Ngày 15-5, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam bà Hồ Thị Thanh Phúc (SN 1977), Tổng Giám đốc Công ty Sadeco, về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và tham ô tài sản. Phạm cùng 2 tội danh trên, ông Tề Trí Dũng (SN 1981), Tổng Giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty Sadeco, cũng bị khởi tố bị can và bắt tạm giam trước đó 1 ngày.
Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Dũng và bà Phúc đã sử dụng kết quả định giá của doanh nghiệp không có chức năng, với tài sản bị định giá thấp, sai pháp luật để quyết định giá phát hành cổ phần của Công ty Sadeco. Theo đó, Sadeco là công ty liên kết của IPC. Năm 2015, IPC bán đấu giá vốn tại Sadeco. Công ty cổ phần Bất động sản Exim mua hơn 5,2 triệu cổ phần, với giá 26.100 đồng/cổ phần. Sau đó, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim mua lại toàn bộ số cổ phần này (giá 55.000 đồng/cổ phần) và đề xuất mua tiếp cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco.
|
#Bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) bị khởi tố, bắt tạm giam
|
Hội đồng thành viên IPC ra nghị quyết chỉ đạo nhóm đại diện vốn của IPC tại Sadeco biểu quyết phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco từ 44% xuống còn gần 29%. Thanh tra TP kết luận, nhóm đại diện vốn của IPC tại Sadeco và lãnh đạo Sadeco không đánh giá đúng thực tế và năng lực của Công ty Nguyễn Kim khi chọn công ty này làm đối tác chiến lược.
Liên quan đến vụ việc này, Thanh tra TP cũng kết luận, Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM chỉ có chức năng tư vấn đầu tư chứng khoán, không có chức năng thẩm định giá, chuyên viên thực hiện xác định giá trị cổ phần không được cấp thẻ thẩm định viên… nhưng vẫn “định giá” để Sadeco bán cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim. Sau này xác nhận với cơ quan chức năng, Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM cũng thừa nhận giá trị cổ phiếu mà đơn vị “định giá” là chưa phản ánh đầy đủ giá trị.
Sự việc này gây thiệt hại cho các cổ đông Sadeco, trong đó có cổ đông nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc tăng vốn chỉ định cho một cổ đông (là Công ty Nguyễn Kim) không qua đấu giá, không đảm bảo pháp lý thẩm định giá… còn làm cho cổ đông nhà nước mất quyền chi phối. Chính việc người quản lý Sadeco thiếu trách nhiệm, không thực hiện nghiêm túc việc “công khai lợi ích liên quan” đã tạo thuận lợi cho Công ty Nguyễn Kim thâu tóm doanh nghiệp với giá rẻ thông qua việc phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược. Theo tính toán, trong phi vụ này, doanh nghiệp thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng.
Trong lúc Thanh tra TP đang thanh tra toàn diện IPC thì công ty này có báo cáo Sadeco đã ngừng hợp tác chiến lược với Công ty Nguyễn Kim, thu hồi toàn bộ 9 triệu cổ phần đã phát hành cho cổ đông chiến lược. Đồng thời điều chỉnh lại nhằm giữ nguyên tỷ lệ của IPC tại Sadeco như trước (là 44%). Việc làm này của IPC và Sadeco được xác định là có dấu hiệu đối phó, gây trở ngại cho hoạt động thanh tra.
Liên quan đến “phi vụ” này, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP còn xác định ông Tề Trí Dũng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn Chủ tịch HĐQT Công ty Sadeco, dưới sự đề xuất của bà Phúc, đã duyệt chi nhiều khoản tiền từ nguồn thù lao và quỹ khen thưởng HĐQT cho mình và các thành viên HĐQT khác trái quy định pháp luật, vượt thẩm quyền, chiếm đoạt số tiền lớn của Nhà nước.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn đang làm rõ sai phạm trong chuyển quyền sử dụng đất tại dự án Khu định cư An Phú Tây (huyện Bình Chánh). Ở dự án này, Sadeco làm chủ đầu tư và IPC góp vốn hơn 492 tỷ đồng.