|
Cán bộ, nhân viên Sabeco trong một hội nghị |
Nhiều người bất an
Khi đến làm việc tại phòng chức năng tại Sabeco, mỗi người lao động được phát hai bộ hồ sơ gồm một bộ phụ lục hợp đồng và một bộ bảo mật thông tin, không đôi co với công ty bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh. Họ được yêu cầu trong vòng 5-10 phút phải đọc bộ hợp đồng gần 40 trang và phải ký ngay, không được mang về nghiên cứu hay chụp ảnh hợp đồng, hay thậm chí là ghi lại các điều khoản về để tham vấn luật sư.
Người lao động không thể đọc với hàng loạt điều khoản rất khó hiểu với hai bộ hợp đồng đã được soạn sẵn. Tuy nhiên, hàng trăm người lao động sau khi đọc và ký mới hiểu ra, mình vừa ký vào phụ lục với điều khoản phải thử việc lại 60 ngày với công việc mình đang làm và đã được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ 5 năm, 10 năm, thậm chí có người từ 25 năm về trước. Một số người lao động sau khi lỡ ký rất lo lắng.
Sau khi truyền tai nhau, một số người lao động đã gửi đơn kêu cứu. Hiện nay, hàng loạt người lao động tại Tổng Công ty Sabeco đang rất hoang mang. Họ lo lắng mình sẽ bị đuổi việc vì về bản chất khi bắt họ ký lại thử việc nghĩa là đã sa thải người lao động (!?).
Hiện Bộ luật Lao động không cho phép thử việc hai lần với cùng một công việc. Vì thế, nhiều người sau khi ký hợp đồng đã nghi ngờ phải chăng đây là cách thức trốn tránh việc giải quyết dôi dư sau thay đổi cơ cấu khi Sabeco thuộc về Tập đoàn Thai Bev của ông chủ ngoại quốc?
Ngày 28/3, trả lời trên báo chí, đại diện Sabeco xác nhận có khoảng 900 nhân viên của Sabeco và Satraco (công ty con của Sabeco) sẽ được tái ký hợp đồng lao động, dự kiến hoàn tất vào đầu tháng 4/2019. Theo vị này, việc tái ký hợp đồng lao động kèm phụ lục nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng văn hóa trả lương dựa theo năng lực của người lao động, theo đúng quy luật cạnh tranh của thị trường.
|
Bản phụ lục hợp đồng gây hoang mang cho người lao động |
Ngoài ra, doanh nghiệp đã thực hiện truyền thông nội bộ cho từng nhóm, nhằm đảm bảo tất cả cán bộ nhân viên hiểu rõ chi tiết, trước khi hợp đồng phụ lục lao động và gói lương được đưa ra. Việc sửa đổi phụ lục hợp đồng lao động cũng đã được công ty thực hiện chặt chẽ. Đồng thời vị này khẳng định không có một điều khoản nào trái với quy định Bộ luật Lao động và hợp đồng lao động hiện tại.
Người lao động có quyền khởi kiện
Theo Luật sư Ngô Phương Thảo (Đoàn Luật sư TP HCM), Điều 22 Bộ luật Lao động đã quy định về các loại hợp đồng và phụ lục hợp đồng. Phụ lục hợp đồng áp dụng thử việc lại 60 ngày là sai.
Ngoài ra, theo Điều 5 Nghị định 5/2015 hướng dẫn về sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động thì việc sửa đổi phụ lục hợp đồng không được làm thay đổi nội dung hợp đồng chính thức, các bên phải áp dụng các điều khoản đã thỏa thuận chính thức trong hợp đồng đã ký trước đó.
Cụ thể điều luật nêu, thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách…
Luật sư Từ Tiến Đạt (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng cho rằng, việc Sabeco soạn sẵn hợp đồng với hàng loạt điều khoản bất lợi với người lao động cũng là không đúng. Người lao động có quyền khởi kiện nếu thấy bất cứ điều khoản bất lợi cho mình…
Ngoài vụ việc trên, từ khi về ông chủ người Thái, Sabeco còn vướng vào vụ nợ thuế với số tiền cũng không nhỏ. Cụ thể, tháng 12/2018, Cục Thuế TP HCM đề nghị cưỡng chế Sabeco số tiền hơn 3.140 tỉ đồng vi phạm hành chính về thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền chậm nộp phạt. Số tiền này bao gồm tiền thuế tiêu thụ đặc biệt trong quá trình thanh tra từ năm 2010- 2014, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế…