Quốc hội xem xét 3 dự án Luật

Google News

Theo chương trình, ngày 27/10, Quốc hội sẽ xem xét về 3 dự án luật là: Luật Quản lý ngoại thương; Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Quản lý ngoại thương. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý ngoại thương.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Luật trợ giúp pháp lý được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006. Trong 9 năm triển khai thi hành, công tác trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy công tác trợ giúp pháp lý phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật nói chung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn nói riêng.
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, nhiều đạo luật quan trọng mới được Quốc hội ban hành, nhiều chính sách cải cách được thông qua, trong đó có việc tăng cường cải cách pháp luật, cải cách tư pháp theo định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và yêu cầu chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, hoạt động trợ giúp pháp lý đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Do vậy, việc nghiên cứu, sửa đổi Luật trợ giúp pháp lý là cần thiết. Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) trình Quốc hội lần này cho ý kiến được xây dựng gồm 8 chương, 49 điều.
Tại Kỳ họp thứ 05, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Sau 06 năm thi hành, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thiệt hại được bồi thường chưa được cập nhật đầy đủ, thiếu đồng bộ với những thay đổi trong quy định của Hiến pháp năm 2013 và các quy định trong các đạo luật mới ban hành; chưa quy định rõ ràng và chặt chẽ về việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường, trách nhiệm hoàn trả, trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường.
Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, yêu cầu nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 là rất cần thiết.
Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) trình Quốc hội xin ý kiến lần này gồm 9 chương, 78 điều (sửa đổi 42/67 điều, bỏ 20 điều và quy định mới 36 điều so với Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009).
Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước về thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế để tận dụng tối đa cơ hội hội nhập, đồng thời hạn chế những bất lợi về vị thế và năng lực cạnh tranh.
Thời gian qua, hoạt động ngoại thương diễn ra sôi động và có những đóng góp nhất định cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác quản lý nhà nước về ngoại thương đã chặt chẽ, thông suốt, minh bạch và hiệu quả, song chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này còn một số điểm chưa hoàn chỉnh, cần tiếp tục hoàn thiện.
Luật Thương mại 2005 và các VBPL có liên quan chưa thể hiện rõ yêu cầu hội nhập, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Vì vậy, việc sớm ban hành một đạo luật riêng về quản lý ngoại thương là cần thiết. Dự án Luật Quản lý ngoại thương trình Quốc hội lần này gồm 8 chương, 115 điều.

Theo Nguyễn Hoàng/Báo Chính Phủ

Bình luận(0)