Biểu quyết thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Sáng 12/6, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, với 410/442 ĐBQH tán thành (chiếm 83,50% ĐBQH có mặt sáng ngày 12/6) Quốc hội đã ấn nút thông qua Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua có 4 chương với 35 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Luật quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
|
Với 410/442 ĐB tán thành (chiếm 83,5%) sáng 12/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
|
Các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Luật gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí sau: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.
Về nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật quy định rõ, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tôn trọng quy luật thị trường, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bảo đảm công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực. Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn lực ngoài Nhà nước do các tổ chức, cá nhân tài trợ được thực hiện theo quy định của tổ chức, cá nhân đó nhưng không được trái quy định của pháp luật…
Luật quy định rõ về các hành vi bị nghiêm cấm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không đúng nguyên tắc, đối tượng, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phân biệt đối xử, gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin giả mạo, không trung thực liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sử dụng nguồn lực hỗ trợ không đúng mục đích đã cam kết…
Trước đó, cũng tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018
Cũng trong sáng 12/6, Quốc hội nghe Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018. Phó tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018.
Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018 với tỷ lệ 436/439 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành chiếm 88.80% tổng số đại biểu Quốc hội.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về cơ bản, đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018, tập trung vào các nhóm nội dung chính là xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề và xem xét việc thực hiện kiến nghị sau giám sát; đồng thời, nhất trí với dự kiến chi tiết các nội dung của chương trình.
|
Các Đại biểu ấn nút thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018. |
Nghị quyết quy định, năm 2018, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao các nội dung sau:
Tại kỳ họp thứ 5: Xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Giám sát chuyên đề.
Tại kỳ họp thứ 6: Xem xét, thảo luận Báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; Xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.
Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Giám sát chuyên đề.