Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 6/11, đại biểu Nguyễn Văn Hiền (Lâm Đồng) phản ánh việc qua Google Maps, có thể thấy chất lượng rừng của nước ta thấp hơn rất nhiều so với các nước có cùng biên giới. Từ đó, đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, thông tin từ bản đồ Google Map là “hoàn toàn chính xác”. Bộ trưởng cho biết, tỷ lệ che phủ rừng của Lào hiện nay là 58%, của Campuchia là 47%,trong khi của Việt Nam ít hơn, xấp xỉ 42%. Chính vì thế “tới đây là trách nhiệm của tất cả hệ thống chính trị và toàn dân đều phải có trách nhiệm, cố gắng cao nhất với hai loại rừng là rừng tự nhiên và rừng trồng” - Bộ trưởng nói.
|
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. |
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, với hai nước Lào và Campuchia, diện tích tự nhiên bình quân chia đầu người về tài nguyên đất lớn hơn so với nước ta.
"Lào chủ yếu là rừng, có hơn 5 triệu dân nên có tới 18 triệu ha đất tự nhiên. Cho nên, diện tích rừng của họ chủ yếu là rừng tự nhiên. Rừng chúng ta là rừng tự nhiên, 10,3 triệu ha được phục hồi từ năm 1990, lúc đó chúng ta mới có 9 triệu ha. Đến bây giờ, chất lượng chưa bảo đảm là có tính chất lịch sử như vậy" – ông Cường nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện diện tích rừng trồng của Việt Nam là 4,3 triệu ha nhưng rừng keo là chủ yếu, sinh khối nhanh nhưng độ bền vững, chống chịu thiên tai kém. Bộ trưởng cho rằng, ngoài tính chất lịch sử còn do công tác quản lý của Nhà nước.
Về giải pháp xử lý, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, cần phải tăng độ che phủ rừng cũng như chất lượng bền vững trước thiên tai, tăng tỷ lệ rừng quản trị. Cùng với đó là tăng cường quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và kiên quyết thái độ, áp dụng chế tài mạnh trong xử lý vi phạm.
Hiện nay, Chính phủ có đề án về phát triển rừng Tây Nguyên, ven biển, Tây Bắc. "Những hành vi vi phạm liên quan đến rừng sẽ bị xử phạt nặng. Năm 2019 chúng ta đã xử lý hình sự 373 vụ, khởi tố 48 vụ, nhưng thời gian tới vẫn cần kiên quyết làm tích cực hơn", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Trước đó, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã trả lời các ý kiến liên quan đến rừng tự nhiên. Ông Cường thông tin, trong 30 năm qua, tỉ lệ rừng tự nhiên tăng từ 9 triệu ha lên 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, như vậy so với cách đây 30 năm diện tích rừng tự nhiên đã tăng 1,3 triệu ha. Theo ông, chất lượng rừng tự nhiên chưa được tốt, trong 10,3 triệu ha rừng tự nhiên thì chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng, 50% là rừng trung bình và 35% là rừng nghèo kiệt.
Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai) cho rằng việc tăng diện tích rừng từ 9 triệu lên 14,6 triệu là con số phấn khởi. Tuy nhiên, đại biểu cảm thấy con số Bộ trưởng đưa ra là vô lý và “có gì đó thực sự là sai sai”.
Trong nhiệm kỳ này, mỗi kỳ họp đại biểu Quốc hội đều được nghe các dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ (rừng tự nhiên).
“Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại có thể tăng lên được, làm gì có con số 14 triệu ha rừng ấy! Với cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng hay sao?”, nữ đại biểu đặt vấn đề.
Theo đại biểu tỉnh Gia Lai, rừng là nơi chứa CO2 để thải ra O2. Còn cây cao su là cây hút O2, thải ra CO2, không con gì có thể sống được ở đó. Vì thế, bà đề nghị Bộ trưởng Cường nghiên cứu lại các dự án phải điều chỉnh diện tích rừng tự nhiên.
>>> Mời độc giả xem thêm video Làm rõ trách nhiệm nhiều cán bộ liên quan đến phá rừng ở Phú Mỡ
Nguồn: Truyền hình Nhân dân.