Chàng trai không bao giờ đi qua con đường trước nghĩa trang
16 năm qua, ngày ngày ông Đặng Văn Năm vẫn lặng lẽ, trầm ngâm chăm chút cho những linh hồn của người đã nằm xuống. Công việc cứ lặng thầm và cẩn trọng với nhiều việc không tên lặp đi lặp lại. Ông tự tay dọn cỏ, nhặt rác, vun xới lại những nấm mồ không được bàn tay người thân chăm sóc thường xuyên.
Dấu chân người cựu chiến binh già đã in hằn khắp khu nghĩa trang rộng đến 4ha vắng vẻ này. Với khoảng 1.200 ngôi mộ, trong đó có khoảng 200 ngôi mộ vô danh đều lần lượt được ông quét dọn, hương khói.
Ông cho biết, để quét sạch lá cây rơi vãi trong khuôn viên nghĩa trang phải mất hơn một buổi, làm cỏ, chăm sóc cây và lau bụi trên các ngôi mộ cũng mất ngần ấy thời gian.
Lúc rảnh rỗi, ông tranh thủ thắp hương, kiểm tra các phần mộ. Ông xem nơi nghỉ của những người đã khuất có bị sụt lún, trầy xước, nứt tấm bia rồi ghi chép, kịp thời báo cáo cho gia đình họ để tu sửa kịp thời.
Công việc của người quản trang tưởng chừng rất đơn giản, chỉ là chăm sóc, lo nhang khói cho các ngôi mộ, thế nhưng, có tiếp xúc, trò chuyện mới hiểu nỗi nhọc nhằn của nghề.
Ông Năm tâm sự: “Nghĩa trang này ngoài tôi ra còn có một ông quản trang nữa. Công việc thường ngày thì chỉ vệ sinh, tiếp khách. Bận nhất là vào cuối năm vì nhiều nhà tiến hành bốc mộ. Có lần một mình tôi thức đến 2h đêm. Những ngày đầu tôi cũng thấy khó thích nghi, trải qua nhiều năm rồi cũng quen”.
|
16 năm qua, ngày ngày ông Đặng Văn Năm vẫn lặng lẽ, trầm ngâm chăm chút cho những linh hồn của người đã nằm xuống. Ảnh: Ngọc Thi |
Quãng thời gian làm quản trang, ông Năm đã chứng kiến nhiều câu chuyện, trong đó có những tình huống ông không giải thích được và có lẽ sẽ không bao giờ có lời giải đáp.
Ông kể, cách đây mấy năm, ông đang ngồi uống nước thì có một thanh niên đi xe máy từ ngoài đường phi vào nghĩa trang. Vào đến nơi, xe vẫn nổ máy nhưng người thì đã nằm dài xuống đất. Lúc đó, ông Năm nghĩ chắc anh thanh niên này say rượu. Ông liền chạy ra tắt xe máy rồi kiểm tra thì tuyệt nhiên không thấy mùi rượu.
Không chỉ vậy, khi anh thanh niên tỉnh dậy thì ra khấn vái ở bia mộ của một người phụ nữ trước cổng. Anh đọc tên bà cũng như ngày tháng năm sinh vanh vách. Ông Năm hỏi thì được biết, ngày mất của người phụ nữ đó trùng với ngày sinh của anh thanh niên.
Ngày hôm sau người mẹ của anh thanh niên mang hoa quả, bánh kẹo đến thắp hương ở mộ của người phụ nữ. Sau tình huống khó hiểu đó, về sau sức khỏe của anh thanh niên hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, từ đó, anh thanh niên không bao giờ đi con đường gần nghĩa trang phường Trung Văn nữa. Mặc dù anh làm việc tại công ty ở trung tâm Hà Nội, từ nhà anh đi qua con đường gần nghĩa trang đến chỗ làm sẽ gần hơn nhưng anh lại đi đường vòng xa hơn 3 km.
"Bằng ấy năm làm quản trang, đó là lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến chuyện lạ như vậy. Sau khi đến thắp hương trước bia mộ bà đó thì không có chuyện gì xảy ra nữa. Tôi không sợ cũng không tin vào ma quỷ. Trước giờ từ chuyện sức khỏe đến những vấn đề trong cuộc sống tôi đều giải thích bằng cơ sở khoa học nhưng đúng chuyện này kỳ lạ thật”, ông Năm cho hay.
Rùng rợn với những cái xác không phân hủy
Nhớ lại những chuyện khiến mình phải kinh hãi trong thời gian gắn bó với nghĩa trang phường Trung Văn, ông Năm kể, vào dịp cuối năm, nhiều gia đình thường tiến hành bốc mả, cải táng, sửa sang mộ phần cho người đã khuất.
Vào năm 2010, có một gia đình bốc mả cho người thân sau 5 năm chôn cất. Đêm đó, đến phiên ông Năm trực. Tất cả những người có mặt đều hồi hộp và có chung tâm trạng lo lắng, không biết thi hài của người mất có được “sạch sẽ” hay không.
Người con trai trưởng khấn xin rồi nhẹ nhàng bật nắp quan tài. Mùi tử khí của thi hài chôn 5 năm dưới lòng đất xông ra không hề dễ chịu. Khi bật nắp quan tài, cả đội bốc mộ lẫn người nhà hốt hoảng vì xác chết còn nguyên, cơ thể là màu trắng bạch, chưa bị phân hủy chút nào.
Trò chuyện với con cả, ông Năm được biết, vì con cái bận bịu công việc nên không ai có thời gian chăm sóc bố mẹ lúc ốm đau tuổi già. Sau khi bàn bạc thì họ quyết định cho mẹ già vào viện dưỡng lão.
Ông Năm bảo: “Anh con trai đó có nói với tôi có thể bà uống nhiều thuốc trong quá trình điều trị bệnh quá nên thi thể khó phân hủy”.
Có một cụ bà tuổi đã cao ở phường Trung Văn bị tai nạn nên phải cắt bỏ một chân. Mặc dù gia đình đã gõ cửa nhiều bệnh viện nhưng các bác sĩ đều cho biết cụ khó có thể qua khỏi nên dặn gia đình chuẩn bị hậu sự. Lúc đó, con cháu trong gia đình thuê người đào huyệt cho bà cụ.
Nhưng, phải đến 3 tháng sau khi đào huyệt thì bà cụ mới qua đời. Trước đó, gia đình đã tiến hành chôn cất chiếc chân bị cắt do hoại tử ngay bên cạnh. Sau này, gia đình quyết định bốc mả cho bà cụ thì cái chân đó vẫn còn nguyên vẹn, có bông băng và ni lông quấn quanh.
Nhiều năm làm quản trang, ông Năm biết, người nhà nào cần bốc mộ cũng phải chuẩn bị sẵn con dao để nếu không may sẽ phải gạt bỏ phần chưa phân hủy của người đã khuất thì mới hoàn thành được công việc.