Nội dung trên được ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ trên chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 3/9.
Công tác tổ chức chưa đảm bảo
Trong chương trình đối thoại, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), đề cập đến chương trình ca nhạc phục vụ các bệnh nhân F0 và y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến thuộc TP Thủ Đức tối 2/9. Hình ảnh quay lại cho thấy nhiều người ùa xuống sân đứng xem ca nhạc, không đảm bảo khoảng cách.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM xác nhận thông tin trên và cho biết những người tụ tập dưới sân chủ yếu là nhân viên y tế. Khi nghệ sĩ biểu diễn, những người này đứng xem gần nhau còn các bệnh nhân F0 chỉ xem từ phía phòng điều trị, khu cách ly.
Theo ông Châu, đây là chương trình do Thành đoàn TP.HCM tổ chức với mục đích tốt đẹp là xoa dịu tinh thần cho các nhân viên y tế cùng các bệnh nhân F0 đang điều trị ở bệnh viện dã chiến. Ban tổ chức đã cố gắng quan tâm để chương trình diễn ra đảm bảo khoảng cách, không lây lan nhưng trong quá trình tổ chức còn một số vấn đề.
"Phía Thành đoàn đã rút kinh nghiệm về việc này", ông Châu thông tin.
|
Thành đoàn TP.HCM rút kinh nghiệm về việc tổ chức chương trình ca nhạc tại các bệnh viện dã chiến ở TP Thủ Đức tối 2/9. Ảnh: Hải An.
|
Liên quan đến số ca nhiễm cao kỷ lục tại TP.HCM ngày 3/9 là 8.499 bệnh nhân, ông Châu cho biết ngành y tế TP đang làm các xét nghiệm diện rộng ở vùng đỏ và vùng cam, kể cả vùng xanh để bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng. Do đó, việc số ca dương tính tăng cao có thể xảy ra.
"Nhưng tín hiệu đáng mừng là số ca tử vong của TP.HCM bắt đầu giảm", Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết.
Chủ nhà giảm tiền 55.000 phòng trọ ở Thủ Đức
Tối nay, nhiều người dân TP Thủ Đức gửi câu hỏi liên quan việc đăng ký đi chợ hộ gặp khó khăn, không thể mua nước và mong muốn địa phương cải thiện các ứng dụng giao hàng nhanh để cung ứng hàng hóa kịp thời tới người dân.
Trả lời, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết với quy mô dân số ở địa phương là 1,2 triệu người, nhu cầu hàng hóa của người dân rất đa dạng. Do đó, địa phương đã liên kết với một số nền tảng thương mại điện tử nên người dân có thể đặt hàng qua ứng dụng, không cần phụ thuộc vào việc đi chợ hộ.
Ngoài ra, theo kế hoạch chung, cán bộ xã, phường tại TP Thủ Đức không chỉ đi chợ hộ mà "34 phường gần như trở thành 34 siêu thị". Hiện, địa phương này có sự hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên các điểm phân phối hàng hóa duy trì các gói rau củ mức giá 100.000-200.000 đồng. Người dân chỉ cần đăng ký mua, cán bộ sẽ giao hàng đến tận nơi từ ngày 4/9.
TP Thủ Đức cũng liên kết với huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ là những nơi người dân trồng nông sản. Với những sản phẩm bán được, địa phương sẽ nhập về và phân phối cho 34 phường để người dân cần thì có thể mua được.
|
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết việc cung ứng hàng hóa đã được cải thiện sau khi đội ngũ shipper được hoạt động trở lại. Ảnh: Phương Lâm.
|
Về vấn đề nước uống, người dân vẫn có thể đặt được thông qua trang thương mại điện tử hoặc đặt thông qua tổ trưởng dân phố. Ngoài ra, TP Thủ Đức có 2 nhà cung cấp nước uống được cấp thẻ đi đường, người dân có thể gọi qua đó để đặt hàng.
Thông tin thêm về việc hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết ngoài các gói hỗ trợ chung của TP.HCM, từ tháng 6 đến nay, địa phương đã phát động chương trình vận động chủ nhà giảm tiền trọ cho người dân khó khăn, đặc biệt là công nhân. Tổng số tiền hỗ trợ là 60 tỷ đồng với 55.000 phòng trọ tham gia chương trình này.
Ngoài ra, TP Thủ Đức khởi động 70 điểm hỗ trợ khẩn cấp để tiếp nhận tất cả gói hỗ trợ từ mạnh thường quân và TP.HCM để đưa đến hộ dân khó khăn. Các gói này chủ yếu là lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu.
Với những trường hợp còn khó khăn nhưng chưa nhận được hỗ trợ, ông Hoàng Tùng cho biết người dân có thể phản ánh qua số hotline của TP Thủ Đức là 1800.1722. Đường dây nóng này có 20 tình nguyện viên trực liên tục để tiếp nhận các thông tin và giải quyết cho người dân.
Tại chương trình, ông Lê Quang Tự Do cho biết chỉ trong vòng 4 ngày TP.HCM triển khai app An sinh, 75.000 người đã đăng ký thông tin qua hệ thống này. Đây sẽ là cơ sở để TP.HCM tiếp nhận các trường hợp cần hỗ trợ gói an sinh, tiền trợ cấp và hướng tới việc TP sẽ chi trả hỗ trợ cho người dân thông qua ứng dụng này.
Ông Tự Do kêu gọi người dân tiếp tục cập nhật thông tin qua ứng dụng để tạo thành cơ sở dữ liệu cho TP. Khi người dân đăng ký qua đây, phường sẽ kiểm tra thông tin dữ liệu để xác nhận. Nếu nội dung cập nhật đúng và đầy đủ, thông tin của người dân sẽ hiển thị trên ứng dụng.
"Đây không chỉ là cơ sở để chính quyền hỗ trợ cho người dân mà thông qua app này, các mạnh thường quân có thể tiếp nhận thông tin và hỗ trợ các trường hợp cần thiết", ông Tự Do cho biết.