Kỳ 3: Ma trành bí ẩn
Như đã nói, trong tâm thức của người Mường, những con hổ đã ăn thịt trên 100 người, thì nó đã thành tinh và người Mường ở miền tây Thanh Hóa gọi nó là hổ thần. Thần hổ thường có số lượng nốt đỏ trên tai ứng với số người mà nó ăn thịt và màu lông của nó xám hơn, mắt đỏ hơn, thân thể lực lưỡng hơn.
Đồng bào dân tộc Mường còn tin rằng nó sống lâu ngàn tuổi và có thể biến hóa khôn lường. Nhiều người đồn rằng, khi trốn vào trong rừng, thần hổ biến thành một ông già. Vì nó bị chột mắt, nên ông già này cũng chột. Xung quanh hổ thần, còn có một câu chuyện vừa kinh dị vừa lãng mạn, ấy mà ma trành.
Ma trành chính là linh hồn những người bị thần hổ ăn thịt. Những người này bị chết một cách tàn khốc, oan ức, nên linh hồn không siêu thoát được, cứ luẩn quẩn trong rừng, hoặc đi theo con hổ và bị nó sai khiến làm những việc nhũng nhiễu dân gian.
Anh Đinh Tiên Phong, là cháu gọi bà Đinh Thị Son, nạn nhân vụ hổ vồ bằng bác ruột, là người thờ tự bà Son. Hàng năm, vào ngày 15/10 âm lịch anh tổ chức cúng giỗ cho bà.
Anh Phong kể: “Vào năm 1990, tôi đi làm đồng, trưa nằm ngủ ở chỗ hòn đá, nơi bà Đinh Thị Son bị hổ ăn thịt. Tôi vừa chập chờn, thì bà hiện lên, mặc áo trắng. Trông mặt mũi bà còn trẻ, như thiếu nữ, nhưng lại chống gậy, đội nón rách. Một mắt bà bị mù. Bà bảo: “Tao bị hổ vồ, bị biến thành con ma trành, không siêu thoát được. Tao ở đây đói lắm, mà quần áo rách rưới chẳng có gì mặc. Tao muốn về ở với vợ chồng chúng mày”.
Đang mơ, anh Phong giật mình tỉnh dậy, nhìn vào bụi cây trước mặt thấy rõ bóng trắng hình thiếu nữ. Anh dụi mắt nhìn kỹ, thì bóng trắng mất đi. Về nhà, gọi thầy cúng đến. Thầy mo xứ Mường nơi đây đều có biệt tài “gọi hồn”.
|
Ông Đinh Văn Trinh cúng thần hổ. |
Ông thầy mo làm lễ trong nhà, gọi hồn bà Son về, nhưng chỉ cho đứng ở cổng, không cho vào nhà. Bà Son thông qua miệng thầy cúng, cũng nói bị con hổ giết, biến thành con ma trành vất vưởng trong rừng, không có ai thờ cúng, nên thê thảm lắm. Thầy cúng cũng khuyên anh Phong lập bát hương thờ bà. Anh Phong bảo, từ ngày thờ bà Son, anh thấy tinh thần thoải mái, sức khỏe cải thiện, làm ăn khấm khá. Anh tin bà Son phù hộ mình.
Không chỉ anh Phong, mà rất nhiều người Mường ở Yên Sơn đều từng nhìn thấy bóng trắng xuất hiện ở trên tảng đá. Có lúc bóng trắng ấy thẩn thơ đi lại trong rừng, có lúc ngồi trên tảng đá hát véo von. Tiếng hát của ma trành có lúc vui vẻ, náo nhiệt, nhưng phần lớn là buồn thảm, ảo não.
Xưa kia, chỗ hòn đá ấy là nơi trẻ leo trèo vui đùa, là nơi người lớn nghỉ chân, hoặc thay quần áo khi tắm ở suối Vó Ấm sau ngày làm việc mệt nhọc. Tuy nhiên, từ khi bà Đinh Thị Son bị hổ ăn thịt, rồi lời đồn về ma trành xuất hiện ở khu vực đó khiến không ai dám bén mảng đến nữa. Cây cối phủ rậm, mọc kín, bao trùm cả tảng đá. Lối mòn dẫn qua tảng đá đó cũng bị cỏ cây bịt kín.
Ông Đinh Xuân Mừng, một thợ săn ở Thành Yên, nhà cách hang Coong Moong, nơi có dấu tích người tiền sử 40 ngàn năm trước, cách khe núi Làn Bạc không xa kể một câu chuyện mà ai nghe cũng phải dựng tóc gáy.
Ông Mừng là thợ săn nổi tiếng trong vùng. Ngày xưa, chiều nào ông cũng vác súng, vác nỏ vào rừng, rồi cài bẫy khắp ngả bắt thú. Có những chuyến đi dài ngày, vòng sang tận Ninh Bình, vào sâu Vườn quốc gia Cúc Phương, sang tận đến đất Hòa Bình để săn thú. Ông cũng đã hạ sát được cả hổ. Gấu và lợn lòi thì bắn được vô số.
Tuy nhiên, trong một lần vào rừng, qua chỗ hòn đá ở Làn Bạc, ông sợ hãi đến giờ. Vì sợ quá, mà ông không dám vào rừng sâu săn hổ nữa. Ông sợ bị hổ ăn thịt, rồi biến thành ma trành, mãi mãi không siêu thoát được. Bây giờ, ông chỉ dám bắn vài con sóc loanh quanh chân núi khi chúng trèo lên cây xoan ăn quả ở chân núi, hoặc bắn bọn chuột rừng thập thò sau các vách đá.
Chuyện xảy ra cách nay 24 năm. Khi đó, ông Mừng mới 30 tuổi, có vợ và 3 con. Hôm đó, như thường lệ, 6 giờ chiều, mặt trời ngấp nghé bên kia đỉnh núi thấp, ông vác súng lần vào rừng. Lần này, ông quyết định đi lối hòn đá, bởi đi lối khác phải vòng qua một quả núi, khá là xa.
Đến nơi, ông Mừng thấy tảng đá vẫn rõ nguyên đó, nhưng tảng đá không phải màu xám xịt như mọi khi, mà lấp lánh, phát sáng như viên ngọc khổng lồ.
Tò mò lại gần, ông bỗng thấy tiếng hát của một thiếu nữ vang lên. Giọng hát bằng tiếng Mường véo von, khiến ông Mừng có cảm giác bồi hồi kỳ lạ. Ông tiến lại phía có giọng hát, cách chỗ tảng đá khoảng 30 mét, vén cành cây, thì thấy một cái lán nhỏ, rộng độ 10 mét vuông, như thể ai đó dựng ra để trông nương.
Đến gần lán, nhưng ông ngập ngừng không dám vào. Vừa định đi, thì có tiếng thiếu nữ cất lên: “Anh cứ vào đi, nhà chỉ có mình em, không việc gì phải sợ. Anh vào nghỉ chân, uống cốc nước, rồi vào rừng săn bắn sau cũng được”.
Nghe lời mời hấp dẫn, ông Mừng đẩy cửa vào. Thế nhưng, chẳng thấy bóng dáng thiếu nữ đâu. Ông Mừng lấy can đảm hỏi: “Cô là người hay là ma, thì cũng phải trình diện ra chứ”.
Cô gái bỗng thổn thức: “Xin anh đừng sợ. Em đây số phận bi thảm lắm. Vì bị thần hổ xám ăn thịt, mà linh hồn không siêu thoát được, cứ phải quẩn quanh ở chỗ này. Thi thoảng thần hổ xám lại đến đây dọa nạt, trút hận thù. Chỉ khi nào thần hổ bị người đời giết, thì những con ma trành thảm thương chúng em mới được giải thoát về cõi âm ti”.
Nghe vậy, ông Mừng dựng tóc gáy, biết rằng đã gặp ma trành. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ấy, ông không thấy sợ hãi nữa, mà thấy thương cảm cho nữ ma trành này.
Vừa bình tâm lại, một cô gái mặc áo trắng, bước vào trong lán. Thiếu phụ bảo: “Hôm nay thần hổ xám và một đoàn hùm beo đang ở trong núi. Nếu anh vào trong đó thì sẽ làm mồi cho thần hổ. Vì thế, nên em mới mời anh vào nhà. Em mong anh hãy tin lời em nói. Thôi. Anh cứ nằm đây ngủ, rồi sáng mai trở về nhà cũng được”.
Thiếu phụ nói vừa dứt lời, thì đôi mắt ông Mừng díp lại, không mở nổi nữa. Ông từ từ lăn ra sàn ngủ. Sớm hôm sau, vừa tinh mơ, tiếng gà rừng gáy te te, ông Mừng giật mình tỉnh dậy. Ông thấy mình đang nằm trên bãi cỏ, ngay cạnh tảng đá. Súng và cung đặt ngay ngắn bên cạnh. Toàn bộ câu chuyện đêm qua vẫn rõ mồn một trong đầu ông.
Ông Mừng nhổm dậy, đi loanh quanh khu vực, thấy vết chân hổ to bằng bát tô in rõ dưới nền đất. Nghĩ thần hổ xám trong tâm thức của người Mường vẫn còn lẩn khuất ở đây, ông chạy một mạch về nhà. Từ bấy, ông không dám vào sâu trong rừng nữa, vì sợ thần hổ xám ăn thịt.