"Quý bà" tổ chức đám tang giả để trốn nợ: Phạm tội “lạm dụng chiếm đoạt tài sản"?

Google News

Làm ăn thua lỗ, lo ngại nhiều người đến đòi nợ, một "quý bà" ở Sóc Trăng giả vờ bị sát hại và dặn người nhà làm đám tang giả. Với hành vi này, đối tượng không những không thoát nợ mà còn có thể bị truy trách nhiệm hình sự.

Ngày 1/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vẫn đang điều tra, làm rõ đối tượng tổ chức đám tang giả để trốn nợ.
Lãnh đạo huyện Cù Lao Dung, lực lượng chức năng làm việc với người nhà của bà Trần Thị Tuyến được thông tin là bà Tuyến làm ăn xa, thiếu nợ và bị chủ nợ sát hại. Thi thể của bà này sau đó được đưa về tỉnh Đồng Tháp khâm liệm rồi chuyển về Sóc Trăng chiều 29/3.
 Đám tang giả của bà Trần Thị Tuyến.
Khi nhận được thông tin gia đình bà Trần Thị Tuyến (56 tuổi) đang tổ chức đám tang cho bà tại ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung, do nghi vấn xác chết bà Tuyến được chở về từ vùng dịch giáp biên giới Campuchia, Công an huyện Cù Lao Dung kết hợp với tổ phòng, chống dịch COVID-19 của huyện này phun thuốc khử trùng nơi đám tang và tiến hành kiểm tra quan tài theo quy định về phòng, chống dịch.
Khi mở nắp quan tài, lực lượng chức năng phát hiện trong quan tài không có xác chết của bà Tuyến mà chỉ có nhiều nhánh hoa huệ, 3 bao cát, ngoài ra không phát hiện gì khác. Trong quá trình lực lượng chức năng làm việc, bà Tuyến bất ngờ xuất hiện. Bước đầu bà Tuyến khai nhận việc giả chết là do tự bà sắp đặt ra và kêu con cháu đem quan tài bà về gia đình để tổ chức đám tang.
Dư luận đặt câu hỏi, với hành vi giả chết để trốn nợ, bà Tuyến phạm tội danh gì theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, việc người phụ nữ tổ chức đám tang giả nhằm trốn tránh nghĩa vụ về các khoản vay (nợ) đang gây chú ý và được rất nhiều người quan tâm.
Theo quy định của Bộ luật dân sự, trong hợp đồng/giao dịch cho vay tài sản nêu rõ, nghĩa vụ của bên vay tài sản là phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo các bên thỏa thuận (giá trị gốc và lãi phát sinh nếu có). Ngoài ra, trường hợp quá hạn thanh toán còn phải chịu lãi suất cho thời gian quá hạn.
Trường hợp bà Tuyến có nhiều khoản nợ, chưa thực hiện thanh toán nhưng trốn nợ bằng việc giả chết, tổ chức đám tang giả nhằm trốn tránh khoản nợ có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
“Nếu bà Tuyến có các khoản nợ theo thỏa thuận vay nợ, hợp đồng nhưng lại bỏ trốn và dàn dựng lên đám tang giả của chính mình nhằm chấm dứt nghĩa vụ thanh toán trả nợ có dấu của việc dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Do đó, hành vi bỏ trốn, giả chết, làm tang giả của bà Tuyến có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác theo quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tuy nhiên, hiện nay, chưa xác định được những người mà bà Tuyến trốn nợ là ai, số tiền nợ bao nhiêu nên chưa thể khẳng định dấu hiệu vi phạm khoản nào của tội danh trên” – luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
 Bà Tuyến tại cơ quan công an.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, điều tra ban đầu của cơ quan công an cho thấy, bà Tuyến đã làm đám tang giả để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của nhiều người. Do đó, trường hợp có đơn tố cáo về hành vi vay mượn tiền, nợ nần không trả của bà Tuyến, hành vi gian dối nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của người phụ nữ này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo quy định của pháp luật, nếu nhận tiền của người khác thông qua các giao dịch dân sự hợp pháp (việc nhận sử dụng tiền là hợp pháp) nhưng sau đó đã dùng thủ đoạn gian dối để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, hành vi này là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Nếu người nào thông qua các quan hệ dân sự mà nhận tiền, tài sản của người khác từ 4.000.000 đồng trở lên nhưng gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất trả lại khả năng trả lại tài sản hoặc có điều kiện trả lại tài sản nhưng cố tình không trả lại tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Như vậy, trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy bà Tuyến đã vay mượn, nợ nần của nhiều người thông qua các giao dịch dân sự, số tiền từ 4.000.000 đồng trở lên nhưng đã giả vờ chết để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với người phụ nữ này về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Nếu số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên, người phụ nữ này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy người phụ nữ này “giả chết” do bị người khác đe dọa uy hiếp, bị truy sát, hành vi giả chết chỉ là để bảo toàn mạng sống nhưng không có mục đích trốn tránh nghĩa vụ trả nợ (vẫn có phương hướng, kế hoạch trả nợ cụ thể), người phụ nữ này mới không bị xử lý hình sự.
Luật sư Cường cho rằng, dù kết quả giải quyết thế nào, vụ việc này cũng dở khóc dở cười. Bởi việc giả vờ chết như vậy rất dễ rơi vào tầm ngắm của cơ quan điều tra. Nếu thông tin là bị bệnh tật ốm đau chết tại nhà có thể ít người để ý nhưng thông tin của gia đình này đưa ra là người phụ nữ này bị người khác giết chết mà cơ quan điều tra nơi xảy ra sự việc không xử lý hình sự, không thông báo phối hợp với chính quyền địa phương đó là thông tin hết sức ngây thơ và là lý do để cơ quan điều tra nghi ngờ và xác minh làm rõ sự việc.
Theo quy định của pháp luật, khi một người bị sát hại, cơ quan điều tra nơi xảy ra vụ việc sẽ khởi tố vụ án hình sự để tiến hành các hoạt động điều tra, trong quá trình điều tra sẽ liên hệ với địa phương nơi nạn nhân sinh sống để xác minh làm rõ. Bởi vậy trong vụ việc này thông tin gian dối của gia đình người phụ nữ này đưa ra có điều sơ hở so với quy định của pháp luật nên sự việc bị bại lộ.
Cho dù nguyên nhân sự việc là do nợ nần không có khả năng trả hay do bị những chủ nợ đe dọa uy hiếp đến tính mạng, việc giả chết như vậy cũng không phải là giải pháp tích cực, không những không trốn tránh được nghĩa vụ trả nợ mà có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy đây sẽ là bài học đắt giá cho những ai lâm vào tình trạng nợ nần túng quẫn, cần phải có những giải pháp tích cực, trong đó có thể là giãn nợ, khất nợ, lên kế hoạch, phương hướng trả nợ có tính khả thi trong tương lai để thuyết phục chủ nợ bình tĩnh, yên tâm chờ đợi. Không nên mù quáng hay ngây thơ mà lại bịa chuyện, đưa ra những không tin gian dối để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ như vậy.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nam thanh niên giả gái lừa tình trên mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản

Nguồn: Truyền hình Cần Thơ.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)