Chiều 2/6, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VKVLNCCHT).
Đề nghị không quy định quản lý, sử dụng pháo hoa trong dự Luật
Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung quy định điều chỉnh đối với vũ khí sinh học, vũ khí hóa học, vũ khí hạng nặng, pháo hoa, pháo nổ, các loại đồ chơi nguy hiểm, vũ khí tự chế hoặc các loại có tính năng tương tự vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Một số ý kiến đề nghị chỉ điều chỉnh đối với vũ khí cá nhân, vũ khí hạng nhẹ, không điều chỉnh đối với vũ khí hạng nặng trang bị cho lực lượng Quân đội sử dụng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: “VKVLNCCHT được điều chỉnh trong Luật này gồm các loại VKVLNCCHT mà nhà nước cho phép một số đối tượng được trang bị, sử dụng theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Các loại VKVLNCCHT không được phép trang bị, sử dụng. Đây là những loại VKVLNCCHT sót lại sau chiến tranh hoặc tồn tại ngoài xã hội do sản xuất, chế tạo, mua bán, vận chuyển bất hợp pháp (bao gồm cả vũ khí hạng nặng). Những loại này cần được điều chỉnh trong dự thảo Luật để làm căn cứ pháp lý cho các lực lượng chức năng thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật hình sự; đồng thời vận động, tổ chức việc thu gom, thanh lý, tiêu hủy”.
|
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt. Ảnh: Quochoi.vn |
“Đối với vũ khí sinh học, vũ khí hóa học và các loại vũ khí giết người hàng loạt là những loại vũ khí bị cấm phát triển theo các công ước quốc tế, trên thực tế không tồn tại và không được thừa nhận tại Việt Nam, nếu đề cập trong dự thảo Luật sẽ dẫn đến hiểu lầm Việt Nam có các loại vũ khí này, nên đề nghị không bổ sung vào phạm vi điều chỉnh”, ông Võ Trọng Việt nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cũng cho hay, riêng với pháo hoa được xác định là sản phẩm đặc thù, chỉ được xem xét cho sử dụng trong những ngày lễ trọng đại của đất nước hoặc Tết cổ truyền dân tộc. UBTVQH đề nghị không quy định quản lý, sử dụng pháo hoa trong Luật này mà tiếp tục giao Chính phủ quy định”.
Đối tượng được Quản lý, sử dụng, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Nhiều ĐBQH đề nghị quy định cụ thể đối tượng được trang bị trong dự thảo Luật theo hướng chỉ trang bị vũ khí quân dụng cho các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Ý kiến khác đề nghị thu hẹp đối tượng được trang bị vũ khí; cân nhắc việc trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng Kiểm lâm, Kiểm ngư, Hải quan, An ninh hàng không, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao... Có ý kiến còn đề nghị bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng như Công an xã, lực lượng dự bị động viên, các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu, doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề đặc biệt, bảo tàng...
Theo UBTVQH, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 17 dự thảo Luật Chính phủ trình là những lực lượng, đơn vị đang được giao nhiệm vụ trực tiếp thi hành công vụ, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có tính chất nguy hiểm. Những lực lượng này hiện đang được trang bị vũ khí quân dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.
“Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hiện nay được xác định là lực lượng điều tra chuyên trách có nhiệm vụ điều tra đối với 38 tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự. Một số đối tượng điều tra của lực lượng này cũng được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, đồng thời có hiểu biết chuyên sâu về pháp luật, tính chất chống đối cũng nguy hiểm, rất khó lường nên khi tiến hành đấu tranh, bắt giữ đối tượng có hành vi chống đối sẽ rất nguy hiểm cho cán bộ, điều tra viên Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, do đó, cần thiết trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng này để thực hiện nhiệm vụ”, ông Võ Trọng Việt cho biết.
“Việc quy định cụ thể các cơ quan, đơn vị được trang bị vũ khí cần bảo đảm linh hoạt, phù hợp với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong từng giai đoạn, nên để Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể là phù hợp”, ông Võ Trọng Việt cho biết.
Ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, UBTVQH thấy rằng, Công an xã là lực lượng thuộc hệ thống tổ chức CAND (theo quy định của Luật Công an nhân dân); lực lượng dự bị động viên là một bộ phận của QĐND (theo quy định của Luật quốc phòng), đã thuộc đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng trong dự thảo Luật; một số lực lượng chuyên trách chống buôn lậu thì căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tính chất hoạt động, việc xác định đối tượng được trang bị như dự thảo Luật Chính phủ trình là phù hợp. Đối với các lực lượng, tổ chức, đơn vị khác, UBTVQH đề nghị không trang bị vũ khí quân dụng vì không phù hợp tính chất hoạt động, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật
Nhiều ĐBQH cho ý kiến, đề nghị Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc nổ súng, còn việc nổ súng trong các trường hợp cụ thể đề nghị quy định trong các Luật chuyên ngành. Ý kiến khác cho rằng, Luật này cần quy định cụ thể về nguyên tắc và các trường hợp nổ súng, không giao các Luật khác quy định về nổ súng để bảo đảm thực hiện thống nhất, một số trường hợp đặc biệt có thể quy định trong Luật chuyên ngành nhưng phải bảo đảm tuân thủ các quy định về nổ súng tại Luật này; đồng thời đề nghị tách Điều này thành một số điều độc lập quy định về khái niệm, nguyên tắc nổ súng, các trường hợp nổ súng sau khi cảnh báo, các trường hợp nổ súng không cần cảnh báo…
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: “Luật này được xây dựng nhằm bảo đảm thống nhất quản lý và sử dụng VKVLNCCHT. Việc nổ súng của các lực lượng được trang bị vũ khí quân dụng cần quy định đầy đủ về nguyên tắc và các trường hợp được phép nổ súng làm căn cứ để các lực lượng thi hành công vụ thực hiện; đồng thời là cơ sở để các luật chuyên ngành cụ thể hóa quy định về nổ súng cho phù hợp.
Một số ĐBQH đề nghị quy định nổ súng phải bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật hình sự về phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, tránh trường hợp lạm dụng hoặc nổ súng vượt quá giới hạn.
UBTVQH thấy rằng, dự thảo Luật Chính phủ trình đã quy định nguyên tắc chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và phải hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra; đồng thời, các trường hợp cụ thể được nổ súng bảo đảm tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật, phù hợp với quy định về phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết.
Một số ý kiến đề nghị không quy định lấy mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội làm căn cứ quyết định nổ súng, vì việc xác định mức độ nghiêm trọng của hành vi phải do cơ quan có thẩm quyền xác định theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, người thi hành công vụ không thể xác định được khi quyết định nổ súng. Đồng thời đề nghị bổ sung một số trường hợp cụ thể được nổ súng.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nói: “UBTVQH thấy rằng, bên cạnh việc quy định một số hành vi cụ thể được phép nổ súng không cần cảnh báo phù hợp với tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, bảo đảm thời cơ và yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, dự thảo Luật cũng cần quy định về các trường hợp nổ súng sau khi cảnh báo căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Đối với các trường hợp này, khi thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ cần căn cứ vào các dấu hiệu tội phạm hoặc quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền tố tụng để quyết định việc sử dụng vũ khí. Quy định này phù hợp với nguyên tắc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự”.