểm cần thiết phải sửa đổi Luật dầu khí, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho hay, hiện nay, theo báo cáo tổng hợp của khai thác dầu khí thế giới thì Việt Nam đang đứng hạng thứ 33 trên 98 quốc gia có sản lượng dầu khai thác trong năm 2021.
San luong dau khi cac mo chu dao dang suy giam sau-Hinh-2
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QH.

Mỗi ngày như vậy chúng ta đã khai thác được 182.146 thùng một ngày, tương đương với khoảng 29 triệu lít dầu. Đấy là một thành tựu rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo đều đang khai thác với mức độ suy giảm sâu về sản lượng như là mỏ Bạch Hổ, cụm mỏ Sư Tử, Tê Giác Trắng.
Các mỏ mới dự kiến đưa vào thì phần lớn là các mỏ có cấu tạo phức tạp, trữ lượng nhỏ, công tác khai thác gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nguồn tài nguyên dầu khí tại chỗ còn lại thì khí chiếm tỷ trọng lớn hơn dầu, tập trung ở vùng nước sâu, xa bờ, có điều kiện địa chất, kỹ thuật phức tạp và có nhiều thách thức.
Trong khi đó, các thể chế chính sách hiện hành chưa có những cơ chế khuyến khích phù hợp cho hoạt động đầu tư để phát triển các mỏ nhỏ và cận biên, khuyến khích thu hút thêm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
“Với những lý lẽ trên, tôi nghĩ rất cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí hiện nay để bổ sung các cơ chế khuyến khích để thu hút và khai thác dầu mỏ hiện nay”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, dự thảo gồm 64 Điều, 11 chương. Mặc dù, Ban soạn thảo đã nghiên cứu, tham khảo các luật của Malaysia, Indonesia… Nhưng còn một số tồn tại, đó là khó khăn trong xây dựng luật là làm sao để tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia; làm sao khuyến khích được xã hội hóa, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được tư nhân nhưng vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo được an ninh, quốc phòng.
Theo đại biểu, cần làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ngoài ra, cần thêm một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về dầu khí là tài nguyên quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.
San luong dau khi cac mo chu dao dang suy giam sau-Hinh-3
 Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An. Ảnh: QH.

Giải trình tại buổi thảo luận,Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An khẳng định, những ý kiến tại phiên thảo luận hết sức quý báu giúp cho cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rõ hơn nhiều vấn đề còn chưa được đề cập đầy đủ, thấu đáo trong dự thảo luật. Bộ Công Thương sẽ tiếp thu nghiêm túc tối đa các ý kiến của vị đại biểu Quốc hội, sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện tốt nhất dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)